Đi để trưởng thành
Chuyến về xã vùng cao An Nghĩa (huyện miền núi An Lão, Bình Định) mới đây là lần thứ 3 Đặng Thị Ái tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh”. Sau 3 chuyến đi, Ái thấy mình trở nên “giàu có”, đầy ắp những kỷ niệm đẹp.
Ái vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Y tế Bình Định chuyên ngành Điều dưỡng. Cô thấy mình thật hạnh phúc khi được cống hiến ở những vùng đất khó, được trải nghiệm, được đem sức trẻ giúp đỡ người dân khó khăn. Theo Ái, mỗi chuyến đi cô lại học hỏi được nhiều điều, cùng các đồng đội lưu lại bao kỷ niệm về những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ.
Bạn Đặng Thị Ái (đeo kính) cùng các bạn sinh viên trong chiến dịch “Mùa hè xanh” ở xã vùng cao An Nghĩa (huyện miền núi An Lão, Bình Định). Ảnh: NVCC
Nhớ về chuyến đi tình nguyện đầu tiên, Ái kể: “Trước ngày đi, mình cứ bồn chồn, hồi hộp và lo lắng rất nhiều. Trong đầu cứ vẩn vơ các câu hỏi: không biết mình có làm được không? Mình có giúp ích gì cho người dân hay không? Mình có thể hòa hợp với mọi người hay không?...”.
Và Ái quyết tâm đi tìm câu trả lời cho cô. “Tôi không thể thu mình trong một vỏ bọc an toàn như thế này. Tại sao không thử một lần bước ra để hòa mình vào đời sống? Vậy là tôi đã quyết định đăng ký. Xách ba lô lên và đi”, Ái chia sẻ.
Chuyến tình nguyện hè về Làng 7 (xã Vĩnh Thuận, huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) tháng 7 vừa qua, với Nguyễn Thanh Trúc, 19 tuổi, sinh viên năm 1 ngành Kế toán trường Đại học Quy Nhơn, là những kỷ niệm không thể nào quên. Đây là lần đầu tiên Trúc tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh”. “Ban đầu em còn bỡ ngỡ, nhưng rồi từng bước vượt qua chính mình. Chuyến đi thật ý nghĩa với những người trẻ như em”, Trúc nói.
Biết sống vì mọi người
Trong suốt những ngày ở Làng 7, Trúc luôn tự nhắc mình phải cố gắng hơn nữa để góp sức mang tình yêu thương, sự ấm áp đến với người dân, các em nhỏ còn khó khăn. Trúc cũng cảm nhận rõ những tình cảm đặc biệt của người dân hiếu khách, thân thiện nơi đây. Họ sẵn sàng tham gia mọi hoạt động với nhóm tình nguyện.
Lần đầu tiên tham gia chiến dịch, Trúc mới thực sự hiểu được giá trị của sự “cho đi”, được cống hiến, được yêu thương và được trưởng thành. Cho dù công việc rất vất vả, mệt nhọc nhưng nụ cười vẫn luôn thường trực trên môi các bạn trẻ.
Khép lại 9 ngày lao động mệt nhọc tại xã vùng cao An Nghĩa, với Ái và các bạn sinh viên tình nguyện mỗi ngày đều đọng lại một niềm vui dù nhỏ bé, như hoàn thành một tuyến đường thanh niên “Xanh - Sạch - Đẹp”, nạo vét kênh mương, phát quang hai bên đường đi, sơn sửa xong một căn nhà cho gia đình chính sách hay đơn giản là thấy các em nhỏ thuộc lòng bài mình vừa dạy hôm qua... “Hạnh phúc đôi khi là những niềm vui nhỏ bé giản đơn như thế”, Ái nói.
Ái, Trúc cũng như nhiều sinh viên khác, mỗi chuyến đi đã giúp các bạn hiểu thêm nhiều điều trong cuộc sống, có cơ hội ứng dụng những kiến thức học được vào thực tế và biết thêm thế nào là tinh thần tập thể, đồng đội. Các bạn trưởng thành hơn, năng động hơn và đặc biệt biết sống vì mọi người, vì tập thể hơn.
Theo Trương Định/tienphong.vn
Tin cùng chuyên mục
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-