Định vị các điều kiện phát triển nhà giáo

Thứ Tư, 25/09/2024 14:46 GMT +7
Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm định vị vị trí pháp lý và các điều kiện phát triển nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo được chuẩn bị công phu.

Vai trò hướng dẫn của nhà giáo

Theo PGS.TS Phan Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhà giáo giữ vai trò quan trọng và vị trí cao trong xã hội. Nhà giáo là nhân tố quyết định sự thành bại trong sự nghiệp giáo dục.

Nhà giáo không chỉ là những người truyền đạt kiến thức, mà còn là người hướng dẫn, hỗ trợ và phát triển tiềm năng của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, nhà giáo đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội thông qua việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và nâng cao trình độ văn hóa, tri thức của cộng đồng.

Qua đó, góp phần hình thành những công dân có trách nhiệm và đạo đức trong tương lai cho xã hội. Vì thế, Nhà giáo phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về bằng cấp và chuẩn mực chuyên môn. Luật Nhà giáo cần thể chế hóa các quan điểm này một cách cụ thể và khả thi.

Khái niệm nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo cần được hiểu là người có sứ mệnh thực hiện với tính chất chủ đạo đến chất lượng hoạt động giáo dục con người, ông Hoàng Gia Khiêm - Trưởng ban Tổ chức Hội Cựu giáo chức Việt Nam nêu vấn đề.

Lý luận khoa học cũng xác nhận, giáo dục là chủ đạo trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người cùng với yếu tố di truyền - nền tảng; môi trường - quyết định; hoạt động cá nhân - quyết định trực tiếp.

Do vậy, vai trò hướng dẫn của nhà giáo với thế hệ trẻ trong môi trường giáo dục là điểm nhấn của thiết chế luật lần này và sẽ rất khác với giai đoạn trước, khi nhà giáo có nhiệm vụ chính là truyền đạt.

Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm định vị vị trí pháp lý và các điều kiện phát triển nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo được chuẩn bị công phu

Theo ghi nhận của các chuyên gia, đến thời điểm này, dự thảo Luật Nhà giáo được chuẩn bị công phu, điều chỉnh khá đầy đủ các nội dung liên quan đến nghề giáo. Nhiều điều khoản phù hợp với thông lệ quốc tế quy định tiêu chuẩn về trình độ và hành vi của giáo viên.

Về chuẩn chức danh nhà giáo, các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện quy định chức danh, chuẩn nhà giáo sẽ giúp thống nhất quản lý đối với tất cả nhà giáo, đảm bảo chất lượng nhà giáo nói chung và tạo cơ hội học tập bình đẳng của người học ở tất cả vùng miền, loại hình cơ sở giáo dục.

Về thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo. Tại Chương V, dự thảo Luật Nhà giáo đã xây dựng cụ thể, rõ ràng đối với chế độ chính sách cho Nhà giáo, cụ thể là Nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước quy định tại khoản 1, Điều 5 Dự thảo Luật Nhà giáo gồm: Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT có vai trò quan trọng trong công tác định hướng, phát triển, đào tạo bồi dưỡng nhà giáo lại chưa được quan tâm; chế độ lương còn thấp, không được hưởng phụ cấp nhà giáo, phụ cấp thâm niên.

Góp ý vào dự thảo Luật Nhà giáo, bà Đào Thị Hoa - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Long Biên đề xuất, bổ sung chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước trong Luật Nhà giáo.

Hiện nay, công tác đánh giá nhà giáo căn cứ vào các quy định về thông tư hướng dẫn chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn Hiệu trưởng và một số quy định đặc thù của ngành cũng như của Thành phố.

Tại Mục 4, Chương IV dự thảo Luật Nhà giáo xây dựng quy định đánh giá, xếp loại nhà giáo. Trưởng phòng GD&ĐT quận Long Biên đề xuất, cần thống nhất trong phương thức đánh giá nhà giáo và có tiêu chí cụ thể để công tác đánh giá đảm bảo khách quan, công bằng, có tác dụng khích lệ nhà giáo hoàn thiện và phát triển năng lực của bản thân.

Ngoài những nội dung kiến nghị góp ý trong dự thảo Luật nhà giáo, để công tác quản lý Nhà nước đối với nhà giáo tại các cơ sở giáo dục đạt hiệu quả, bà Đào Thị Hoa kiến nghị: Bộ GD&ĐT cần rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến nhà giáo, đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán và khả thi.

Mặt khác, thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GD&ĐT với các cơ quan liên quan như: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà giáo một cách hiệu quả và đồng bộ.

Đối với Sở GD&ĐT, bà Đào Thị Hoa đề xuất, cần tham mưu với UBND thành phố phân cấp, trách nhiệm tuyển dụng để công tác tuyển dụng đạt hiệu quả. Tham mưu với UBND thành phố quan tâm, xây dựng cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ và phúc lợi cho nhà giáo và các cán bộ quản lý làm việc tại Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT; cơ chế đặc thù đối với giáo dục trong công tác luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ quản lý.

Theo Giáo dục & Thời đại