Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM công bố đề minh họa kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2025

Thứ Sáu, 11/10/2024 10:22 GMT +7
Ngày 15/8/2024, Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM là trường đầu tiên công bố đề minh họa kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ áp dụng từ năm 2025

Năm 2025, Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt vẫn tiếp tục được thực hiện với các bài thi Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh với quy mô mở rộng dự kiến không chỉ phục vụ cho công tác tuyển sinh của Trường mà còn cho các trường đại học khác như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm  - Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Công thương, Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Trường Đại học Y Dược Huế, Trường Đại học Y Dược Tây Nguyên,…

Ảnh: Nhà trường

Thay đổi cấu trúc phù hợp chương trình mới

Tuy nhiên, từ năm 2025 kỳ thi này sẽ có nhiều điểm cải tiến trong cấu trúc các bài thi so với những năm trước. Cụ thể là thêm 2 dạng thức câu hỏi mới: câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn có nhiều hơn 1 phương án đúng và dạng thức câu hỏi sử liệu dữ liệu chung. Các dạng thức đặc thù này góp phần để đo các năng lực chuyên biệt và năng lực chung theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Việc công bố đề minh họa này sẽ giúp cho thí sinh hiểu rõ hơn về cấu trúc đề thi cũng như có những định hướng ôn luyện phù hợp.

Theo đánh giá sơ bộ ban đầu của trường cho thấy, nhóm thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT kết hợp thi ĐGNL chuyên biệt có kết quả học tập tốt hơn so với nhóm thí sinh xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT. Đây vừa là động lực vừa là tiền đề để xây dựng phương án tuyển sinh độc lập thông qua kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt từ năm 2025 trở đi.

Đề minh họa

Môn Toán

Môn Văn

Môn Hóa học

Môn Vật Lý

Môn sinh học

Kiến thức lớp 12 chiếm 70 – 80%

Theo đó, các nội dung kiến thức sử dụng để đánh giá năng lực của thí sinh được đề cập trong các bài thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018, với phần nội dung kiến thức trong chương trình lớp 12 chiếm tỷ lệ khoảng 70-80%, còn lại là nội dung kiến thức thuộc chương trình lớp 10, 11. 

Bài thi đánh giá năng lực Tiếng Anh vẫn giữ hướng tiếp cận theo định dạng bài thi đánh giá năng lực từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Ngữ liệu trong đề thi đa dạng, được lấy trong nhiều lĩnh vực khác nhau với thời gian làm bài 180 phút.

Các bài thi đánh giá năng lực Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học có thời gian làm bài 90 phút. Số lượng câu hỏi sẽ có 40 câu và được chia làm 3 phần: phần 1: câu hỏi đơn, phần 2: câu hỏi tổng hợp, phần 3: câu hỏi điền đáp án đúng. Bài thi Ngữ văn bao gồm 2 phần: Đọc hiểu (gồm 20 câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn) và phần Viết (viết đoạn văn ngắn với 1 câu hỏi tự luận).

Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường ĐH Sư phạm TP.HCM được xây dựng đề án từ năm 2020, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh đến năm 2022 kỳ thi mới chính thức được tổ chức một đợt thi với 1972 lượt thí sinh tham gia. Năm 2023, kỳ thi đã nâng lên thành hai đợt và tổ chức tại cơ sở chính của trường với 4362 lượt thí sinh tham gia. Năm 2024, kỳ thi đã mở rộng quy mô lên 5 đợt và mở rộng địa điểm tổ chức ở Long An, Gia Lai và Đà Nẵng. Kỳ thi từng bước được được sự quan tâm của học sinh và phụ huynh ở TP.HCM cùng nhiều tỉnh thành. Đặc biệt trong năm 2024, sau năm ngày mở cổng đăng ký thì tỷ lệ thí sinh đăng kí ở điểm thi TP.HCM và Long An đạt trên 80%. Tổng số lượt thí sinh tham gia cả 05 đợt của năm 2024 đạt 8540. 

Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt kết hợp với kết quả học tập THPT được xem là một phương thức tuyển sinh mới của nhà trường từ năm 2022. Tỷ trọng của phương thức này đã tăng từ 20% của năm 2022 thành 30% của năm 2023 và có những ngành tăng lên 50% vào năm 2024. Bên cạnh đó, số ngành sử dụng phương thức này cũng tăng từ 19 ngành năm 2022 đến 28 ngành trong năm 2023 (tăng 47,3% ) và 31 ngành cho năm 2024 (tiếp tục tăng 10,7%). Điều này cho thấy sự đổi mới trong công tác tuyển sinh của nhà trường và kết quả đánh giá năng lực đã được sự đồng ý của các khoa khi sử dụng phương thức kết hợp này.

Thanh Xuân