Hàng ngàn sinh viên không học dù trúng tuyển: Trường ĐH chủ động tìm giải pháp
Phần lớn là thí sinh trúng tuyển các nguyện vọng sau
Nhiều sinh viên (SV) đã quyết nghỉ học “ngang” chỉ sau 1 - 2 học kỳ. Trong số nhiều lý do được đưa ra, việc chọn chưa đúng ngành học hoặc trường học dẫn đến chán nản rồi dừng việc học là chia sẻ của nhiều người trong cuộc.
H.N.D (Đắk Pơ, Gia Lai) trở thành SV một trường ĐH công lập đào tạo khối ngành kinh tế tại TP.HCM năm 2021. Trước đó, D. trúng tuyển nguyện vọng 2 vào ngành kinh tế sau khi rớt nguyện vọng đầu tiên ngành khoa học máy tính. D. quyết định vẫn nhập học ngành kinh tế nhưng đến học kỳ thứ 2 cảm thấy không phù hợp nên thi lại. Khi chính thức trúng tuyển vào ngành khoa học máy tính một trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay, SV này đã dừng việc học tại trường cũ từ học kỳ 1 năm học 2022 - 2023.
Các trường ĐH cần có giải pháp kịp thời, tránh tình trạng sinh viên trúng tuyển nhưng tự ý bỏ học. ĐÀO NGỌC THẠCH
“Vấn đề của em là do đã không tìm hiểu kỹ về ngành nghề ngay từ ban đầu. Thời điểm đó, em vừa thích lĩnh vực công nghệ thông tin vừa thích kinh tế nên đã đặt nguyện vọng cả 2 lĩnh vực, dù rất khác nhau. Nhưng khi trải nghiệm việc học mới biết bản thân không thực sự phù hợp với ngành kinh tế”, D. chia sẻ.
K.Đ.D (Dĩ An, Bình Dương) cũng quyết định dừng việc học tại một trường ĐH tư thục ở TP.HCM chỉ sau 5 tháng nhập học chính thức trở thành tân SV khóa 2021. SV này cho biết đã trúng tuyển đúng ngành thuộc khối công nghệ thông tin nhưng chưa phải trường học mong muốn khi rớt 2 nguyện vọng trước đó. “Tuy vậy, em vẫn quyết định nhập học xem như tạm thời tìm chỗ dừng chân trong khi chờ thi lại năm sau. Nhưng sau khi học xong 4 tháng theo hình thức trực tuyến do dịch Covid-19 và lên trường học trực tiếp 1 tháng, em đã dừng học ngay khi hết học kỳ 1 để thi lại với mong muốn vào được môi trường học tập cạnh tranh và nghiêm túc hơn”, SV này kể lại.
Để tránh xảy ra rồi mới hỗ trợ thì nhà trường nên chủ động nắm bắt những khó khăn của người học. Từ đó có những chăm sóc, hỗ trợ kịp thời SV thông qua hệ thống cố vấn học tập, câu lạc bộ và ban cán sự lớp, đặc biệt cần chú ý khâu phân tích kịp thời kết quả học tập.
TS Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM)
Trúng tuyển nhưng dừng học tới 2 năm để thi lại vào trường ĐH thứ 3 vì “chọn trường chưa đúng” là câu chuyện của K.T.N (Khánh Hòa). Năm 2020, N. trúng tuyển nguyện vọng thứ 5 vào ngành kỹ thuật phần mềm ở một trường ĐH tại tỉnh bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhưng sau đó, vì lý do không thích học trường này nên N. tiếp tục xét tuyển bằng học bạ và trúng tuyển vào một trường ĐH tư thục tại TP.HCM cũng ngành học này.
“Em đã nhập học nhưng lại nhận thấy việc chi trả mức học phí cao mà chất lượng nhận lại chưa tương xứng nên mong muốn thi lại vào trường khác”, N. cho hay.
Cần tăng cường chương trình tư vấn hướng nghiệp đến học sinh từ cấp 2 và chậm nhất lớp 10 nhằm giúp học sinh chọn đúng nghề, ngành học. ĐÀO NGỌC THẠCH
Giải pháp cần từ hai phía
Tương đồng với ý kiến người học, một số chuyên gia cũng có nhận định tương tự. Thạc sĩ Phùng Quán (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) cho rằng: “Một nguyên nhân chính là các em chọn không đúng ngành nghề phù hợp với năng lực và sở thích bản thân”.
Đề xuất giải pháp, ông Quán cho rằng: “Cần tăng cường chương trình tư vấn hướng nghiệp đến học sinh từ cấp 2 và chậm nhất lớp 10 nhằm giúp học sinh chọn đúng nghề, ngành học. Học phí cao cũng là rào cản, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ đến SV giỏi các vùng sâu, vùng xa”.
Bên cạnh đó, thạc sĩ Quán cho rằng: “Khi vào học, SV bị sốc vì học các chương trình đại cương trong 1 - 2 năm học đầu tiên”. Do vậy, ông Quán đề xuất: “Các cơ sở đào tạo cần xây dựng, điều chỉnh chương trình, đưa một số môn gần với kiến thức chuyên ngành vào giảng dạy trong các năm đầu theo cơ cấu phù hợp. Giải pháp đó cùng với việc SV tiếp xúc doanh nghiệp trong các ngày hội việc làm sẽ giúp họ yêu ngành nghề và an tâm theo đuổi ngành học”.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới lý do SV tự ý bỏ học, không đăng ký học phần. Trường ĐH nên có khảo sát, thăm dò các trường hợp này để phân ra các nhóm và có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Các nguyên nhân có thể gồm: không hiểu về ngành học hoặc bi quan vì trúng tuyển không đúng nguyện vọng ưu tiên cao nhất (1); chọn nhầm ngành (2); vì lý do gia đình hoặc bản thân (3); đi du học và khác (4). Trong đó, các nguyên nhân thuộc nhóm 1 và nhóm 2, cần có bộ phận tư vấn giải đáp kỹ hơn về ngành nghề tương lai. Nhóm 3 cần được hỗ trợ tài chính hoặc giới thiệu các tổ chức hỗ trợ kịp thời.
Sinh viên vay tín dụng học tập. ĐÀO NGỌC THẠCH
Cũng theo tiến sĩ Mai, với kết quả cảnh báo học vụ và buộc thôi học, nguyên nhân chính là do nợ tín chỉ. Về phía SV, nguyên nhân có thể do học không nổi, hoàn cảnh gia đình, đi làm quên học… Bà Mai phân tích: “Theo tôi, để tránh xảy ra rồi mới hỗ trợ thì nhà trường nên chủ động nắm bắt những khó khăn của người học. Từ đó có những chăm sóc, hỗ trợ kịp thời SV thông qua hệ thống cố vấn học tập, câu lạc bộ và ban cán sự lớp, đặc biệt cần chú ý khâu phân tích kịp thời kết quả học tập. Trong đó không thể loại trừ nguyên nhân học ĐH thật sự quá sức các bạn…”. Ngoài ra, trong hoạt động dành cho tân SV, nên chú ý hơn phần giúp SV hiểu rõ về chương trình đào tạo, quản lý kế hoạch học tập trước khi vào học chính thức.
“Nhìn chung, các cơ sở giáo dục cần chủ động nắm bắt kịp thời tình hình kinh tế xã hội tác động như thế nào đến SV để có hỗ trợ kịp thời. Bản thân SV cũng nên mạnh dạn và biết “gõ cửa” kịp thời. Chẳng hạn, với lý do về học phí, SV cần trình bày kịp thời với phòng công tác sinh viên để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời”, tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai khuyên.
Chi phí đầu tư cho việc học ĐH quá cao!
Bài viết Hàng ngàn sinh viên không học dù trúng tuyển nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc. Trong đó, nhiều bình luận cho rằng nguyên nhân tình trạng trên có thể xuất phát từ vấn đề chi phí đầu tư cho việc học ĐH quá cao.
Bạn đọc Kenny viết: “Học phí cao ngất ngưởng, 1 học kỳ rẻ lắm cũng vài chục triệu không phải gia đình nào cũng kham nổi, đây là nguyên nhân chính khiến nhiều SV bỏ học”.
Huỳnh Đức Á cũng có ý kiến tương tự: “Có thể một số trường hợp do gia đình khó khăn, không đủ tiền đóng học phí và các chi phí khác nên phải nghỉ...”. Truong Nhan thì nói: “Tiền đâu mà học, chi phí học phí ăn uống thuê trọ hơn cả một tháng lương”.
“Cuộc sống quá khó khăn, học phí tăng cao, phụ huynh lo không nổi thì cho con nghỉ?” là ý kiến của hongdang231176. Độc giả minhtien1193 cũng viết: “Học phí cao, chi phí sinh hoạt cũng cao và đây có thể là nguyên nhân chính”.
Từ nguyên nhân, Son Nguyen đề xuất: “Lý do có thể là học phí. Sau Covid không chỉ các doanh nghiệp, mà người dân đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ "hậu Covid". Các trường ĐH nên có biện pháp giãn đóng học phí trong từ 1 đến 6 tháng để phụ huynh còn xoay sở”.
Trong khi đó, gi***@yahoo.com.vn nhìn nhận: “Chế độ lương bổng ở nước ta quá bất hợp lý với số tiền bỏ ra học ĐH”. Tương tự, bạn đọc hiên Phu Vlop cũng nêu nhiều lý do như: khó khăn tài chính, áp lực việc học, chọn sai ngành... “Hoặc từ suy nghĩ học tốn kém, khi ra trường xin việc khó, lương thấp, không đúng chuyên ngành đã học...”, bạn đọc này phân tích.
Theo Hà Ánh/TNO
Tin cùng chuyên mục
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-