"Khát" kỹ sư cầu đường

Thứ Ba, 15/10/2024 16:24 GMT +7
Quy mô vốn Nhà nước đầu tư cho hạ tầng đang tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xây dựng.

Nhân lực ngành cầu đường cần bổ sung để thực hiện mục tiêu từ nay đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000km đường cao tốc. Ảnh minh họa: TG

Tuy nhiên, việc tuyển dụng kỹ sư cầu, đường giỏi chuyên môn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Thí sinh ít lựa chọn

Tốt nghiệp kỹ sư cầu đường một trường đại học tại TPHCM từ năm 2017, sau hơn 2 năm “nai lưng” đi khắp các công trình từ Nam ra Bắc, anh Nguyễn Văn Quang (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) quyết định bỏ nghề và xin làm trong một doanh nghiệp xây dựng tại TPHCM.

Theo anh Quang, do tính chất công việc khó khăn, thường xuyên phải di chuyển đến vùng xa, chịu ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt và xa nhà… là những rào cản lớn khiến anh gác bằng đại học để đi làm trái nghề. “May mắn là tôi có trình độ tiếng Anh nên cũng xin được việc, bây giờ tôi quyết định học thêm buổi tối văn bằng 2 để phù hợp với công việc đang làm. Công ty cũng hỗ trợ tôi học thêm để nâng cao tay nghề”, anh Quang chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) nhận định, do ngành kỹ sư cầu đường phải đi công trình xa nhà, công việc vất vả nên ít thí sinh lựa chọn. “Tại Đồng Nai, dù nhân lực ngành học này 100% có việc làm nhưng việc tuyển sinh của các trường rất khó khăn. Hầu như chỉ có Trường Đại học Lạc Hồng tuyển sinh được ngành này, các trường còn lại trên địa bàn thì rất ít thí sinh đăng ký học”, ông Quỳnh nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh, hiện ngành Công nghệ Kỹ thuật Công trình xây dựng (gồm chuyên ngành Kỹ sư xây dựng Cầu đường và Kỹ sư xây dựng Dân dụng và Công nghiệp) của Trường Đại học Lạc Hồng tuyển sinh mỗi năm khoảng 100 chỉ tiêu.

“Cơ hội việc làm của sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông trong giai đoạn này rất rộng mở do Chính phủ tập trung triển khai đầu tư các công trình giao thông trọng điểm. Đặc biệt, đa số các em học kỹ sư xây dựng cầu đường ngay khi thực tập đã được các công ty xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn nhận luôn vào làm việc nên học ngành này không lo thất nghiệp”, ông Quỳnh nói thêm.

Theo đại diện các doanh nghiệp xây dựng, nhiều trường cao đẳng nghề không đào tạo lĩnh vực giao thông và cũng khó tìm được người học. Vì vậy, tình trạng “khát” nhân lực kỹ sư cầu đường có tâm huyết, có trình độ, năng lực càng tăng. Bên cạnh đó, mức thu nhập chưa cao so với thị trường chung cũng là yếu tố khiến ngành này thiếu hụt nhân lực. Theo quy định Nhà nước, đơn giá định mức nhân công hiện nay khá thấp, dẫn đến mức lương cho công nhân có tay nghề chỉ dao động 7 - 8 triệu đồng/tháng, kỹ sư mới ra trường khoảng 10 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Ngợi - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng 194 (quận Bình Thạnh, TPHCM) thông tin, trong bối cảnh nhiều dự án hạ tầng giao thông được triển khai đồng loạt, nhân lực từ tư vấn thiết kế, giám sát đến cán bộ của chủ đầu tư đều mỏng, khó đáp ứng nhu cầu thực tế.

“Muốn tuyển người có năng lực rất khó. Kỹ sư cầu đường thì có cũng nhiều nhưng để tuyển được những người đáp ứng công việc thì khá ít, hiện công ty chúng tôi cũng đang tuyển mà chưa được nhân sự ưng ý”, ông Ngợi nói.

Ảnh minh họa: TG

Dùng bằng giả, trái ngành để hành nghề

Trong khi ngành học kỹ sư cầu đường được ít thí sinh lựa chọn thì trên thực tế, nhiều doanh nghiệp xây dựng lại gặp trường hợp nhân lực dùng bằng giả, bằng trái ngành để hành nghề.

Đơn cử, trường hợp Công ty TNHH Xây dựng Cầu đường An Giang kê khai ông Mai Công Danh tham dự gói thầu số 20: Thi công xây lắp các hạng mục công trình chính từ Km1+754.5 đến Km10+200 (trừ hạng mục cầu Pô Thi, cầu Cây Đuốc và đường vào 2 cầu) thuộc dự án nâng cấp ĐT.949, huyện Tịnh Biên và huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Tuy nhiên, Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM thông tin bằng cấp số hiệu: 254512; Số vào sổ cấp bằng: 16854; Hình thức đào tạo: Vừa học vừa làm; Cấp cho Mai Công Danh (sinh ngày 10/10/1981) không do nhà trường cấp theo hồ sơ lưu.

Trước đó, tại dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Thanh tra Bộ GTVT cũng phát hiện trường hợp ông Lê Đình Tiến có bằng cấp chuyên môn là Kỹ sư công trình thủy lợi; được điều động làm Tư vấn giám sát trưởng từ Kỹ sư thường trú hầm tại Văn bản số 752/2023/CLVH/BQLDA ngày 31/7/2023 (khi chưa hoàn thành vai trò Kỹ sư thường trú).

Tương tự, thanh tra cũng phát hiện trường hợp tư vấn trưởng - ông Trần Ngọc Tư và ông Huỳnh Hai không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ yêu cầu (HSYC) “đã làm tư vấn trưởng 1 công trình cầu đường bộ cấp I trở lên”; Chủ trì giám sát cầu là ông Đoàn Nam Thành, không đáp ứng yêu cầu do không có xác nhận là kỹ sư giám sát cầu công trình cấp I, chỉ có xác nhận là giám sát viên/giám sát hiện trường.

Liên quan đến các trường hợp trên, trong Kết luận thanh tra số 878/KL-TTr về công tác quản lý chất lượng công trình xoay quanh một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lê Văn Doãn đã nhấn mạnh, vị trí Giám sát trưởng (cầu, hầm, đường...) là vị trí rất quan trọng trong công tác quản lý chất lượng dự án, nhân sự cần am hiểu sâu về chuyên môn. Tuy nhiên, hiện nay quy định pháp luật về vị trí này còn chưa có yêu cầu cụ thể về chuyên ngành đào tạo của nhân sự.

“Do đó, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam nghiên cứu, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà đầu tư khi lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu cần quy định rõ đối với vị trí Giám sát trưởng (cầu, hầm, đường...) phải đảm bảo được đào tạo đúng chuyên ngành tương ứng”, ông Doãn đề nghị.

Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh, thành phố, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc lên gần 2.100km. Để đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển đường cao tốc, từ nay đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000km đường cao tốc, cả nước phải hoàn thành ít nhất khoảng thêm 1.000km đường cao tốc.

Theo Quốc Hải/ GD&TĐ