Đến năm 2031, có bằng cử nhân mới tìm được ‘việc làm tốt’?

Thứ Ba, 15/10/2024 16:00 GMT +7
Dù nhiều người đang hoài nghi về giá trị của bằng đại học (ĐH) nhưng báo cáo mới công bố lại cho rằng bằng cử nhân sẽ giúp tăng cơ hội tìm được một 'công việc tốt' trong tương lai.

Trong báo cáo mới công bố ngày 30.7, Trung tâm về giáo dục và lực lượng lao động (CEW thuộc ĐH Georgetown, Mỹ) dự báo đến năm 2031, tiến bộ trong công nghệ sẽ tạo ra hơn 15 triệu “việc làm tốt” ở Mỹ.

Tuy nhiên, 66% “việc làm tốt” sẽ yêu cầu bằng ĐH, trong khi 85% đòi hỏi chứng chỉ (chẳng hạn chứng chỉ hay bằng nghề, đào tạo ngắn hạn) dưới bậc cử nhân, theo báo cáo “Những công việc tốt tương lai: Dự báo đến năm 2031”.

Nhóm chuyên gia CEW định nghĩa "công việc tốt" là công việc có mức lương tối thiểu toàn quốc của Mỹ: 43.000 USD/năm cho người lao động từ 25-44 tuổi và 55.000 USD/năm đối với người lao động từ 45-64 tuổi, theo trang Inside Higher Ed.

Cũng theo báo cáo của CEW, dù người lao động không có bằng cử nhân vẫn tìm được “công việc tốt” trong tương lai, nhưng sẽ chật vật và khó khăn hơn.

Để đưa ra dự báo trên, nhóm chuyên gia CEW phân tích nhiều số liệu, các yếu tố kinh tế vĩ mô, những thay đổi trong cơ cấu nghề nghiệp và xu hướng phân bổ giáo dục trong các ngành nghề để dự báo nhu cầu giáo dục - đào tạo đến năm 2031.

“Qua phân tích nhiều dữ liệu, chúng tôi nhận thấy bằng cử nhân và sau ĐH sẽ chiếm ưu thế, nhưng thị trường đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn ở người lao động”, chuyên gia Artem Gulish, đồng tác giả báo cáo của CEW, cho biết.

Cụ thể, tính đến năm 2031, các nhà nghiên cứu dự đoán 19% "việc làm tốt" sẽ yêu cầu người lao động trải qua đào tạo chuyên môn đặc thù. Đối với người lao động chỉ có bằng tốt nghiệp THPT, cơ hội tìm được công việc tốt dự kiến sẽ giảm từ 19% vào năm 2021 xuống còn 15% vào năm 2031.

Sinh viên ĐH trong một buổi lễ tốt nghiệp. PEXELS

Chuyên gia Gulish lưu ý, trong tương lai, các công việc lao động chân tay được trả lương cao (như hàn, sửa ống nước và xây dựng) vẫn tiếp tục yêu cầu người lao động trải qua khóa đào tạo chính thức. Trong thập niên 2030, những công việc lao động chân tay vẫn có nhiều, “nhưng chưa chắc là tốt”, theo ông Gulish.

Báo cáo được công bố trong bối cảnh nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH ở Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới thất nghiệp hoặc phải làm công việc trái ngành, làm công việc chân tay không yêu cầu bằng cử nhân.

Bà Catherine Morris, đồng tác giả báo cáo, nhận xét: "Ngày càng nhiều người hoài nghi về giá trị của bằng ĐH. Tuy nhiên, báo cáo của chúng tôi khẳng định rằng lấy bằng cử nhân sẽ là con đường chủ đạo để có được một công việc tốt vào năm 2031".

Theo Phúc Duy/ Thanh niên