Học sinh lớp 12 chia thời gian ôn thi thế nào?
Học sinh chia thời gian ôn luyện từng môn phụ thuộc vào năng lực. Ảnh: TG.
Chú trọng cho các môn còn yếu
Đặt nguyện vọng 1 xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vào ngành Khoa học máy tính, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, em Bùi Minh Hiếu, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội), chia sẻ: “Ngành này năm ngoái lấy điểm tương đối cao là 27.25 điểm. Để tăng cơ hội trúng tuyển, em đã lập kế hoạch kỹ càng. Đến giai đoạn này, ngoài ôn luyện trên trường, em chủ yếu dành thời gian tự học”.
Hiếu dự định sử dụng tổ hợp xét tuyển A01 gồm Toán, Vật lí và Tiếng Anh. Do học Tiếng Anh tương đối tốt, nam sinh tập trung nhiều thời gian cho hai môn Toán và Vật lí.
Chia sẻ về thời gian biểu ôn tập, Hiếu kể: Mỗi ngày, em dành 4 – 6 giờ cho việc tự học và ưu tiên hai môn Toán và Vật lí. Thông thường, em dành 2 tiếng học Toán, 2 tiếng học Vật lí và 1 tiếng cho môn Tiếng Anh.
Ngoài ra, nam sinh còn phân chia thời gian theo mức độ khó của nội dung ôn luyện. Đơn cử, nếu hôm nào làm thử đề thi môn Toán của các trường THPT chuyên, Hiếu sẽ dành đến 3 tiếng vừa làm bài, chữa bài và ôn lại kiến thức còn hổng. Sau đó, nam sinh dành khoảng 1 tiếng để học thuộc kiến thức lý thuyết môn Vật lí thay vì luyện đề để bộ não không bị quá tải. Chuyển sang Tiếng Anh, nam sinh thường xem lại các bài dễ mắc lỗi như bài đọc hiểu, đồng nghĩa, trái nghĩa...
“Em cho rằng trong giai đoạn ôn thi, các bạn nên ưu tiên thời gian nhiều hơn cho các môn mình học chưa tốt nhưng cũng không nên lơ là các môn mình đã vững kiến thức. Phân bổ thời gian hợp lý sẽ giúp các bạn giảm căng thẳng và trau dồi bài vở hiệu quả nhất”, Hiếu cho hay.
Lập kế hoạch ôn thi khoa học
Trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020, em Nguyễn Ngọc Khanh, cựu học sinh Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội là thủ khoa khối D toàn quốc. Tổng điểm của nữ sinh là 29 điểm gồm 10 điểm Toán, 10 Tiếng Anh và 9 Văn.
Khanh tiết lộ, em tập trung học kỳ I hoàn thành chương trình Toán lớp 12 để bước sang học kỳ II có thể chuyên tâm luyện đề. Vì trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, môn Toán thường thi vào buổi chiều nên nữ sinh sẽ dành thời gian đầu giờ chiều để làm đề Toán. Điều này tạo cảm giác như thí sinh đang bước vào kì thi thật và để đồng hồ sinh học của Khanh quen với hoạt động này.
Giành 10 điểm Tiếng Anh, Khanh tự tin đây là môn em học chắc nhất nên dành ít thời gian ôn luyện hơn.
Với môn Văn, trong giai đoạn nước rút, em học vào buổi sáng để ghi nhớ kiến thức quan trọng như thông tin tác giả, tác phẩm, năm sáng tác, hoàn cảnh sáng tác, nội dung chính của tác phẩm... Còn buổi tối, em dành thời gian viết văn, luyện đề để trau dồi ngòi bút.
Cô giáo Nguyễn Trang, giáo viên Tiếng Anh tại hệ thống giáo dục HOCMAI, nhận định việc thu nạp kiến thức là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự tích luỹ và trau dồi liên tục. Đến thời điểm này, thí sinh đã chuyển sang giai đoạn luyện đề để củng cố kiến thức nên các em có thể ôn luyện theo 2 cách.
Thứ nhất, các em luyện tập độc lập từng dạng bài để xác định điểm mạnh, yếu của bản thân. Ví dụ, có nhiều bạn nắm chắc ngữ pháp nhưng yếu kiến thức từ vựng hoặc nhiều bạn đọc hiểu tốt nhưng phát âm còn trúc trắc. Hiểu rõ điểm mạnh, yếu để bổ sung bài tập phù hợp.
Thứ hai, các em dành thời gian luyện đề trong thời gian 60 phút như làm đề thi thật. Quá trình này cần lặp đi lặp lại cho đến khi điểm số được cải thiện. Nếu cảm thấy điểm số không tăng, các em quay lại phương pháp thứ nhất để phát hiện kiến thức còn yếu.
Việc phân bổ thời gian ôn thi khoa học không chỉ giúp Khanh giành điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp mà còn là cơ hội để nữ sinh trau dồi tính kỷ luật, khả năng sắp xếp thời gian và kế hoạch. “Lên đại học, bài vở nhiều và em cũng tham gia các hoạt động ngoại khoá. Nếu không có kinh nghiệm sắp xếp thời gian hợp lý, em sẽ khó bắt nhịp nhanh với môi trường mới”, Nguyễn Ngọc Khanh chia sẻ.
Theo Phạm Khánh/ GD&TĐ
Tin cùng chuyên mục
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-