Những trường ĐH nào tuyển sinh ngành học về vi mạch bán dẫn?

Thứ Tư, 02/10/2024 14:34 GMT +7
Công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn đang được nhà nước chủ trương phát triển. Trong 10 năm tới, các trường ĐH phải đào tạo 50.000 nhân lực mới có thể đáp ứng nhu cầu cho lĩnh vực này. Vậy hiện nay, Việt Nam có những trường ĐH nào đào tạo ngành học về vi mạch bán dẫn?

ĐH Bách khoa Hà Nội

Nhiều năm nay, trường tuyển sinh và đào tạo một số ngành liên quan đến thiết kế, chế tạo chip và linh kiện điện tử-bán dẫn từ chuyên ngành kỹ thuật điện tử thuộc ngành kỹ thuật điện tử-viễn thông. Ngành này đào tạo về thiết kế IC, VLSI và các hệ nhúng liên quan đến thiết kế chip và linh kiện điện tử-bán dẫn.

Trung tâm đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn tại Khu công nghệ cao TP.HCM. MỸ QUYÊN

Chuyên ngành điện-điện tử thuộc ngành vật lý kỹ thuật đào tạo kiến thức liên quan đến chế tạo chip và linh kiện điện tử-bán dẫn; ngành kỹ thuật vật liệu có mô-đun đào tạo về vật liệu liên quan đến chế tạo vi điện tử và bán dẫn.

Năm 2023, lần đầu tiên ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh chương trình đào tạo kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano tập trung vào lĩnh vực chế tạo sản xuất, trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng về quy trình sản xuất vi điện tử từ thiết kế, chế tạo, đóng gói, kiểm chuẩn đến việc phát triển các thiết bị điện tử sử dụng công nghệ nano.

ĐH Quốc gia Hà Nội

Ở bậc ĐH, ĐH Quốc gia Hà Nội có ngành khoa học vật liệu đào tạo kiến thức về vật liệu bán dẫn, vật liệu và công nghệ nano. Ngành vật lý, kỹ thuật điện tử và tin học cũng đào tạo một số nội dung có liên quan đến bán dẫn. Ở bậc cao học, chuyên ngành công nghệ bán dẫn của chương trình thạc sĩ vật lý; kỹ thuật điện tử (thạc sĩ và tiến sĩ) có đào tạo về thiết kế vi mạch.

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

Đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch của các ngành kỹ thuật điện tử-viễn thông, kỹ thuật viễn thông (Việt Pháp), hệ thống mạch-phần cứng. Ở bậc cao học, ngành kỹ thuật điện tử-kỹ thuật viễn thông cũng có chuyên ngành về thiết kế vi mạch.

Phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). NGỌC DƯƠNG

Năm 2024 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM sẽ chính thức tuyển sinh 2 ngành mới gồm thiết kế vi mạch (bậc ĐH  và vi mạch bán dẫn (bậc cao học).

Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM

Từ năm 2006, trường đã đào tạo kỹ sư ngành kỹ thuật máy tính chuyên sâu về thiết kế vi mạch và hệ thống nhúng. Hiện nay, thiết kế vi mạch chính thức trở thành chuyên ngành của ngành kỹ thuật máy tính.

Các trường dự kiến tuyển sinh 

Năm 2024, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM dự kiến mở ngành thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn. Trường ĐH CMC cũng dự kiến tuyển sinh ngành học có chuyên ngành về thiết kế vi mạch. Trường ĐH FPT thành lập khoa Vi mạch bán dẫn, đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, dự kiến tuyển sinh năm 2024.

Trường ĐH Thủ Dầu Một hôm 26.12 cũng đã ký thỏa thuận hợp tác về chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn tại miền Đông Nam bộ với một công ty về giáo dục. Theo đó, 2 bên sẽ cùng xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư vi mạch để tuyển sinh và đào tạo trong thời gian tới.

Theo Mỹ Quyên/ Thanh niên