Thi tốt nghiệp THPT: Cảnh báo gian lận bằng AI
Ngày 20.6, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến giữa Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với ban chỉ đạo thi 63 tỉnh, thành phố.
Thí sinh và phụ huynh đều phải ký cam kết
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái, cơ quan chức năng đã phải khởi tố một số thí sinh (TS) vì tội làm lộ, lọt đề thi, trong đó có một TS tỉnh Cao Bằng dùng điện thoại di động chụp ảnh đề thi môn ngữ văn sau khi phát đề 15 phút và gửi cho đối tượng ở bên ngoài qua ứng dụng tin nhắn Facebook.
Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Tuần sau, kỳ thi này sẽ chính thức diễn ra ở 63 tỉnh, thành. ẢNH: MOET
Năm nay, địa phương này đang triển khai các biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn tái diễn hành vi vi phạm trên. Bà Nguyễn Ngọc Thư, Giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng, cho biết ban chỉ đạo thi tỉnh quyết liệt trong việc tập huấn cho cán bộ làm nhiệm vụ thi; tuyên truyền, giáo dục cho TS về việc tuyệt đối không mang thiết bị hỗ trợ gian lận thi cử vào phòng thi. Toàn bộ TS dự thi năm nay đều phải viết cam kết thực hiện đúng quy định, quy chế thi với sự xác nhận của phụ huynh và lãnh đạo tổ dân phố, thôn xóm nơi TS cư trú… 100% TS và phụ huynh đều nhận được các tin nhắn nhắc nhở về thời gian dự thi, quy định về những vật dụng được phép, không được phép mang vào phòng thi, các hành vi vi phạm quy chế thi… để không vô tình hoặc cố ý vi phạm.
Tương tự, ông Đào Ngọc Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cũng cho biết tỉnh đã yêu cầu các cơ sở giáo dục cho TS ký cam kết không mang các thiết bị công nghệ vào phòng thi và cố tình gian lận thi cử.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho hay tỉnh xác định việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đặc biệt kỳ thi năm 2024 là kỳ thi cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Để phòng ngừa gian lận bằng các thiết bị thu phát sóng, theo bà Hạnh, tỉnh cũng đã cho rà soát tất cả những nhà dân sát điểm thi, hạn chế tối đa việc sử dụng wifi trong những ngày diễn ra kỳ thi, hạn chế việc TS có thể tranh thủ sóng wifi để thực hiện những việc không tốt cho kỳ thi.
Bà Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ những trăn trở liên quan thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang dư luận, gây hiểu nhầm về tính khách quan, công bằng của kỳ thi trên không gian mạng. "Đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia thi tốt nghiệp THPT chỉ đạo lực lượng chức năng sớm chủ động rà soát tất cả những thông tin trên mạng và yêu cầu xử lý nghiêm nếu đưa thông tin sai sự thật, gây dư luận xấu về kỳ thi", bà Hạnh kiến nghị.
Sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), cho hay Bộ Công an đã tham gia tập huấn nhằm giúp cán bộ làm thi phát hiện các nguy cơ tiêu cực, chú trọng nắm tình hình, đấu tranh xử lý các đối tượng mua bán thiết bị sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử. Tuy nhiên, theo ông Mạnh, qua kiểm tra, một số địa phương chưa hiểu rõ mức độ quan trọng của công tác an ninh, như nơi bảo quản đồ dùng của TS phải cách 25 m so với nơi TS làm bài thi...
"Tình hình sử dụng công nghệ cao trong gian lận thi cử diễn biến rất phức tạp, thậm chí tại một số quốc gia đã có việc sử dụng AI trong gian lận thi cử. Các thiết bị định tuyến giờ đây không chỉ ở những vị trí cách xa trong vòng 25 m mà được thiết kế nằm ngay ở đế giày. Vì vậy, việc phát hiện các thiết bị gian lận ngày càng khó khăn hơn. Do đó, các hội đồng thi cần tăng cường công tác tập huấn phát hiện, nhận biết thiết bị công nghệ cao", thiếu tướng Lê Minh Mạnh cảnh báo.
Ông Mạnh cũng nhấn mạnh yêu cầu phải bố trí địa điểm bảo quản vật dụng của TS cách phòng thi 25 m hoặc xa hơn, và đề nghị các hội đồng thi hướng dẫn cho TS hạn chế tối đa mang vật dụng không cần thiết vào điểm thi. Đối với nơi để xe của TS và nhà dân ở sát điểm thi, các nhà trường có thể bố trí tạm thời khu vực này ra ngoài cổng trường; phối hợp công an địa bàn tuyên truyền các nhà dân xung quanh điểm thi nâng cao nhận thức, không tiếp tay cho hành vi tiêu cực.
Đại diện Bộ Công an khẳng định sẽ yêu cầu công an các địa phương tăng cường lực lượng, phương tiện hỗ trợ ngành giáo dục đảm bảo an toàn cho các khâu trọng yếu của kỳ thi, nhất là khâu in sao đề thi, tập trung nắm tình hình, phát hiện, xử lý nghiêm các nguy cơ tiêu cực, gian lận, tình trạng gian lận bằng thiết bị công nghệ cao; triệt xóa các đường dây mua bán thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử. Kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng đăng tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh, nghiêm túc của kỳ thi. Đề nghị các hội đồng thi tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhất là quy định về bí mật nhà nước với đề thi cho TS.
Học sinh lớp 12 ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. ĐÀO NGỌC THẠCH
Quan trọng nhất vẫn là con người
Kết luận hội nghị, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, phát biểu: "Dù hiện nay các thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận có xuất hiện tràn lan như thế nào đi nữa, thì quan trọng nhất phải lựa chọn con người. Nhiều khi chỉ là do hiểu một cách đơn giản nhưng hệ lụy vô cùng lớn. Một hành động sai lầm của cá nhân có thể ảnh hưởng đến cả kỳ thi quốc gia. Do vậy, cần tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ, nhận thức để mỗi người thấy được trách nhiệm, thậm chí là những rủi ro nếu vi phạm, nguy cơ đối diện nếu gian lận, và hình thức xử lý nếu vi phạm".
Thứ trưởng lưu ý, đối với cán bộ, cần tự trọng, tự giác, hết sức nghiêm túc trong thực thi công vụ. Đối với TS, đây là kết quả của 12 năm học tập, rèn luyện của các em từ mầm non cho đến phổ thông… Khi các em đã có kiến thức thật thì các em sẽ vào phòng thi một cách đàng hoàng, không mang những vật dụng không được phép vào phòng thi.
Ông Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu ban chỉ đạo thi các địa phương, trong công tác tập huấn cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nêu ra những bài học kinh nghiệm, những hành vi đã bị vi phạm xử lý, thậm chí bị xử lý hình sự trong các kỳ thi trước, để coi đó là những bài học cần phòng tránh cho cán bộ coi thi cũng như TS.
Một hành động sai lầm của cá nhân có thể ảnh hưởng đến cả kỳ thi quốc gia. Do vậy, cần tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ, nhận thức để mỗi người thấy được trách nhiệm, thậm chí là những rủi ro nếu vi phạm, nguy cơ đối diện nếu gian lận, và hình thức xử lý nếu vi phạm.
Ông Phạm Ngọc Thưởng (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT)
Số thí sinh miễn thi ngoại ngữ tăng mạnh
Năm ngoái, toàn quốc có 46.670 TS đủ điều kiện đăng ký miễn thi ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Năm nay, con số này đã tăng lên 66.927 em, chiếm 6,25% tổng số TS. Trong đó, Hà Nội có số lượng lớn nhất với 21.554 TS (năm 2023 là 15.991 TS); tiếp đến là TP.HCM có 13.076 TS.
Đến thời điểm này có 1.071.393 TS đăng ký dự thi (tăng hơn 45.000 TS so với kỳ thi năm 2023). Năm nay là năm cuối cùng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 nên số TS tự do cũng nhiều hơn với 46.978 TS (chiếm 4,38% tổng số TS), nhiều em là TS chưa đỗ tốt nghiệp từ các năm 2020, 2021… nhưng năm nay đăng ký thi lại vì sang năm sẽ thi theo chương trình mới.
TS đăng ký trực tuyến: 1.014.020 em, chiếm 94,66% tổng số TS.
Do số TS tăng nên số điểm thi năm nay cũng tăng, với 2.323 điểm thi (tăng 51 điểm thi so với năm 2023). Tổng số phòng thi là 45.149.
Theo Tuệ Nguyễn/ Thanh niên
Tin cùng chuyên mục
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-