Các chuyên gia 9.0 IELTS bày cách ôn luyện để đạt kết quả tốt nhất
Chiến lược từng mốc điểm
Là một trong những người Việt đầu tiên đạt 9.0 IELTS, chị Trương Hải Hà, tác giả sách IELTS Writing Navigator và hiện là giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội, chia sẻ ở mỗi thang điểm, thí sinh cần có một phương pháp ôn luyện khác nhau.
Như với mục tiêu 6.5-7.0, mức phổ biến dùng để xét tuyển vào các ĐH, thí sinh phải xây nền từ vựng, ngữ pháp và phát âm thật vững, bên cạnh rèn luyện 4 kỹ năng.
Chị Trương Hải Hà. ẢNH: NVCC
Với từ vựng, chị Hà cho rằng cần nạp ít nhất 8.000-9.000 từ để có thể đọc và nghe hiểu. Thí sinh có thể học từ vựng bằng phương pháp lặp lại ngắt quãng (spaced repetition) và theo cụm (multiword units) thay vì học từng từ riêng lẻ. Với phát âm, các bạn cần nắm IPA (bảng phiên âm), tập trung vào các âm khó như /ð/, /θ/, đi cùng đó là cách nối âm, lướt âm và đồng hóa âm. Ở ngữ pháp, cấu trúc câu là điều cần ưu tiên hàng đầu.
"Đặt mục tiêu 8.5-9.0, bạn cần tập trung phát triển sự lưu loát ở cả 4 kỹ năng. Với nghe, bạn có thể tăng tốc độ bản ghi âm lên gấp 1,5-2 lần và tập nói theo cùng lúc. Với đọc, nên đặt mục tiêu đọc khoảng 250 từ/phút, tốc độ làm bài 1 phút/câu và chừa 15-20 phút soát lại các câu khó. Với nói, nên nghe lại bản ghi âm câu trả lời của mình và điều chỉnh tới khi ưng ý. Với viết, bạn cần được chỉnh sửa, nhất là về các tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ và mạch lạc - liên kết, để nhận ra và sửa được lỗi tư duy", chị Hà chia sẻ.
Cũng theo nữ giáo viên, dù nhắm tới thang điểm nào, thí sinh cũng cần tự soi chiếu các lỗi sai đã mắc phải và xác định nguyên nhân sai, lỗ hổng kiến thức, từ đó rút kinh nghiệm cho lần sau. Thí sinh cũng nên khai thác từ vựng, cấu trúc từ chính các bài nghe, đọc để áp dụng khi thi viết, nói. Cuối cùng, các bạn cần nhớ nguyên tắc "time on task", tức làm một việc càng lâu thì sẽ càng thông thạo, chị Hà nhắn nhủ.
Kết nối nội dung học
Đạt 9.0 IELTS hồi tháng 7, thạc sĩ Tạ Hòa, sáng lập kiêm điều hành Trung tâm Anh ngữ Everse IELTS (Hà Nội), cho biết để đạt được thang điểm ưng ý, nhất là ở mốc trên 6.5, thí sinh cần chú trọng luyện tập theo hướng chất lượng số lượng, đồng thời phải ôn song song 4 kỹ năng theo thời gian dài chứ không thể một sớm một chiều. "Tùy sức bền, các bạn có thể chia ra mỗi buổi học một kỹ năng và lặp lại quy trình này", chị Hòa nói.
Chị Tạ Hòa. ẢNH: NVCC
Chia sẻ thêm về thứ tự ôn luyện của bản thân, nữ giáo viên cho biết chị sẽ làm bài đọc trước theo các phương pháp mà mình quen thuộc, sau đó kiểm tra đáp án và học các từ vựng được nhắc đến trong bài. Theo chị Hòa, một bước quan trọng nhưng ít người thực hiện là sau khi hoàn thành, các bạn có thể trở lại bài đọc đó và xem nó như bài báo cần đọc hiểu thay vì một bài tập. "Mục đích là để gia tăng vốn hiểu biết", chị Hòa chia sẻ.
Ở phần nghe, chị Hòa khuyên thí sinh tìm video về những chủ đề liên quan đến bài đọc vừa làm để tạo sự kết nối, giúp học bài dễ hơn do có hình ảnh, âm thanh đi kèm. Chưa kể, các video thường được làm dễ hiểu với người xem và đây là một tài liệu tốt để luyện tập. Sau đó, các bạn dựa vào bài đọc và nghe để tự tóm tắt lại những nội dung mình ấn tượng nhất, có thể bằng cách ghi ra, rồi nói lại nội dung đó bằng tiếng Anh.
Chị Hòa nói thêm, khi vào phòng thi, vấn đề tâm lý là rào cản lớn nhất với các thí sinh. Để tạm thời khắc phục, các bạn có thể đăng ký thi thử miễn phí ở IDP và Hội đồng Anh cho quen thao tác và không khí phòng thi, tránh hồi hộp và căng thẳng khi "thực chiến". "Nếu tâm lý yếu, các bạn cũng có thể khắc phục bằng việc học cách ghi chú lại ở từng phần", nữ giáo viên lưu ý.
Mất "gốc", phải làm sao?
Đạt 9.0 IELTS hồi tháng 8, anh Nguyễn Hoàng Huy, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại các ĐH là Công nghệ Nanyang (Singapore) và New Hampshire (Mỹ) kiêm Giám đốc điều hành Trung tâm tiếng Anh The Forum (Bà Rịa - Vũng Tàu), nhận định nhiều học sinh không thể học ngoại ngữ hiệu quả dù nỗ lực hết mình. Đây chính là hiện tượng mất "gốc" phổ biến mà các bạn hay truyền tai nhau.
Anh Nguyễn Hoàng Huy. ẢNH: NVCC
"Một trong các nguyên nhân dẫn đến mất 'gốc' là cảm giác lo sợ và căng thẳng do thiếu tự tin. Các bạn cho rằng ngoại ngữ là thứ mình kém, khi nói ra sẽ bị đánh giá hay phán xét nên kích hoạt phản ứng "chống trả hay bỏ chạy" (fight or flight), dần dà khiến việc học ngoại ngữ trở thành nhân tố gây căng thẳng tâm lý, giới hạn khả năng tiếp thu", anh Huy phân tích.
Để giải quyết tình trạng trên, nam giáo viên nhìn nhận có 2 phương pháp. Thứ nhất, các bạn có thể thực hành bằng cách tả 5 thứ mình thấy hoặc đọc tên 5 màu sắc trong tầm mắt khi cảm thấy căng thẳng, hoặc trước khi vào học. Đồng thời, các bạn cần thử thách lo âu lúc tâm trạng đang tích cực, như khi cảm thấy ổn định thì suy nghĩ những khó khăn lúc học. Điều này giúp cơ thể có khả năng "chống chịu" tốt hơn.
"Để học tốt, đôi khi các bạn phải giảm kỳ vọng của bản thân, đồng thời hạn chế tiếp cận những nội dung khoe điểm trên mạng xã hội. Đồng thời, thí sinh có thể tìm những người bạn gặp vấn đề tương tự mình để hình thành sự cảm thông và hỗ trợ lẫn nhau. Để ôn thi hiệu quả, các bạn cũng có thể sắp xếp thứ tự ưu tiên theo hình bậc thang, ghi chú 1 vấn đề tại 1 thời điểm và giải quyết nó xong trước khi bước qua vấn đề khác", anh Huy nói.
Theo Ngọc Long/ Thanh niên
Tin cùng chuyên mục
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-