Các ngành đào tạo giáo viên dẫn đầu quy mô liên thông

Thứ Sáu, 27/09/2024 11:04 GMT +7
Các ngành đào tạo giáo viên đang dẫn đầu quy mô liên thông lên trình độ ĐH, cụ thể gồm giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học.

Thông tin trên được Bộ GD-ĐT chia sẻ trong tọa đàm chuyên gia trong nước và quốc tế về liên thông từ trình độ trung cấp (TC), cao đẳng (CĐ) lên trình độ đại học (ĐH): kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam, diễn ra sáng nay (18.12) tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), phát biểu khai mạc tọa đàm sáng nay. Ảnh: HÀ ÁNH

10 ngành đào tạo liên thông có số quy mô nhiều nhất

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Nguyễn Thảo Hương, chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết từ năm 2017, Bộ GD-ĐT ban hành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 18 năm 2017 quy định về liên thông giữa trình độ TC, CĐ với trình độ ĐH.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tổng số cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam hiện nay là 234 trường (không tính các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh). Trong đó, trường có đào tạo liên thông là 134, chiếm 49% số cơ sở đào tạo. Điều này cho thấy nhu cầu dạy và học liên thông tương đối lớn.

Đáng chú ý là thống kê của Bộ GD-ĐT về những ngành đào tạo liên thông có quy mô nhiều nhất. Trong đó, ngành giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học có nhu cầu liên thông lớn nhất. Điều này dễ giải thích vì hiện 2 ngành này được đào tạo ở trình độ TC và CĐ, trong khi yêu cầu giáo viên với bậc mầm non và tiểu học ngày càng khắt khe, số lượng giáo viên có bằng TC và CĐ đi học liên thông để lấy bằng ĐH ngày càng nhiều.

Tiếp theo đó, một số ngành có đào tạo ở bậc TC, CĐ gồm: luật, luật kinh tế, ngôn ngữ Anh, kế toán, dược học, điều dưỡng, y khoa, luật kinh tế, công nghệ kỹ thuật điện-điện tử. Do đó để đáp ứng yêu cầu công việc cũng như nâng cao trình độ, số lượng người học có nhu cầu học lên ĐH rất lớn.

Thống kê 10 ngành đào tạo liên thông có số quy mô nhiều nhất như sau:

Thống kê của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy, trường đào tạo liên thông chính quy từ CĐ lên ĐH có số lượng nhiều nhất, với 85 trường. Trong khi đó, đào tạo liên thông chính quy từ TC lên ĐH chỉ chiếm phân nửa số trường đào tạo. Về chương trình đào tạo, hình thức liên thông vừa làm vừa học từ CĐ lên ĐH cũng chiếm số lượng nhiều nhất với 411 chương trình. Tổng quy mô sinh viên liên thông hiện nay là trên 108.000 người, trong đó số liên thông từ CĐ lên ĐH theo hình thức vừa làm vừa học có trên 41.000, chiếm 0,05% tổng quy mô sinh viên trên cả nước (quy mô sinh viên năm học 2021-2022 có trên 2,1 triệu người).

Còn nhiều vướng mắc trong đào tạo liên thông

Theo bà Nguyễn Thảo Hương, một trong những khó khăn lớn đối với cơ sở đào tạo là việc chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông bị hạn chế. Quy định chỉ tiêu dành cho đào tạo liên thông không vượt quá 20% chỉ tiêu chính quy khiến cho nhiều trường muốn giảm chỉ tiêu chính quy và nhận thêm chỉ tiêu liên thông cũng không thực hiện được.

Bên cạnh đó, Quyết định 18 đã yêu cầu các cơ sở đào tạo phải ban hành quy định về việc công nhận và miễn trừ các tín chỉ đã tích lũy của người học. So với các quy định trước đó, đây là một bước đột phá, nhưng chưa hướng dẫn cụ thể dẫn đến nhiều cơ sở đào tạo chưa biết cách triển khai, hoặc khi triển khai thì còn lúng túng. Chẳng hạn, chưa xác định được loại văn bằng nào là hợp pháp để được sử dụng xét tuyển vào chương trình liên thông, chương trình nào thì được sử dụng để công nhận, chương trình được cấp chứng chỉ thì có được sử dụng để miễn trừ khi có nội dung học tập tương tự không, khối lượng học tập đã tích lũy được miễn trừ tối đa là bao nhiêu...

Thống kê của Bộ GD-ĐT về số trường đào tạo liên thông các hình thức. NGUỒN: BỘ GD-ĐT

Cũng theo bà Hương, một khó khăn nữa là đào tạo liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục ĐH thiếu các tiêu chuẩn đầu ra ở mỗi trình độ trong một ngành, nghề và các điều kiện đảm bảo chất lượng cho các chuẩn đầu ra. Mục tiêu đào tạo chưa được xác định rõ ràng ở mỗi trình độ đào tạo nên việc công nhận miễn trừ chỉ chú ý nhiều đến nội dung và thời gian đào tạo. Các mục tiêu học tập hoặc chuẩn đầu ra, việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, đo lường, đánh giá và các điều kiện thực hành, thực tập của sinh viên chưa thực sự được chú trọng.

"Ngoài ra, người học cũng gặp phải những định kiến cho rằng bằng ĐH liên thông dành cho đối tượng người học có đầu vào thấp, chất lượng đào tạo thấp do đó không được coi trọng như người có bằng ĐH chính quy", chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) nói thêm.

Theo Hà Ánh/ Thanh niên