Chi phí một năm của sinh viên tại TP.HCM là bao nhiêu?

Thứ Tư, 25/09/2024 11:48 GMT +7
Chi phí để học tập, sinh hoạt tại những TP lớn như TP.HCM là bao nhiêu, trung bình 1 năm, 1 tháng, không chỉ là mối bận tâm của phụ huynh chuẩn bị cho con nhập học, mà còn là băn khoăn của các tân sinh viên.

Nguyễn Diệu Nhi (Nghệ An), sinh viên (SV) năm 2 ngành kinh doanh nông nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết mỗi năm học (10 tháng), chi phí học tập, sinh hoạt của mình tốn khoảng gần 100 triệu đồng (kể cả học phí). Đây là mức chi mà Nhi đã rất tiết kiệm. Trong đó tiền học phí 35 - 40 triệu đồng; tiền ký túc xá và điện nước khoảng hơn 10 triệu đồng; tiền ăn, sinh hoạt, đi lại hết 40 - 50 triệu đồng.

Phụ huynh tìm hiểu thông tin trong ngày làm thủ tục nhập học cho con tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. NGỌC LONG

Đối với SV của những ngành học, trường học có mức học phí cao hơn (chẳng hạn 60 - 80 triệu đồng/năm), hoặc có chi phí nhà trọ cao hơn (khoảng 20 - 30 triệu đồng/năm) thì tổng chi phí sẽ lên tới 140 - 170 triệu đồng/năm. Ngược lại nếu học phí thấp hơn (chẳng hạn 20 - 30 triệu đồng/năm) thì tổng chi phí khoảng 70 - 80 triệu đồng/năm.

Chi phí tính theo tháng của các SV cũng khác nhau tùy vào điều kiện kinh tế, hoàn cảnh, địa lý, ngôi trường theo học… Tuy nhiên, nếu không tính học phí, phần lớn các SV chi trung bình từ 5 triệu đồng/tháng trở lên khi học tập tại TP.HCM.

Ông Trần Văn Trí, Phó phòng Công tác SV và truyền thông Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng để vượt qua khó khăn về tài chính và hoàn thành 4 năm ĐH, SV nên cố gắng học tập và rèn luyện, đạt được thành tích tốt để có cơ hội nhận nhiều học bổng khác nhau. Những học bổng này sẽ giảm bớt rất nhiều gánh nặng chi phí.

Bên cạnh sự hỗ trợ của trường ĐH, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, lưu ý SV có thể làm thêm công việc bán thời gian. Nhiều trường cung cấp các công việc bán thời gian cho SV như làm việc trong thư viện, trợ giảng, hoặc làm việc tại các trung tâm nghiên cứu. Những công việc này không chỉ giúp bạn kiếm thêm thu nhập mà còn có thể bổ sung kinh nghiệm liên quan đến ngành học.

"Ngoài ra SV có thể tìm các công việc bán thời gian như dạy kèm, phục vụ, bán hàng, hoặc công việc trực tuyến (freelancer) để có thu nhập thêm. Tuy nhiên, cần cân bằng thời gian làm việc và học tập để đảm bảo kết quả học tập tốt", thạc sĩ Sơn chia sẻ.

Theo Hà Thành/ Thanh niên