Số lượng hồ sơ xét tuyển vào trường cao đẳng, trung cấp tăng cao

Thứ Sáu, 27/09/2024 10:56 GMT +7
Đến thời điểm này, nhiều trường cao đẳng đã 'thở phào' với số lượng hồ sơ xét tuyển tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, chưa kể số thí sinh nhập học và đóng học phí vào một số trường đã chiếm tỷ lệ bất ngờ.

Học sinh "chốt" học nghề trước khi có điểm lớp 10

Những ngày cuối tháng 6, bộ phận tuyển sinh của Trường CĐ Quốc tế TP.HCM hết sức vui mừng vì đã hoàn thành 300 chỉ tiêu cho đối tượng tốt nghiệp THCS. Bà Võ Thanh Hường, Trưởng phòng Tuyển sinh truyền thông của trường này, cho biết: "Đến nay chúng tôi đã tuyển đủ 300 chỉ tiêu, nhanh hơn rất nhiều năm trước. Các em đều là học sinh (HS) đã hoàn thành bậc THCS, mặc dù có tham gia kỳ thi lớp 10 và chưa biết điểm nhưng các em đã xác định học nghề ngay từ đầu nên đã đến trường nhập học và đóng học phí. Vào thời điểm này năm ngoái, trường vẫn đang phải chờ thí sinh (TS) và phải đến tháng 8 mới đủ chỉ tiêu cho đối tượng này".

Tuyển sinh tại các trường CĐ, TC đang có những chuyển biến tích cực. MỸ QUYÊN

Theo bà Hường, hầu hết những HS này khi đăng ký học trung cấp (TC) tại trường đều mong muốn liên thông ngay lên bậc cao đẳng (CĐ). "Tại trường, những ngành nghề mà các em lựa chọn nhiều là thiết kế đồ họa, quản trị mạng - máy tính, kỹ thuật chế biến món ăn do mấy ngành này rất phù hợp với độ tuổi các em, hơn nữa ra trường cũng dễ có việc", bà Hường nhận định.

TS nhập học vào Trường TC Việt Giao hiện cũng đã đạt gần 50% chỉ tiêu, nhanh hơn so với năm 2022 và tập trung chủ yếu vào nghề bếp.

Tại Trường CĐ Viễn Đông, thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng, cũng cho hay chỉ tiêu cho đối tượng HS hoàn thành THCS học TC là 800 thì đợt 1 đã có 400 TS nhập học và đóng học phí, đợt 2 cũng có hơn 300 TS đã "chốt" sẽ nhập học. Như vậy, có khoảng 95% lượng hồ sơ nộp vào đã chính thức nhập học.

Ở bậc CĐ tuyển sinh đối tượng tốt nghiệp THPT, bà Thu thông tin đến nay trường đã nhận khoảng 3.000 hồ sơ và hiện có khoảng hơn 100 TS đã có bằng tốt nghiệp THPT từ năm trước nhập học, số còn lại đang chờ điểm thi tốt nghiệp năm nay.

Đến thời điểm hiện tại, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đã tiếp nhận 5.220 TS đăng ký bậc CĐ và 268 TS đăng ký bậc TC. So với cùng thời điểm năm 2022, lượng hồ sơ đăng ký trực tuyến năm nay tăng nhẹ đối với trình độ CĐ nhưng lại tăng mạnh đối với trình độ TC (tăng 367%). "Trong đó, TS quan tâm nhiều đến các ngành học như công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa, logistics, tiếng Hàn Quốc, marketing", thạc sĩ Phạm Quang Tuấn, Phó hiệu trưởng, cho hay.

Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng năm 2023 tuyển 4.500 chỉ tiêu thì đến nay đã nhận khoảng 9.000 hồ sơ, trong đó ở phương thức xét học bạ, lượng hồ sơ tăng 5 - 10% so với cùng thời điểm năm trước.

Trường CĐ Giao thông vận tải Trung ương 3 cũng nhận được khoảng 1.500 hồ sơ trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ nhận được 500 - 600 hồ sơ, Trường CĐ Xây dựng TP.HCM tăng 10%, còn Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2 tăng 30% lượng hồ sơ ở bậc TC...

Học nghề đang được phụ huynh và thí sinh cân nhắc khi chi phí thấp mà nhiều cơ hội việc làm. MỸ QUYÊN

Phụ huynh đã có cái nhìn tích cực về học nghề

Nhận định về tình hình tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp tại các trường CĐ, TC ngày càng có dấu hiệu khởi sắc, tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho rằng một trong những nguyên nhân chính là phụ huynh và HS ngày càng tìm hiểu kỹ thông tin và nhận thức được lợi thế của việc học nghề.

"Thời gian học ngắn, học phí lại thấp hơn nhiều so với ĐH, chưa kể cơ hội việc làm thực sự rộng mở khi rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến các trường CĐ tuyển dụng ngay khi sinh viên còn đang đi học. Nhất là doanh nghiệp nước ngoài, mức lương họ trả không có sự phân biệt bằng cấp. Tất cả những điều này có tác động không nhỏ đến tâm lý và nhận thức của phụ huynh và HS", tiến sĩ Kha đánh giá.

Thạc sĩ Trần Văn Tú, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, cũng cho hay phụ huynh đang dần dần có cái nhìn tích cực hơn về học nghề. "Khi tiếp xúc với phụ huynh, tôi nhận thấy đa phần khi chưa hiểu rõ về học nghề thì họ không biết để lựa chọn, nhưng một khi đã nắm rõ thông tin về những lợi thế, rất nhiều phụ huynh sẵn sàng định hướng cho con em mình học nghề. So với mọi năm, năm nay sự quan tâm của phụ huynh đã tăng lên", thạc sĩ Tú nhìn nhận.

Theo thạc sĩ Tú, tác động của sự định hướng từ người lớn, của xã hội đối với TS là vô cùng quan trọng. Nếu trong trường học, giáo viên luôn khuyên HS em nào học giỏi, có điều kiện thì học ĐH, em nào không đủ điều kiện, năng lực thì cứ mạnh dạn chọn CĐ, TC, mọi con đường nếu phù hợp với bản thân đều dẫn tới thành công, thì lúc đó các em sẽ có nhận thức đúng đắn và lựa chọn phù hợp.

Về vấn đề này, thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu cũng ghi nhận việc giáo viên trong trường học đặt nặng thành tích đậu ĐH đã ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý và việc lựa chọn của TS. "Còn phụ huynh thì đã thay đổi nhiều. Trong quá trình đi tuyển sinh, chúng tôi nhận thấy chỉ cần phụ huynh nắm thông tin, hiểu rõ lợi thế của học nghề, là khuyên con chọn học. Nhất là những gia đình có điều kiện khó khăn là mong muốn con học TC, CĐ để nhanh ra trường đi làm có thu nhập phụ giúp cha mẹ", thạc sĩ Lệ Thu cho biết.

Để tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp thuận lợi hơn nữa, bà Thu đề xuất phần mềm tuyển sinh trực tuyến vào các trường THPT của Sở GD-ĐT và phần mềm xét tuyển của Bộ

GD-ĐT vào các trường ĐH nên có thêm lựa chọn học nghề tại các trường CĐ, TC để có tính chính thống. Hiện tại, TS muốn học nghề phải tự tìm hiểu và đăng ký tại trang web của từng trường. 

Theo Mỹ Quyên/Thanh niên