Trợ thủ cho học sinh trong thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Thứ Tư, 02/10/2024 15:16 GMT +7
Dù không phải là chìa khóa vạn năng nhưng máy tính bỏ túi sẽ là trợ thủ đắc lực cho học sinh trong ôn tập và thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Vật dụng không thể thiếu

Là học sinh lớp 12, Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội), Trần Thị Minh Phương đang gấp rút ôn tập, chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Minh Phương không phủ nhận lợi ích của máy tính bỏ túi, nó giúp em tính toán nhanh hơn và chính xác hơn, tránh được những nhầm lẫn khi tự mình nhẩm tính.

Trong quá trình ôn tập, Minh Phương nhận thấy máy tính bỏ túi mang lại hiệu quả cao và trở thành vật dụng thân thiết mỗi khi em ngồi vào bàn học môn Toán và các môn thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên. “Em sẽ rèn kỹ năng bấm máy tính thật nhanh, chính xác để không bị bỡ ngỡ, mất thời gian khi làm bài thi” – Minh Phương nói.

Thời điểm này, Nguyễn Mạnh Tuấn – học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Thái Bình cũng đang “tăng tốc” luyện đề, ôn thi tốt nghiệp THPT. Mạnh Tuấn xem máy tính bỏ túi là vật dụng không thể thiếu trong góc học tập của mình. Vật dụng này hỗ trợ đắc lực cho Mạnh Tuấn trong quá trình ôn tập và sẽ là trợ thủ của em khi làm bài thi tốt nghiệp THPT sau này.

Tuy nhiên, không vì thế mà Mạnh Tuấn bỏ qua các phương pháp và kỹ năng làm bài thi. “Em tự nhủ, phải nắm vững kiến thức cơ bản, hiểu được bản chất vấn đề thì mới áp dụng các cách làm nhanh, trong đó có việc sử dụng máy tính bỏ túi” – Mạnh Tuấn bày tỏ.

Từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT của những năm trước, Phạm Thị Huyền Trang – sinh viên năm thứ nhất của Học viện Tài chính – nhìn nhận, chắc chắn sẽ có một số loại máy tính được đem vào phòng thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Đây được coi là vật dụng không thể thiếu, giúp thí sinh tiết kiệm thời gian và cho kết quả chính xác hơn khi giải toán.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Huyền Trang được hơn 25,5 điểm. Từ kinh nghiệm của bản thân, Huyền Trang bật mí, ngoài việc sử dụng để tính toán những câu hỏi đơn giản, với mức thông hiểu; thí sinh cũng nên sử dụng máy tính ở một số câu tự luận, những câu vận dụng cao.

“Biết cách sử dụng máy tính bỏ túi hợp lý trong ôn thi và làm bài thi sẽ giúp thí sinh làm bài nhanh hơn, dành thời gian cho những câu hỏi khó” – Huyền Trang nói.

Tất nhiên, thí sinh vẫn phải kiểm soát việc sử dụng máy tính của mình. Không nên lạm dụng tuyệt đối để không bị mất đi kỹ năng tính toán. Giả trong ngày thi, máy tính bị hư hỏng và không sử dụng được. Trong trường hợp này, nếu không có kỹ năng tính toán các bạn sẽ bị mất điểm ngay ở những câu thông hiểu. “Do đó, cần kết hợp lý thuyết và sử dụng máy tính bỏ túi một cách hợp lý nhằm đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới” – Huyền Trang nhắn gửi.

Chỉ là công cụ hỗ trợ cho thí sinh

Theo cô Hà Thị Thu – Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hoá), giáo viên nên hướng dẫn học sinh sử dụng một số chức năng của máy tính bỏ túi để hỗ trợ giải toán. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, máy tính bỏ túi chỉ là công cụ hỗ trợ, điều quan trọng là các em phải nắm chắc kiến thức cơ bản, hiểu được bản chất vấn đề, rèn luyện kỹ năng giải toán và khả năng tư duy.

Học sinh không nên coi máy tính bỏ túi là "chìa khóa vạn năng" để "học vẹt", học mẹo để làm bài thi. Máy tính bỏ túi có thể giúp các trong thực hiện các bước tính toán trong một bài toán, nhưng không thể thay thế toàn bộ các yếu tố về kiến thức, kỹ năng, nhất là với một số bài toán khó, đòi hỏi khả năng tư duy, lập luận. Các chức năng của máy tính bỏ túi nên được khai thác đúng cách, hợp lý để tăng tốc độ tính toán.

Đồ họa: An nhiên.

Chỉ là công cụ hỗ trợ cho thí sinh

Theo cô Hà Thị Thu – Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hoá), giáo viên nên hướng dẫn học sinh sử dụng một số chức năng của máy tính bỏ túi để hỗ trợ giải toán. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, máy tính bỏ túi chỉ là công cụ hỗ trợ, điều quan trọng là các em phải nắm chắc kiến thức cơ bản, hiểu được bản chất vấn đề, rèn luyện kỹ năng giải toán và khả năng tư duy.

Học sinh không nên coi máy tính bỏ túi là "chìa khóa vạn năng" để "học vẹt", học mẹo để làm bài thi. Máy tính bỏ túi có thể giúp các trong thực hiện các bước tính toán trong một bài toán, nhưng không thể thay thế toàn bộ các yếu tố về kiến thức, kỹ năng, nhất là với một số bài toán khó, đòi hỏi khả năng tư duy, lập luận. Các chức năng của máy tính bỏ túi nên được khai thác đúng cách, hợp lý để tăng tốc độ tính toán.

Một lớp 12 của Trường THCS&THPT Bá Thước.

Ngày 24/3/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT sửa đổi một số điều Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT (sửa đổi tại Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT).

Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT đã sửa đổi quy định về các vật dụng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được phép mang vào phòng thi; trong đó có máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ.

Ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Bộ GD&ĐT đã công bố danh sách một số máy tính bỏ túi được đem vào phòng thi. Theo đó, về nguyên tắc chung, máy tính bỏ túi được đem vào phòng thi là các máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ để lưu trữ dữ liệu và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp.

Cụ thể là các loại máy tính sau: Casio FX-500 MS, FX-570 MS, FX-570ES Plus, FX-570VN Plus, FX- 580VN X, FX-880BTG;

VinaCal 500MS, 570MS, 570ES Plus, 570ES Plus II, 570EX Plus, 680EX Plus;

Catel NT CAVIET NT-570ES Plus II, NT-570ES Plus, NT-500MS, NT- 570VN Plus, NT-580EX, NT-570NS, NT-690VE X;

Thiên Long FX590VN Flexio, FX680VN Flexio;

Deli W1710, WD991ES;

Eras E370, E371, E372, E379, E380;

Vinaplus FX-580VNX PLUS II, FX-580 X, FX-580VN PLUS, FX- 570VN PLUS, FX-570MS;

Ngoài ra, là các máy tính bỏ túi đáp ứng quy định của Quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Theo Minh Phong/GD&TĐ