Cần làm gì để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 trong lộ trình mới?

Thứ Tư, 25/09/2024 14:10 GMT +7
Năm học 2024-2025 kết thúc 1 lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018. Cần lưu ý gì để thực hiện tốt chương trình mới giai đoạn tiếp theo?

Học sinh Trường PTLC Phenikaa.

Xây dựng kế hoạch bài dạy đi vào thực chất, tránh hình thức

Cô Đào Thị Cúc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: Năm học 2024 - 2025, Chương trình GDPT 2018 phủ các khối lớp, cũng là năm lứa học sinh lớp 9 đầu tiên thi vào 10 theo phương án mới.

Để tổ chức dạy học hiệu quả, nhà trường ưu tiên rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từ đầu năm học. Đồng thời, xây dựng kế hoạch giáo dục tập trung tối đa vào tổ chức hoạt động giảng dạy nhằm phát huy phẩm chất, năng lực học sinh; xây dựng kế hoạch bài dạy đi vào thực chất, tránh hình thức khi tổ chức thực hiện.

Muốn được như vậy, các tổ chuyên môn cần tập trung chỉ đạo giáo viên tích cực nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, đặc biệt với lớp 9 là năm đầu tiên thực hiện chương trình mới.

Ban giám hiệu sẽ chỉ đạo, động viên các tổ bộ môn xây dựng các chuyên đề, ngân hàng câu hỏi phát triển năng lực học sinh theo 4 mức độ nhận thức, phù hợp với trình độ và năng lực học sinh nhà trường. Việc xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá định kỳ phải bảo đảm có các cấp độ năng lực, tư duy khác nhau theo định dạng đề thi mới.

Đặc biệt, giáo viên cần hiểu, nắm chắc cấu trúc, ma trận đề thi vào 10 mà Sở GD&ĐT sẽ công bố; phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để đồng hành cùng con và nhà trường, tạo tâm thế thoải mái cho con trong học tập, ôn luyện.

“Hiện nay, Ban giám hiệu Trường THCS Đống Đa đã chỉ đạo, khích lệ giáo viên thường xuyên trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của Bộ/Sở GD&ĐT”, cô Đào Thị Cúc chia sẻ.

Với Trường THPT Võ Văn Kiệt, tỉnh Vĩnh Long, theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Diễm Trang, nhà trường sẽ tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, khuyến khích thầy cô áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại và sáng tạo. Đồng thời, chú trọng liên kết chặt chẽ các nội dung giảng dạy từ lớp dưới lên lớp trên, tạo một dòng chảy kiến thức liền mạch.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác tối đa các nền tảng công nghệ để hỗ trợ giảng dạy và học tập, đảm bảo học sinh được tiếp cận với những phương pháp học tập tiên tiến nhất.

Cùng với đó, quan tâm duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác với cha mẹ học sinh và cộng đồng, tạo nên một môi trường giáo dục toàn diện bền vững; duy trì cơ chế đánh giá và phản hồi để kịp thời điều chỉnh, giúp Chương trình GDPT 2018 ngày càng đi vào chiều sâu, thực sự hiệu quả”, cô Nguyễn Thị Diễm Trang thông tin.

Tiếp tục nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ

Để triển khai Chương trình GDPT 2018 đi vào chiều sâu trong giai đoạn mới, Ông Phạm Văn Ngát, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho rằng, cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.

Đặc biệt, cần đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, kịp thời, đặc biệt với các phân môn giảng dạy tích hợp. Phân bổ chỉ tiêu nhân sự cho các nhà trường đủ theo các môn học của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đặc biệt nhấn mạnh tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ, theo ông Phạm Văn Ngát, cần triển khai đồng bộ kế hoạch bồi dưỡng, kế hoạch kiểm tra, giám sát các hoạt động bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo từng năm để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp hơn của năm sau so với những năm trước để đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Thầy cô giáo được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia các diễn đàn giáo dục để tự hoàn thiện bản thân, trở thành những giáo viên đa nhiệm có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới và sáng tạo hơn trong phương pháp giảng dạy giúp khai thác và đánh thức tiềm năng của học sinh qua mỗi bài dạy.

Tăng cường đổi mới kiểm tra đánh giá, đa dạng hóa hình thức kiểm tra đánh giá như dự án học tập, bài thuyết trình, sản phẩm nhóm... để đánh giá toàn diện năng lực học sinh.

Cùng với đó, xây dựng cộng đồng học tập, tạo môi trường học tập tích cực, sáng tạo, nơi mà học sinh được khuyến khích tương tác, trải nghiệm, thực hành tối đa để không những tiếp cận kiến thức mà còn biết vận dụng hiệu quả kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống.

Theo Hải Bình/ GD&TĐ