Nguồn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm mạnh

Thứ Ba, 15/10/2024 14:39 GMT +7
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn.

Lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm nhanh trong thời gian qua. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2020, lao động nông lâm thủy sản của vùng Đông Nam Bộ giảm mạnh từ 1,24 triệu người năm 2011 còn 778.000 người năm 2020 (mỗi năm giảm trung bình 46.700 người). Ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã giảm từ 10,2 triệu người xuống 9,36 triệu người (mức giảm 7,2% tương ứng với 729.400 người). Nguyên nhân là do lao động di cư ra khỏi vùng để tìm việc ở các khu công nghiệp, đô thị.

Chất lượng của lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định còn thấp. Tỉ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên là 7,4% đối với vùng Đông Nam Bộ và 2,21% đối với vùng ĐBSCL. Phần lớn là lao động phổ thông, làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ, thiếu lao động có tay nghề cao. Trong khi đó, vào năm 2011, ĐBSCL chỉ có 13 cơ sở giáo dục đại học thì đến năm 2020 đã tăng lên 21, với quy mô đào tạo gần 150.000 sinh viên. Vùng Đông Nam Bộ với quy mô đào tạo 516.797 sinh viên, tỉ lệ 30,2% - đứng thứ hai của cả nước. Trong số các trường này, có nhiều trường đào tạo về nông, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi… 

Từ góc nhìn doanh nghiệp (DN), bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM - đánh giá, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các DN chế biến thực phẩm đang gặp khó khăn với nguồn lực lao động có kỹ thuật, chuyên môn cao đáp ứng được yêu cầu sản xuất hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế. Chính tâm lý e ngại và định kiến về một nền nông nghiệp truyền thống nhiều vất vả nhưng thu nhập thấp đã khiến cho ngành nông nghiệp đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng. Bà Lý Kim Chi đánh giá: công tác đào tạo có những tiến bộ nhưng chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng và kỳ vọng của DN.

Đại diện Trường đại học Cần Thơ cho rằng: tỉ lệ lực lượng lao động qua đào tạo luôn ở mức thấp hơn so với cả nước, xu hướng này duy trì hơn 10 năm qua chính là thách thức đối với nguồn nhân lực ĐBSCL trước bối cảnh ứng dụng tự động hóa, số hóa tăng nhanh trong các lĩnh vực của nền kinh tế. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ khu vực nông thôn không thích học và làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Giải quyết vấn đề này cần nhiều giải pháp trong đó phải giải quyết 2 điểm chính là giảm tỉ lệ bỏ học và nâng cao vai trò nguồn nhân lực có trình độ cao, tạo động lực cho lực lượng lao động theo đuổi việc học, phát triển bản thân, kích thích hệ thống giáo dục chuyên ngành phát triển. 

Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TPHCM - nhấn mạnh: để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu xã hội có một số vấn đề cần ưu tiên giải quyết. Đó là, DN xác định yêu cầu đào tạo thông qua quá trình tham gia xây dựng chương trình đào tạo; DN cùng nhà trường phối hợp đào tạo sinh viên; xây dựng chính sách “ươm mầm tài năng”, “xây dựng nhân sự nòng cốt tương lai cho DN” thông qua chương trình trao học bổng, tài trợ cho sinh viên tài năng… 

Theo Trương Mẫn/ Phụ nữ TP.HCM