Thi tốt nghiệp THPT 2023: Chinh phục bài thi môn văn, toán, tiếng Anh

Thứ Năm, 03/10/2024 11:00 GMT +7
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa, hơn 1 triệu sĩ tử trên cả nước chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Thí sinh làm 3 bài thi bắt buộc là toán, văn, tiếng Anh và 1 bài thi tổ hợp tự chọn (khoa học tự nhiên gồm lý - hóa - sinh hoặc khoa học xã hội gồm sử - địa - giáo dục công dân). Dưới đây là “mách nước” của các thầy cô về cách chinh phục điểm cao đối với các môn thi bắt buộc.

Môn Văn: Hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy

Ngữ văn là môn học đặc thù, thí sinh cần tâm lý thoải mái thì mới có thể dễ dàng “thăng hoa” qua những trang viết của mình. Do đó, các em tránh “nhồi nhét” mà nên lên kế hoạch học tập hằng ngày cụ thể, cân đối giữa các môn học. Với môn văn, kỹ năng nào yếu nhất cần chú trọng ôn luyện nhiều hơn. Riêng phần nghị luận văn học, số lượng các tác phẩm cần ôn cũng tương đối nhiều, các em nên có kế hoạch ôn mỗi bài theo ngày.

Học sinh có thể sử dụng phương pháp hệ thống hóa kiến thức tác giả, tác phẩm bằng sơ đồ tư duy rất dễ hiểu, dễ nhớ, giúp các em hình dung, tiếp nhận kiến thức cơ bản nhanh hơn, tăng cường khả năng lập luận, tư duy, khả năng phân tích. Sơ đồ tư duy là sự kết hợp của hình ảnh, màu sắc, ngôn từ và việc sắp xếp trong không gian. Các em có thể hình dung sơ đồ tư duy giống như một cái cây. Cây có cành to, cành nhỏ, trong cành nhỏ lại có nhiều nhánh nhỏ khác. Sơ đồ tư duy môn văn cũng vậy, sẽ có những luận điểm, luận điểm được triển khai qua luận cứ… Các em có thể thực hiện qua các bước: hình thành ý tưởng, tạo nhánh cho sơ đồ, trang trí thêm hình ảnh, màu sắc tạo điểm nhấn cho nội dung.

Bên cạnh đó, nên luyện nhiều đề thi thử, đọc thêm nhiều tài liệu chuyên sâu, có chọn lọc để học hỏi, mở rộng kiến thức. Tích cực luyện viết, nhờ giáo viên sửa nếu có điều kiện để rút kinh nghiệm và sửa chữa những lỗi sai thường mắc phải.

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại TPHCM - ẢNH: P.T.

Đề thi văn hằng năm đều ổn định với kết cấu 2 phần là đọc hiểu và làm văn, thời gian 120 phút. Khi làm bài, các em cần đọc kỹ đề, có thể đọc 2-3 lần, gạch chân từ khóa, viết nhanh những ý tưởng của mình ra giấy nháp. Làm bài nên theo đúng trình tự, tránh việc chỉ chú trọng vào câu nghị luận văn học nhiều điểm mà coi thường phần đọc hiểu và nghị luận xã hội. Trong quá trình làm bài, câu nào “có vấn đề” thì tạm bỏ qua để hoàn thành những câu còn lại.

Chú ý kỹ năng làm bài cho mỗi phần. Với phần đọc hiểu, cần trả lời ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc. Viết đoạn văn nghị luận xã hội với dung lượng khoảng 2/3 trang giấy thi, đầy đủ các bước cần thiết. Bài văn nghị luận văn học trình bày rõ ràng, sạch đẹp, luận điểm, luận cứ chặt chẽ, thuyết phục, thêm phần liên hệ, mở rộng, so sánh để bài viết sâu sắc, sáng tạo hơn. Cân đối thời gian phù hợp cho mỗi phần: đọc, phân tích đề, kiểm tra lại bài 5-7 phút; đọc hiểu 25 phút; nghị luận xã hội 25 phút; nghị luận văn học 63-65 phút.

Cô Đỗ Thị Mai Anh - giáo viên văn Trường THPT Vạn Xuân (quận Long Biên, TP Hà Nội)

Môn toán: Làm phần cơ bản trước, xử lý phần nâng cao sau

Giai đoạn này, học sinh cần ưu tiên giải các đề thi chính thức và các đề tham khảo mà Bộ GD-ĐT đã công bố, rồi mới đến đề của các sở GD-ĐT và các trường THPT. Sau khi giải mỗi đề, các em tra đáp án để rút kinh nghiệm. Có thể thống kê dạng toán mình hay sai, câu nào sai thì nên giải lại và rèn luyện thêm các bài tương tự cùng dạng để nắm thật vững, tránh sai lại các câu cũ. Tuần cuối trước khi thi, thí sinh nên ôn tập lại các kiến thức lý thuyết, đặc biệt là kiến thức liên quan các câu mình hay bị sai.
Theo đề tham khảo năm 2023, cấu trúc đề thi gồm phần cơ bản là 37 câu đầu, phần nâng cao là từ câu 38-50. Phần cơ bản, học sinh nên bám sát các đề chính thức và đề tham khảo của bộ. Các bài toán nâng cao tập trung vào các chủ đề: khảo sát hàm số (đơn điệu, cực trị, tương giao, giá trị lớn nhất - nhỏ nhất): 2 câu; phương trình - bất phương trình mũ logarit: 2 câu; nguyên hàm - tích phân, ứng dụng tích phân: 2 câu; số phức (phương trình bậc 2, giá trị lớn nhất - nhỏ nhất của mô-đun): 2 câu, thể tích - khoảng cách: 2 câu; khối tròn xoay: 1 câu; hình Oxyz: 2 câu. Học sinh cần nắm rõ các chủ đề nâng cao này để rèn luyện các dạng toán trọng tâm.
Khi vào phòng thi, đối với các bài toán nâng cao, thí sinh không cần làm theo thứ tự, mà thấy các câu nào quen thuộc và nắm vững thì xử lý trước, các câu lạ, khó xử lý sau. Đặc biệt, muốn đạt điểm cao đòi hỏi các bạn phải có kiến thức và kỹ năng sử dụng máy tính cầm tay. Các bạn cần kiểm tra lại máy tính (thay pin nếu cần) trước khi đi thi.

Thầy Nguyễn Tuấn Lâm - Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú, TPHCM)

Đề thi có phần chương trình lớp Mười một (chiếm khoảng 1 điểm gồm 5 câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu), còn lại là chương trình lớp Mười hai. Đề thi có 24 mã đề như mọi năm. Nhưng khoảng 35-40 câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng thì luôn được sắp lên trước, những câu vận dụng cao để gần cuối đề. Thí sinh cần chú ý điều này, tập trung, bình tĩnh để xử lý khoảng 40 câu đầu tiên rồi đầu tư cho các câu nâng cao còn lại. Các em không nên làm bài trên đề mà làm trên giấy nháp, để tránh tình trạng làm lung tung trên đề rồi khoanh đáp án bị trật, đáp án khi tô cần cẩn thận kẻo bị nhảy câu. Đề minh họa của bộ chỉ có tính chất tham khảo. Thực tế, đề thi có thể khó hơn, nên thí sinh không chủ quan, cần ôn chắc các vấn đề cơ bản.

Thầy Phạm Đức Minh - Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức, TPHCM)

Môn tiếng Anh: Phương pháp loại trừ với những câu trắc nghiệm “khó nhai”
Từ nay đến lúc thi, các em cần lên kế hoạch, có chỉ tiêu ôn luyện cụ thể cho từng ngày, chứ không nên học kiểu được bao nhiêu hay bấy nhiêu sẽ khó hiệu quả. Trong đó, đặt mục tiêu lần lượt ôn luyện từng chuyên đề ngữ pháp chưa nắm vững, đồng thời ngày nào cũng phải bổ sung vốn từ. Các em cũng phải luyện cách mở rộng từ vựng, không chỉ học từ đơn mà phải học từ đi kèm với từ đó.

Cách học hiệu quả nhất là luyện đề, chỉ qua luyện đề mới rút ra được những chỗ cần bổ sung cho thời gian tiếp theo cũng như canh chỉnh thời gian hợp lý. Chẳng hạn, thấy mình làm sai nhiều ở câu từ vựng, câu đọc hiểu thì điều chỉnh lại kế hoạch ôn tập. Mỗi ngày nên dành thời gian luyện 1-2 đề.

Năm nay, cấu trúc đề gần như không thay đổi, gồm 50 câu trắc nghiệm, nằm ở 25 chuyên đề ngữ pháp. Độ phân hóa là 80% nhận biết, thông hiểu và 20% vận dụng và vận dụng cao. Khi nhận đề thi, thí sinh nên đọc lướt toàn đề 1 lần, câu dễ làm trước, câu khó khoanh lại để quay lại làm lần thứ hai. Đến lần thứ hai quay lại vẫn do dự thì nên sử dụng “bí kíp” loại trừ. Đáp án thường là 1 trong 2 phương án giống nhau nhất trong 4 phương án, thí sinh nên chọn 2 phương án giống nhau nhất và cân nhắc lựa chọn. 

Hoặc đáp án sẽ gồm nhiều chi tiết giống với 3 phương án còn lại nhất. Bởi mục tiêu của trắc nghiệm là đưa ra những “mồi nhử”, trong các phương án sai sẽ có một vài chi tiết đúng để thí sinh dễ bị nhầm. Đối với những câu hỏi có quá nhiều chi tiết, nên dùng phương pháp loại trừ câu sai. Các em nên đọc từng phương án tìm chỗ sai để loại bỏ, vì nếu cứ cố tìm câu đúng sẽ kiểm soát không hết các chi tiết. Đến câu không có chi tiết nào sai thì đó là phương án đúng. Không nên ngừng lại quá lâu ở bất cứ câu nào, vì với 60 phút cho 50 câu, mỗi câu chỉ có khoảng 1 phút để làm, chưa kể bài đọc mất nhiều thời gian.

Ở phần đọc hiểu, các em không nên đọc và dịch bài mà cần đọc thẳng vào câu hỏi, gạch chân ở những từ chủ chốt (key word), rồi tìm lại trên bài đọc, gạch chân những chi tiết khớp với key word để chọn đáp án. Trong bài đọc, nếu có các từ không biết thì đoán nghĩa trong ngữ cảnh, hoặc nếu không liên quan đến câu hỏi thì cho qua, đừng cố dịch nghĩa vì không đủ thời gian. Cuối cùng, thí sinh không nên bỏ qua bất cứ câu nào, cố gắng suy luận và lựa chọn phương án mà mình cảm thấy đúng nhất.

Cô Phan Thị Thu Hằng - Tổ trưởng chuyên môn tiếng Anh Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TPHCM)

Theo Minh Linh/ PNO