Hơn 40 nhà khoa học về Bình Định nghiên cứu nền tảng chuyên sâu quan sát trái đất

Thứ Ba, 24/09/2024 15:12 GMT +7
Hơn 40 nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ và nghiên cứu sinh đến từ nhiều quốc gia trên thế giới tham gia “Trường học Việt Nam về quan sát trái đất lần thứ 4” (VSEO4) tại Bình Định.

Ngày 9/9, Lễ khai mạc "Trường học Việt Nam về quan sát trái đất lần thứ 4" (VSEO4) với chủ đề: "Sử dụng dữ liệu viễn thám để tạo mô hình số độ cao (DEM)" khai mạc tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE). 

Theo đó, VSE04 được tổ chức từ ngày 9-13/9/2024 với sự tham gia của hơn 40 nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ và nghiên cứu sinh từ Việt Nam, Philippines và Pháp.

Hon 40 nhà khoa học về Bình Định dự trường học quan sát trái đất. Ảnh: Thanh Sơn

Trường VSEO4 cung cấp kiến thức nền tảng và chuyên sâu về việc thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu ảnh vệ tinh và ảnh chụp từ các máy bay không người lái (Unmanned Aerial Vehicle) để xây dựng và khai thác mô hình số độ cao (DEM).

Sử dụng dữ liệu viễn thám để tạo mô hình số độ cao cung cấp những kết quả với độ chính xác cao, có khả năng ứng dụng đa dạng trong nhiều lĩnh vực, từ quy hoạch đô thị, quản lý tài nguyên nước, đánh giá rủi ro thiên tai đến ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mô hình số độ cao là dữ liệu địa hình quan trọng và thiết yếu cho nhiều lĩnh vực khoa học, bao gồm địa mạo học (khảo sát ven biển, khoa học đất), nghiên cứu thảm thực vật (nông nghiệp, lâm nghiệp), quốc phòng, thủy văn, những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, sạt lở đất, cũng như các khu vực đô thị, và khảo cổ học...

Hiện nay, có ba kỹ thuật viễn thám phổ biến để xây dựng mô hình số độ cao, bao gồm: Tương quan ảnh (Image correlation), LiDAR địa hình (Topographic LiDAR) và InSAR (Interferometric synthetic-aperture radar).

GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ICISE. Ảnh: ICISE

GS. Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ICISE, cho hay: "Việc quan sát và phân tích dữ liệu về trái đất đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Từ dự báo thiên tai, quản lý tài nguyên thiên nhiên đến quy hoạch đô thị, dữ liệu từ ảnh vệ tinh và ảnh chụp từ UAV đã mang lại cho chúng ta những thông tin quan trọng".

Theo GS Vân, trong những thập kỷ gần đây, việc sử dụng dữ liệu viễn thám từ vệ tinh để quan sát trái đất trở nên không thể thiếu đối với nhiều ứng dụng và chương trình nghiên cứu tại Việt Nam.

Tại VSEO 4 năm nay, các em không chỉ được nâng cao kiến thức chuyên môn mà còn có cơ hội rèn luyện kỹ năng thực hành thông qua các bài học thực tế.

Trường học Việt Nam về quan sát trái đất (VSEO) được Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm ICISE; Viện Vật lý Địa cầu Paris (IPGP), Đại học Paris Cité, Pháp; Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) phối hợp tổ chức hàng năm, trong khuôn khổ hoạt động của Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam với mục đích góp phần đào tạo cộng đồng các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam về lĩnh vực này.

Theo Nguyễn Thị Thu Dịu/ Người Đưa Tin