Nhiều ĐH top của Úc cắt giảm du học sinh từ năm tới?

Thứ Tư, 09/10/2024 14:37 GMT +7
Truyền thông Úc loan tin các cơ sở giáo dục ĐH ở nước này sẽ không được tuyển du học sinh vượt quá 40% tổng số sinh viên tại trường từ năm 2025, song đại diện chính phủ Úc đã bác bỏ và cho biết chưa chốt con số cụ thể.

Ông Luke Sheehy, Giám đốc điều hành Universities Australia (bìa trái) và bà Vicki Thomson, Giám đốc điều hành Group of Eight (giữa), tại phiên điều trần của Thượng viện Úc tổ chức sáng 6.8 (giờ Việt Nam). CHỤP MÀN HÌNH

Dự kiến giới hạn từ 2025

Tờ Australian Financial Review  tối 5.8 tung tin độc quyền về động thái mới nhất của chính phủ Úc liên quan đến đề xuất giới hạn tuyển sinh với du học sinh. Cụ thể, các trường ĐH, CĐ sẽ chỉ được tiếp nhận tối đa 40% sinh viên là người nước ngoài, kéo dài trong 2 năm và dựa trên số liệu của năm 2019. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1.1.2025, mặc cho các trường yêu cầu trì hoãn thêm một năm để xây dựng phương án.

Thông tin được dẫn từ một số quan chức cấp cao, tờ Australian Financial Review cho hay.

Theo đó, chính phủ liên bang sẽ xem xét kỹ các nguyên tắc về việc giới hạn số lượng sinh viên quốc tế, và sẽ sớm công bố mức giới hạn cụ thể cho từng trường trong những ngày tới. Nếu quyết định này trở thành hiện thực, sẽ có khoảng 10 ĐH bị ảnh hưởng trực tiếp vì có số lượng du học sinh từ 40% trở lên trên tổng số sinh viên, theo tờ Australian Financial Review. Trong số đó có các ĐH: Sydney, Melbourne, Monash, Queensland, New South Wales...

Bị ảnh hưởng lớn nhất là ĐH Sydney, đơn vị có số lượng sinh viên quốc tế đông nhất ở Úc. Trường này sẽ cần giảm hơn 12.000 chỉ tiêu dành cho sinh viên quốc tế để đạt mức giới hạn mới. ĐH Melbourne cũng phải cắt giảm hơn 7.700 chỉ tiêu với sinh viên quốc tế. Mặt khác, các trường nằm ngoài liên minh 8 ĐH hàng đầu Úc (Group of Eight) nêu trên như ĐH Wollongong, RMIT, Torrens cũng đang vượt quá hạn mức 40%.

Trong khi đó, theo dữ liệu công bố hồi tháng 4 bởi Statista (Đức), năm 2023 ghi nhận 8 trường có tỷ lệ du học sinh vượt mức 40%, bao gồm các ĐH: Liên bang Úc (52%), Quốc gia Úc (51), Melbourne (47), Sydney (45), Monash, Queensland (41), New South Wales, Murdoch (40). Còn theo tờ Times Higher Education (Anh), cao nhất là các ĐH: Sydney (50,7%), Quốc gia Úc (48,2), Melbourne (46,7), Queensland (42,1%).

Bộ trưởng Giáo dục Úc Jason Clare cho biết các cải cách nêu trên nhằm đảm bảo "chất lượng và tính toàn vẹn", đồng thời mang lại sự ổn định cho các trường. "Khi luật được thông qua, chúng tôi sẽ đặt ra giới hạn cho tất cả các trường ĐH, các cơ sở giáo dục ĐH và dạy nghề có sinh viên quốc tế", ông Clare khẳng định. Song, phát ngôn viên của ông Clare hôm nay (6.8) đã bác bỏ các tin tức cho rằng chính phủ sẽ giới hạn sinh viên quốc tế ở mức 40% tổng số sinh viên, khẳng định vẫn chưa chốt được mức cụ thể.

Phụ huynh, người học Việt Nam nghe tư vấn từ đại diện trường Úc trong một ngày hội thông tin tổ chức đầu tháng 8. NGỌC LONG

Trước đó, như Thanh Niên đưa tin, chính quyền các tiểu bang và chuyên gia đồng lòng phản đối kế hoạch giới hạn tuyển sinh với du học sinh của chính phủ liên bang, chính sách được cho là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và cơ hội du học. Là một trong những đơn vị gửi bản kiến nghị lên Thượng viện Úc, ĐH Monash cho biết có thể từ chối những du học sinh đạt thành tích "đặc biệt cao" nếu dự luật được thông qua.

Các trường ĐH Úc "sục sôi"

Đáp lại thông tin từ chính phủ, bà Vicki Thomson, Giám đốc điều hành Group of Eight, cho rằng việc giới hạn tuyển sinh ở mức 40% là một quyết định mang tính chính trị chứ không phải vì mục tiêu quản lý tăng trưởng như chính phủ Úc đề cập. Điều này không chỉ gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, mà còn khiến các trường ĐH không thể quản lý ngân sách cho năm 2025, theo nữ giám đốc.

Hơn nữa, việc rút lại thư mời nhập học của những sinh viên đã được tuyển chọn từ lâu cũng gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Úc trong mắt du học sinh, bà Thomson nhấn mạnh. "Thật không thể tin nổi", bà Thomson ta thán với tờ Australian Financial Review.

Ông Phil Honeywood, Giám đốc điều hành Hiệp hội giáo dục quốc tế Úc (IEAA), đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng việc sử dụng số liệu năm 2019 làm cơ sở để giới hạn sinh viên là chiêu trò của chính phủ đương nhiệm. Bằng cách này, họ có thể đổ lỗi cho chính phủ tiền nhiệm về số lượng sinh viên năm 2019, thay vì phải chịu trách nhiệm về những năm sau đó khi họ đã nắm quyền, ông Honeywood nói.

Trong khi đó, theo thông tin từ tờ news.com.au, ông Luke Sheehy, Giám đốc điều hành Universities Australia, cảnh báo trong phiên điều trần của Thượng viện Úc rằng dự luật có thể gây thiệt hại 4,3 tỉ AUD cho nền kinh tế và khiến lĩnh vực giáo dục quốc tế tại Úc mất hơn 14.000 việc làm. Ông Sheehy cho biết thêm 39 thành viên của tổ chức ủng hộ duy trì "tính toàn vẹn và bền vững" của lĩnh vực giáo dục ĐH, nhưng cáo buộc chính phủ đang cố tình gây hoang mang dư luận về vấn đề nhập cư.

Sinh viên quốc tế tại ĐH Úc. MONASH UNIVERSITY

Trước đó, vào đầu năm tài khóa 2024 (ngày 1.7.2024), Úc đã quyết định tăng 225% lệ phí xin visa (thị thực) du học, lên 1.600 AUD. Vào cùng ngày, nhiều quy định khác của chính phủ nhằm thắt chặt visa cũng bắt đầu có hiệu lực, như hạn chế tình trạng "nhảy" visa, điều chỉnh độ tuổi tối đa được xin visa làm việc sau tốt nghiệp hay giảm thời gian ở lại làm việc khi du học Úc.

Điều này diễn ra trong bối cảnh hơn 21% ứng viên người Việt bị Úc từ chối cấp visa du học trong 10 tháng qua và có khả năng khiến 2023 là năm tài khóa đầu tiên Việt Nam chứng kiến tỷ lệ bị Úc từ chối cấp visa du học cao nhất sau 18 năm. Trong số các hình thức du học, giáo dục và đào tạo nghề cùng khóa học tiếng Anh độc lập là hai lĩnh vực xếp chót bảng về tỷ lệ chấp nhận, lần lượt là 53,2% và 51,6%.

Theo thống kê từ Bộ Giáo dục Úc, đến tháng 4.2024, có 704.931 sinh viên quốc tế theo học các khóa ở Úc. Trong đó, Việt Nam có 33.524 người, xếp thứ 5. Tại các trường hàng đầu, số lượng sinh viên và nghiên cứu sinh người Việt chiếm tỷ lệ đáng kể, khoảng 600 người ở ĐH Melbourne, 400 người ở ĐH Adelaide, hay nằm trong top 10 về số du học sinh ở ĐH Queensland...

Theo Ngọc Long/ Thanh niên