Vì sao dừng quy đổi 4.0 IELTS sang điểm 10 xét tốt nghiệp THPT là phù hợp?

Thứ Tư, 25/09/2024 14:23 GMT +7
Một số chuyên gia bày tỏ đồng tình với đề xuất dừng quy đổi điểm 10 xét tốt nghiệp THPT với chứng chỉ ngoại ngữ của Bộ GD-ĐT, cho rằng điều này sẽ giảm bất công trong giáo dục, tăng cơ hội việc làm cho giáo viên.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM) trong một tiết học IELTS. NHẬT THỊNH

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD-ĐT dự kiến dừng quy đổi điểm 10 xét tốt nghiệp THPT cho các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ như trước đây, mà chỉ còn cho phép được miễn thi môn ngoại ngữ. Chủ trương này được nhiều chuyên gia tán thành, khi trước đây từng có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng quy định cũ còn dễ dãi và không phù hợp thực tế.

Giảm bất công trong giáo dục

Không ít ý kiến cũng cho rằng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS hiện không còn "quý hiếm" như thời điểm năm 2015, khi Bộ GD-ĐT bắt đầu cho phép sử dụng để miễn thi ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT. Do vậy, dù chỉ dùng để miễn thi với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, việc Bộ GD-ĐT điều chỉnh quy định trên là phù hợp.

Thạc sĩ Khưu Hoàng Nhật Minh, Giám đốc điều hành Minh Khưu Academy (TP.HCM), cũng cho rằng việc dừng quy đổi 4.0 IELTS sang điểm 10 xét tốt nghiệp THPT là động thái phù hợp. "Điều này cho thấy Bộ GD-ĐT không muốn cổ súy cho bất kỳ hình thức hay kỳ thi cụ thể nào. Từ đó, giúp học sinh có động lực học tiếng Anh bất kể giàu nghèo và giảm bất công trong giáo dục", thạc sĩ Minh phân tích.

Một nguyên nhân khác, theo nam giám đốc, là để giảm sự so sánh giữa kỳ thi tốt nghiệp THPT với các kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ khác, trong đó có IELTS. Bởi, không thể đặt điểm 4.0 IELTS lên chung bàn cân với điểm 10 xét tốt nghiệp THPT để so sánh xem bên nào có "sức nặng" hơn, vì cấu trúc lẫn nội dung đánh giá của hai bài thi hoàn toàn khác biệt, theo thầy Minh.

Đông đảo học sinh tham dự ngày hội IELTS do Hội đồng Anh tổ chức hồi tháng 3. NGỌC LONG

"Thí sinh cần đặc biệt tách biệt câu chuyện xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH. Hiện tại Bộ GD-ĐT chỉ cho quy đổi 4.0 IELTS sang điểm 10 xét tốt nghiệp THPT chứ không đổi thành điểm 10 xét tuyển ĐH, vì khâu này do các trường chủ động đặt ra tiêu chuẩn. Thế nên, việc bỏ quy đổi sang 10 điểm xét tốt nghiệp khả năng cao sẽ không ảnh hưởng gì đến quá trình xét tuyển ĐH trong thời gian tới", thạc sĩ Minh lưu ý.

Một giám đốc trung tâm Anh ngữ tại TP.HCM thì cho hay, việc không quy đổi điểm 10 giúp thu hút thí sinh chọn môn tiếng Anh, môn sẽ thành tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. "Bạn nào cần xét tuyển ĐH bắt buộc phải ôn thi THPT để có cơ hội trúng tuyển, và động thái này có thể xem là để giúp giáo viên tiếng Anh trong các trường phổ thông có khả năng cạnh tranh hơn trước sự nở rộ của các trung tâm", người này nói.

"Theo tôi, một trong những mục tiêu mà Bộ GD-ĐT ra chính sách quy đổi có thể nhằm thúc đẩy việc dạy và học môn tiếng Anh trong trường phổ thông theo chuẩn quốc tế. Và đến hiện tại, sau khi thu hút thành công, ngành giáo dục đã điều chỉnh lại để chính sách mang tính bình ổn, xác đáng hơn trong bối cảnh hiện tại", vị giám đốc nêu quan điểm.

Học sinh nói gì?

Đang ôn thi IELTS để chuẩn bị trước cho hành trình xét tuyển ĐH, Nguyễn Hồng Phước, học sinh một trường THPT ở Q.3, TP.HCM, bày tỏ em không lo lắng trước tin dừng quy đổi 4.0 IELTS sang điểm 10 xét tốt nghiệp THPT. Nữ sinh nói thêm trong những năm qua, các trường ĐH em yêu thích đều yêu cầu mức điểm cao hơn nhiều để đủ khả năng cạnh tranh, lên đến 7.0 IELTS, và khoảng cách này "rất xa" so với mốc 4.0.

"Để xét tuyển, trường cũng chỉ dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT của em. Chưa kể, sắp tới chúng em không bắt buộc phải chọn thi tiếng Anh như năm trước, ai xác định xét tổ hợp có tiếng Anh mới cần thi, nên nhìn chung việc quy định này không gây mất mát gì. Riêng việc cho phép miễn thi môn ngoại ngữ, em thấy rất có ích vì nếu trúng tuyển sớm, em có thể bỏ qua môn này, chỉ còn 3 môn, giúp giảm áp lực thi cử", Phước nhận định.

Chọn học tổ hợp toán, hóa, sinh, Thanh Thủy (17 tuổi), học sinh tại TP.HCM, cho rằng 4.0 IELTS quy thành điểm 10 xét tốt nghiệp THPT là "quá dễ dàng với các bạn trẻ như em", gây nên tình trạng "cào bằng" giữa người có năng lực tiếng Anh trung bình và xuất sắc. Đó cũng là lý do nữ sinh đang ôn luyện IELTS với mục tiêu đạt mốc 6.5 đồng tình với đề xuất của Bộ GD-ĐT. "Trong trường hợp vẫn cho phép quy đổi, em nghĩ cần 'nâng chuẩn' điều kiện về IELTS, lên 7.5 tương ứng với 10 sẽ phù hợp hơn ở thời điểm hiện tại. Mục tiêu của em là du học nên dù không thi ngoại ngữ, em vẫn sẽ ôn lấy chứng chỉ IELTS để đáp ứng các yêu cầu giấy tờ", Thủy cho hay.

Vì sao quy đổi 4.0 IELTS thành điểm 10 xét tốt nghiệp THPT?

Thạc sĩ Đỗ Nguyễn Đăng Khoa, tốt nghiệp ngành giảng dạy tiếng Anh tại ĐH Warwick (Anh) và là học giả Hornby 2021, nhận định mức này "khớp" với quy định hiện hành. Cụ thể, Bộ GD-ĐT yêu cầu đầu ra khối THPT là bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

"Bậc 3 tương ứng với trình độ B1 trong Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của châu Âu và điểm 4.0 IELTS thuộc mức B1 khung này", anh Khoa phân tích. Vì lẽ đó, anh Khoa nhìn nhận chính sách quy đổi đã tạo điều kiện để người học đạt trình độ ngang chuẩn của Bộ GD-ĐT có thể chứng minh năng lực bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Còn theo đơn vị tổ chức thi, thí sinh đạt 4.0 IELTS được xem là sử dụng tiếng Anh còn hạn chế (limited user). "Điều này được hiểu nôm na là người học đạt 4.0 IELTS có khả năng sử dụng ngôn ngữ còn hạn chế với những tình huống cơ bản, quen thuộc, thường xuyên gặp khó trong nghe hiểu và diễn đạt", bà Denise Thomson, Quản lý Trung tâm KTDC IELTS (TP.HCM), từng chia sẻ.

Theo Ngọc Long/ Thanh niên