Nhiều ngành đào tạo thừa đầu ra nhưng thiếu đầu vào
Dù doanh nghiệp khối kỹ thuật, xây dựng, môi trường... vào tận trường đặt hàng, cấp học bổng và sẵn sàng tuyển dụng làm việc với mức thu nhập cao nhưng những năm gần đây, các ngành này lại khó tuyển sinh.
Doanh nghiệp vào tận trường tuyển dụng
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) - về tổng chỉ tiêu, trường vẫn tuyển sinh rất tốt, nhưng những năm gần đây có sự dịch chuyển, phân bổ sinh viên giữa các ngành. Trong khi các ngành về vi mạch, công nghệ thông tin, logistics… rất hút sinh viên thì ngược lại, các ngành kỹ thuật trước đây thu hút rất nhiều sinh viên giờ lại lèo tèo người theo học.
Giờ học thực hành của sinh viên Khoa Cơ khí Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM)
Lý giải về tình trạng này, ông Bùi Hoài Thắng cho rằng có sự thay đổi trong tâm lý chọn ngành nghề của giới trẻ. Họ thường hướng đến những ngành đang “nóng”, thích làm việc trong môi trường nhẹ nhàng trong khi nhiều người chưa thật sự hiểu rõ các ngành học. Ông kể: “Nhiều sinh viên hỏi tôi: Em học ngành vật liệu xây dựng, ra trường em về quê bán vật liệu, cát sỏi hả thầy?". Trong khi với mỗi ngành học, sinh viên ra trường có thể làm rất nhiều vị trí khác nhau. Có thể khi thấy tên ngành sinh viên nghĩ phải làm việc vất vả, chịu nắng gió. Ngoài ra còn có một số thông tin bất lợi như việc xây dựng nhà ở chững lại khi thị trường bất động sản tạm thời đóng băng. Thực tế, nhu cầu nhân sự lĩnh vực xây dựng và giao thông vận tải có thể được xem là lớn nhất hiện nay ở Việt Nam”.
Với ngành kỹ thuật vật liệu, học xong các em có thể làm ở rất nhiều vị trí như nghiên cứu, chế tạo, kinh doanh, kỹ thuật ở các lĩnh vực: vật liệu kim loại, hợp kim; vật liệu cao su - nhựa - composite, vật liệu thủy tinh - gốm - xi; vật liệu nano - bán dẫn - y sinh… Đặc biệt là lĩnh vực các vật liệu “xanh”… đang rất thiếu người khi cả thế giới đều hướng đến việc tạo ra những sản phẩm thân thiện môi trường. Hay như ngành địa chất - dầu khí, sinh viên ra trường không chỉ ra biển khoan giàn khoan (địa kỹ thuật công trình) mà có thể làm nhiều vị trí khác trong khâu vận chuyển, kinh tế dầu khí, phát triển địa chất cho các công ty điện gió…
Nói về cơn “khát” nhân sự các ngành này, ông Bùi Hoàng Thắng cho biết nhiều công ty vào tận trường, cấp học bổng, đặt hàng nhân sự với mức thu nhập rất hấp dẫn nhưng vẫn không tuyển được người. Như ngành kỹ thuật vật liệu, có doanh nghiệp đặt hàng 2-3 năm liền, mời chào sinh viên với mức học bổng 100%, đặc biệt nhân sự làm trong lĩnh vực vật liệu kim loại. Thế nhưng tất cả đều phải ra về tay trắng vì chuyên ngành này không mấy sinh viên mặn mà.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Công nghiệp TPHCM - cũng thừa nhận một số ngành kỹ thuật, môi trường có tỉ lệ sinh viên đầu vào chỉ đạt 70 - 80% chỉ tiêu trong 2-3 năm trở lại đây. “Dù tiềm lực đào tạo của trường rất lớn nhưng những nhóm ngành này khó tuyển sinh. Số lượng sinh viên thiếu hụt dần hằng năm, dẫn đến việc không tận dụng được hết năng lực đào tạo của trường” - ông nói.
Đổi mới chương trình, đa dạng hóa nguồn tuyển
Phó giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM - cũng cho biết trường đào tạo những ngành khá đặc thù, dù từng tuyển sinh rất tốt nhưng những năm gần đây, khối ngành này lại gặp khó khăn.
“Không chỉ riêng trường tôi, nhiều trường đào tạo một số ngành như tài nguyên môi trường, địa chất, khí tượng và khí hậu, kỹ thuật trắc địa - bản đồ… đều khá ế ẩm. Trong khi đó, đơn đặt hàng của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp ngày một nhiều. Thậm chí vì không tuyển được người, nhiều doanh nghiệp phải gửi người vào trường để đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng” - ông cho biết.
Để phần nào giải quyết tình trạng này, trường phải liên tục đổi mới chương trình, phát triển một số ngành nghề lồng ghép kiến thức đa ngành để sinh viên đa dạng việc làm sau khi học xong. Đồng thời, trường liên kết với các doanh nghiệp cấp học bổng, tạo môi trường thực hành để thu hút người học.
Cũng đào tạo các ngành kỹ thuật, tiến sĩ Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM - cho biết: “Trường có chế độ ưu tiên, cấp học bổng cho những sinh viên có anh, chị, em trong nhà cùng học ở trường; ưu tiên đối với nữ khi chọn học ngành kỹ thuật; đồng thời thực hiện truyền thông rộng rãi các ngành học, tư vấn cơ hội việc làm cho học sinh”.
Dù vậy, ông Huỳnh Quyền cho rằng cần phải có định hướng và phân bổ nghề nghiệp. Nếu không, các lĩnh vực khối kỹ thuật, môi trường sẽ thiếu hụt nhân sự chất lượng cao. Ngược lại, với những ngành “nóng” hiện nay, khi sinh viên theo học quá nhiều có thể dẫn tới bão hòa thị trường lao động khi số lượng cử nhân ra trường nhiều hơn nhu cầu thực tế.
Ông nhấn mạnh: “Nếu không có định hướng, điều chỉnh phù hợp tôi nghĩ trong khoảng 10 năm nữa chúng ta sẽ xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa - thiếu việc làm ở nhiều lĩnh vực. Bằng chứng là trong khi nhiều ngành doanh nghiệp phải vào tận trường kiếm người nhưng cũng có những ngành đào tạo xong, nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm”.
Theo ông, cần đồng bộ trong công tác dự báo nguồn nhân lực trên quy mô cả nước ở từng lĩnh vực, thậm chí là cập nhật mức thu nhập mỗi ngành để người học có cái nhìn tổng thể. Hiện việc dự báo nhân lực vẫn lẻ tẻ, do từng địa phương, từng lĩnh vực tự làm. “Sinh viên kén chọn, trong khi nhu cầu nhân lực vẫn tăng lên, nếu chúng ta không có những điều chỉnh ở tầm vĩ mô thì nhiều lĩnh vực sẽ khủng hoảng thừa - thiếu nhân sự” - ông Bùi Hoàng Thắng nói.
Nhu cầu nhân lực 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tăng mạnh
Ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia dự báo nhân lực, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM - cho biết: định hướng giai đoạn 2020-2030, thành phố tập trung phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu là: cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực thực phẩm, hóa chất - nhựa cao su.
Thực tế cho thấy, thị trường lao động TPHCM trong thời gian qua luôn thiếu lao động qua đào tạo có trình độ tay nghề giỏi, số lao động đã qua đào tạo nghề vẫn còn thấp, chiếm khoảng 59% tổng số lao động. Trong khi đó, nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn là công nghệ hàn, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, mỹ thuật công nghiệp, kiến trúc - xây dựng, công nghệ thực phẩm… Nhu cầu tuyển dụng nhân lực 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tăng mạnh qua các năm.
Theo Nguyễn Loan/ Phụ nữ TP.HCM
Tin cùng chuyên mục
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-