‘Du học là một sự đầu tư, cần tính đến lỗ, lãi’

Thứ Năm, 10/10/2024 10:46 GMT +7
Theo chuyên gia, du học là sự đầu tư đắt đỏ cả về thời gian lẫn tiền bạc, do đó cần phải tính toán đến chuyện lãi lỗ.

Tại hội thảo về du học do Trường Tiểu học, THCS và THPT Ngôi Sao Hoàng Mai phối hợp với Tổ chức giáo dục Summit tổ chức, đại diện các trường đại học đã đưa ra những thay đổi trong xu hướng tuyển sinh và tiêu chí đánh giá tại các trường của Mỹ và Canada trong mùa tuyển sinh sắp tới.

Bà Lindsay Jordan, đại diện tuyển sinh Đại học Northeastern (Mỹ), cho hay phương châm giáo dục của nhà trường là thực nghiệm, do đó trường rất coi trọng các trải nghiệm thực tế trong học tập của ứng viên.

Nếu bộ hồ sơ của ứng viên thể hiện được những khía cạnh trong việc “thực học”, chẳng hạn có các hoạt động nghiên cứu, công việc thực tập hay trải nghiệm quốc tế... sẽ là những lợi thế rất lớn khi nộp hồ sơ.

“Chúng tôi không tìm kiếm các học sinh liệt kê hàng chục hoạt động ngoại khóa khác nhau trong bộ hồ sơ. Ứng viên chúng tôi tìm kiếm là những người có khả năng lãnh đạo, có thể chỉ tham gia một vài hoạt động ngoại khóa nhưng gắn bó lâu dài và tạo nên những ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng”, bà Lindsay Jordan nói.

Ngoài ra, cũng giống như nhiều trường đại học Mỹ, Đại học Northeastern hiện nay không bắt buộc điểm SAT trong hồ sơ và không đòi hỏi bài luận phụ.

Đại diện các trường Mỹ và Canada đưa ra những thay đổi trong xu hướng tuyển sinh 

Trong khi đó, Đại học South Florida lại tuyển đầu vào thông qua điểm học bạ (bảng điểm lớp 10, 11) và điểm SAT hoặc ACT. Trường không yêu cầu ứng viên phải có chứng chỉ IELTS, TOEFL. Những học sinh theo học các chương trình IB, AP hay A-Level cũng sẽ có lợi thế khi nộp hồ sơ vào trường.

Còn tại Đại học Boston, theo bà Maddy Smalley, đại diện tuyển sinh, nhà trường luôn tìm kiếm các ứng viên biết rõ mình muốn gì và đang làm gì. Chẳng hạn khi nộp hồ sơ vào Boston, ứng viên phải có sự tìm hiểu kỹ về trường, thể hiện hiểu biết về từng phân trường nhỏ và lý do mình phù hợp với trường.

“Trong quá trình tuyển sinh, nhà trường sẽ có một bài luận phụ yêu cầu ứng viên phải viết về việc tại sao bạn lại lựa chọn ngôi trường này. Đây là cơ hội để ứng viên thể hiện mình biết gì về trường, đã tìm hiểu về trường ra sao và tại sao mình lại là người phù hợp với cộng đồng của trường”, bà Maddy Smalley nói.

Mỹ linh hoạt đổi ngành, Canada khó chuyển ngang

Trong khi các trường đại học Mỹ nổi tiếng với sự linh hoạt khi đổi ngành, tại Canada, điều này lại khó khăn hơn. Chẳng hạn ở Đại học Waterloo, một trong những đại học top đầu Canada, rất khó để sinh viên đang học ngành kỹ sư này được chuyển sang một ngành kỹ sư khác vì các khóa học đặc thù của hai chương trình rất khác nhau.

“Vì thế, nếu muốn nộp hồ sơ vào các ngành kỹ sư của trường, ứng viên có thể làm thử bài kiểm tra xem mình có phù hợp với chương trình cụ thể nào không. Ngoài ra, hãy xác định từ sớm đam mê của bản thân, mặc dù trong tương lai có thể học sinh sẽ thay đổi đam mê ấy”, đại diện Đại học Waterloo thông tin.

Ở Mỹ, Đại học Boston là một ví dụ trong việc sinh viên có thể linh hoạt chọn ngành. Ngôi trường này có hơn 300 ngành, sinh viên dễ dàng chuyển từ ngành nọ sang ngành kia, miễn đạt một số tiêu chí của ngành học, chẳng hạn sinh viên phải tham gia và hoàn thành một số môn bắt buộc. Thực tế, có khoảng 40% sinh viên vào Đại học Boston vẫn chưa chốt mình sẽ học ngành gì trong năm đầu tiên.

Tương tự ở Trường ĐH South Florida, số lượng sinh viên thay đổi ngành cũng rất nhiều. Theo ông Lê Bình, đại diện tuyển sinh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trường này cho phép sinh viên đổi ngành trong 2 năm đầu tiên và các mức học bổng nếu có vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, ông Bình gợi ý, năm đầu tiên vẫn là khoảng dễ dàng nhất cho sinh viên đổi ngành.

Dẫu vậy, theo ông Bình, du học đều là một sự đầu tư đắt đỏ cả về thời gian lẫn tiền bạc. “Đã là đầu tư phải tính toán đến chuyện lãi lỗ”, ông Bình nói. Do đó, khi xác định đi du học, ngoài cân nhắc về vấn đề tài chính, chương trình học, học sinh cũng phải xem xét khả năng bản thân học tập trong môi trường ấy sẽ như thế nào.

“Sự trải nghiệm cũng rất quan trọng. Học sinh cần tìm hiểu cả những cơ hội giao tiếp với các giáo sư và sinh viên khác cùng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp. Ngoài ra, học sinh Việt Nam cũng phải chủ động hơn trong việc tìm kiếm thông tin thay vì chờ đợi thầy cô cung cấp. Đây thực tế là kỹ năng sinh viên Việt Nam vẫn còn yếu khi đi du học”, ông Bình nói.

Theo Thúy Nga/ Vietnamnet