“Bằng tú tài” ngày càng có... giá!

Thứ Ba, 24/09/2024 10:58 GMT +7
Một thời gian dài, tấm bằng tốt nghiệp THPT của Việt Nam mà nhiều thế hệ trước gọi là bằng tú tài, chỉ là điều kiện cần để thí sinh tiếp tục xét tuyển các bậc học cao hơn ở trong nước.

Nhưng những năm gần đây, tấm bằng tú tài vừa phục vụ mục đích đó, lại vừa là một trong những căn cứ để nhiều trường đại học nước ngoài xét tuyển, thậm chí tặng học bổng. Rõ là tấm bằng tốt nghiệp THPT Việt Nam ngày càng được coi trọng.

Tại Việt Nam, học sinh kết thúc 3 năm học THPT, đáp ứng điều kiện dự thi tốt nghiệp và tham gia đầy đủ các bài thi, đạt ngưỡng điểm theo quy định là được xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT. Tấm bằng tưởng chỉ để ghi nhận một trình độ, làm tấm giấy thông hành cho các bậc học tiếp theo trong đời đèn sách của sĩ tử ấy khoảng 5 năm trở lại đây đã được một số quốc gia như Australia, New Zealand đánh giá cao.

Theo một số chuyên gia, điều này là một tín hiệu vui cho thấy chất lượng giáo dục đại trà tại Việt Nam đã bắt đầu đáp ứng được các tiêu chuẩn tuyển sinh của nước bạn, mà nguyên nhân sâu xa khởi nguồn từ việc Bộ GD&ĐT thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông từ năm 2018.

Với chương trình mới, ngoài những môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn môn học theo sở trường, định hướng nghề nghiệp ngay từ ngưỡng cửa đầu tiên của cấp học. Đây là thay đổi tích cực mà các nước ghi nhận bởi học sinh có cơ hội phát huy năng lực sở trường của bản thân và quan trọng hơn cả phương thức giáo dục đó tương đồng với nhiều quốc gia trên thế giới.

Cùng với đổi mới chương trình, Bộ GD&ĐT cũng có những đổi mới về cách thức kiểm tra, đánh giá cũng như về đề thi, số môn thi tốt nghiệp THPT. Lộ trình đổi mới đưa học sinh đến năm 2025 này, sẽ thi 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn tự chọn. Cấu trúc đề thi thay đổi theo hướng tăng cường chất lượng và độ phân hóa, góp phần đánh giá chính xác năng lực học sinh, đồng thời, yêu cầu học sinh vận dụng được kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế. Cách tính điểm xét tốt nghiệp cũng thay đổi theo hướng chặt chẽ và yêu cầu cao hơn, tính cả quá trình học THPT thay vì chỉ tính kết quả lớp 12 như trước.

Bằng việc đổi mới cách học, cách thi, cách tính điểm xét tốt nghiệp đó, tấm bằng tú tài của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng cao về chất lượng; không chỉ có giá trị sử dụng trong nước mà còn được công nhận rộng rãi trên trường quốc tế. Tuy nhiên, cần nhìn nhận đầy đủ rằng, bằng tốt nghiệp THPT của Việt Nam chỉ được  khẳng định và ghi nhận khi chất lượng dạy - học nói chung, dạy - học Ngoại ngữ nói riêng, được nâng lên.

Hiện nay, nhiều trường đại học ở Anh, Singapore… vẫn yêu cầu học sinh Việt Nam phải hoàn thành chương trình dự bị trước khi vào chương trình đại học ở nước họ, hoặc theo học một số chương trình quốc tế như A-level, IB mới được xét tuyển thẳng vào năm nhất. Là bởi ngoài khác biệt khá lớn về thời lượng học phổ thông so với các nước, trình độ ngoại ngữ của học sinh Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu học tập theo chương trình nước bạn.

Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có đặt ra yêu cầu “từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”. Đây là định hướng quan trọng cho giáo dục

Việt Nam, cũng là nền tảng quan trọng để các nước trên thế giới xúc tiến tìm hiểu và đánh giá, tiến tới xét tuyển vào bậc học đại học dựa trên bằng tốt nghiệp THPT của nước ta. Hướng đi đã rõ, điều cốt yếu chỉ còn nằm ở thầy và trò trong hành trình dạy và học phía trước.

Theo Nam Du/ Kinh tế & Đô thị