Gian nan đạt chuẩn cơ sở giáo dục ĐH: Thiếu nguồn thu từ khoa học công nghệ

Thứ Năm, 24/10/2024 10:35 GMT +7
Hiện nay, nhiều trường ĐH có tổng thu từ vài trăm tỉ đến trên dưới 1.000 tỉ đồng/năm, nhưng nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ rất thấp, thậm chí nhiều trường không có. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT đặt ra tỷ trọng này từ năm 2025 phải không thấp hơn 5% tổng thu.

Gian nan đạt chuẩn cơ sở giáo dục ĐH

Để đạt chuẩn cơ sở giáo dục ĐH, bên cạnh những tiêu chuẩn về giảng viên, cơ sở vật chất, tài chính, tuyển sinh - đào tạo..., các trường ĐH có đào tạo tiến sĩ phải đáp ứng yêu cầu tỷ trọng từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%. Đây là một tiêu chí trong tiêu chuẩn 6 của Thông tư ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục ĐH.

Nhiều trường dưới 1%

Theo biểu mẫu công khai tài chính của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH sẽ công khai tổng thu của từng năm học. Tại đây, cơ cấu nguồn thu của các trường gồm có từ ngân sách, học phí, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các nguồn hợp pháp khác.

Các trường ĐH có đào tạo tiến sĩ phải đáp ứng yêu cầu tỷ trọng từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, nguồn từ học phí chiếm tỷ trọng chủ yếu, với hơn 80% tổng thu của các trường. Tại nhiều trường, tỷ trọng này lên tới hơn 90%. Các nguồn thu khác rất thấp, đặc biệt là từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Năm học 2022-2023, Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) có tổng thu 311 tỉ đồng thì học phí chiếm 267 tỉ và nghiên cứu khoa học là 2 tỉ, chưa được 1% tổng thu. Trong văn bản công khai các nguồn thu của Trường ĐH Luật TP.HCM, năm 2022 trường này có tổng thu 289 tỉ đồng, trong đó học phí là 261 tỉ và không thấy có khoản thu nào từ hoạt động khoa học - công nghệ. Trường ĐH Đà Lạt (2022-2023) có tổng thu 156 tỉ đồng, nghiên cứu khoa học 0,5 tỉ, chiếm 0,3%. Trường ĐH Nam Cần Thơ tổng thu năm 2023-2024 là 600 tỉ đồng từ học phí, không có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Trường ĐH Cần Thơ năm học 2023-2024 có tổng thu 954,1 tỉ đồng thì nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đạt 21,6 tỉ đồng, chiếm 2,26%. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có tổng thu năm 2022-2023 là 843 tỉ đồng thì nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 4 tỉ, chiếm 0,47%. Nguồn thu này tại Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng năm 2023 là 0,17 tỉ đồng trên tổng thu 269,99 tỉ, chỉ chiếm 0,06%.

Tại một số trường ĐH "ngàn tỉ", tỷ trọng này cũng cực thấp hoặc thấp so với tiêu chí quy định về chuẩn cơ sở giáo dục ĐH.

Chẳng hạn Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có tổng thu năm 2023-2024 là hơn 1.454 tỉ đồng, trong đó nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 11,776 tỉ đồng, chiếm 0,8%. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM năm 2023-2024 có tổng thu 1.260 tỉ đồng thì từ nghiên cứu khoa học là 11 tỉ đồng, chiếm gần 0,9%. ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2022 thu 1.070,8 tỉ đồng thì từ khoa học - công nghệ là 7,01 tỉ, chiếm 0,65%. Trường ĐH Kinh tế quốc dân thu 1.410 tỉ năm 2023-2024, trong đó nguồn thu từ khoa học - công nghệ là 42,95 tỉ, đạt 3% tổng thu.

Rất ít trường đạt tiêu chí

Chỉ một số trường đạt được tiêu chí 5% trở lên. Chẳng hạn Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng năm 2023 thu 294,3 tỉ thì nguồn khoa học - công nghệ chiếm 14,2% với 41,9 tỉ đồng. Trường ĐH Tôn Đức Thắng năm 2023 có tổng thu 1.067 tỉ đồng thì nghiên cứu khoa học đạt 56,5 tỉ đồng, chiếm 5,2%. Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM có tổng thu 481,4 tỉ đồng năm 2022, nghiên cứu khoa học là 25,5 tỉ đồng, đạt 5,2%. ĐH Kinh tế TP.HCM đạt kỷ lục khi nguồn thu từ khoa học - công nghệ đạt 25%, với 363,2 tỉ đồng trên tổng thu 1.443,4 tỉ vào năm 2022.

Những trường "suýt" đạt 5% gồm có: Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2023 là 1.003 tỉ đồng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hơn 44 tỉ đồng, chiếm 4,4%. Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM tổng thu năm 2023 là 259 tỉ đồng thì nghiên cứu khoa học 12,4 tỉ, đạt 4,7%. Nguồn thu này của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội là gần 37,3 tỉ đồng, đạt 4,2% trên tổng thu 878,1 tỉ đồng năm 2023. Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội tỷ lệ này đạt 19,3% với 55,5 tỉ trên tổng số 286,4 tỉ đồng năm 2023.

Giảng viên trường ĐH thực hiện dự án nghiên cứu sản xuất do doanh nghiệp đặt hàng. ẢNH: TIẾN NAM

Vướng cơ chế, chính sách?

Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho rằng có rất nhiều khó khăn để các trường có thể đạt được tỷ trọng 5%, tuy nhiên, cái "vướng" lớn nhất là cơ chế, chính sách.

"Hiện nay giảng viên rất giỏi và năng động, hoàn toàn có thể làm giàu được từ tri thức của mình và mang lại nguồn thu cho trường bằng các dịch vụ khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, khi thực hiện thì cơ chế khiến cho nhiều thầy cô nản vì thủ tục quá rắc rối, nhiêu khê, phức tạp", tiến sĩ Duy nhận định.

Theo tiến sĩ Duy, ở nước ngoài, khi giảng viên thực hiện các đề tài thì đơn vị đặt hàng sẽ nghiệm thu theo sản phẩm cuối cùng, còn kinh phí sử dụng như thế nào là do quyền sử dụng của chủ nhiệm đề tài. Tuy nhiên ở VN, chủ nhiệm đề tài phải thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính như lập hồ sơ, thuyết minh, giải trình, đấu thầu, hóa đơn đỏ, 3 báo giá... Chưa kể hoàn thành đề tài còn phải thanh, kiểm tra các hoạt động thu - chi...

"Cơ chế đang nặng về thủ tục hành chính gây khó khăn và khiến cho giảng viên phải giả dối hoặc nản lòng, trong khi cái quan trọng nhất là sản phẩm thì lại không được chú ý. Chính vì thế, không ít giảng viên có suy nghĩ ra ngoài thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc kết hợp với doanh nghiệp để kiếm tiền từ tri thức của mình, thoát khỏi những thủ tục rườm rà, phức tạp. Những vướng mắc đó tác động rất nhiều đến việc thực hiện các dịch vụ khoa học, công nghệ của trường ĐH, khiến nguồn thu từ hoạt động này bị ảnh hưởng", tiến sĩ Duy nêu.

Vì thế, tiến sĩ Duy đề xuất nên trao quyền tự chủ cho giảng viên, đặc biệt là đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ được quyền quyết định mọi đề tài, dự án, sử dụng kinh phí, miễn sao ra kết quả nghiệm thu là sản phẩm cuối cùng đạt yêu cầu.

Năng động tìm hiểu nhu cầu thực tiễn

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH có đào tạo tiến sĩ phải đáp ứng tiêu chí nguồn thu từ hoạt động khoa học công nghệ đạt tỷ trọng 5% tổng thu. Điều này thể hiện sự năng động và khẳng định giá trị thu được từ chất xám của đội ngũ giảng viên trình độ cao. Bên cạnh đó, đa dạng hóa nguồn thu để các trường không còn phụ thuộc quá nhiều vào học phí, giúp giảm gánh nặng chi phí cho người học.

PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định: "Từ năm 2025, tất cả các trường ĐH bắt buộc phải tự chủ. Nhưng phần lớn các trường vẫn đang lệ thuộc vào nguồn thu ổn định là học phí. Để có được nguồn thu từ hoạt động khoa học - công nghệ, các trường, các thầy cô phải năng động và làm nhiều việc hơn. Không thể ngồi yên một chỗ mà phải chủ động đi "săn" đề tài, tiếp cận doanh nghiệp, các địa phương xem họ có nhu cầu gì trong lĩnh vực mình đào tạo. Chắc chắn các trường sẽ có sự cạnh tranh gay gắt với nhau và với doanh nghiệp, nên đòi hỏi năng lực rất cao".

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có Trung tâm nghiên cứu công nghệ và thiết bị công nghiệp hoạt động từ năm 1994, cung cấp các dịch vụ nghiên cứu, chế tạo, lắp đặt. Thông qua trung tâm, những nghiên cứu của giảng viên được đưa ra thị trường và có năm doanh thu đạt 200 tỉ đồng. Hiện trung tâm này được chuyển thành Công ty cổ phần Khoa học công nghệ Bách khoa TP.HCM (BKTECHS), doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, trong đó Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có 30% cổ phần nên cũng mang lại nguồn thu vài chục tỉ đồng/năm cho trường.

Từ kinh nghiệm của một cơ sở giáo dục đạt hơn 360 tỉ đồng từ hoạt động khoa học công nghệ, PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng trường ĐH cần gắn đào tạo, nghiên cứu, tư vấn... với thực tiễn, gắn với nhu cầu doanh nghiệp và thị trường. "Chúng ta làm việc với họ xem họ cần gì, thiết kế các chương trình đào tạo, dự án theo yêu cầu. Cần hình thành hệ sinh thái gắn kết bền vững giữa trường ĐH và doanh nghiệp, đối tác... trên thế mạnh và nhu cầu của nhau. Từ đó trường ĐH tập trung nguồn lực trong hoạt động này, có các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu cốt lõi và điều chỉnh theo thực tiễn tạo nên năng lực cạnh tranh và thương hiệu", PGS-TS Hùng chia sẻ.

Theo Mỹ Quyên/ Thanh niên