Nhiều chương trình cho vay, mượn tiền đóng học phí tại ĐH Quốc gia TP.HCM

Thứ Ba, 24/09/2024 11:00 GMT +7
Năm học 2024-2025, ĐH Quốc gia TP.HCM triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất 0%. Sinh viên khó khăn chưa vay được vốn ngân hàng chính sách xã hội địa phương, có thể mượn số tiền tối đa bằng với học phí. Đặc biệt, có chương trình sinh viên còn được chuyển đổi khoản vay thành học bổng.

Tân sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) làm thủ tục nhập học năm nay. ẢNH: NGỌC LONG

Sinh viên vay ưu đãi lãi suất 0% tối đa 20 triệu đồng/học kỳ

Sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM được hỗ trợ cho vay ưu đãi để học tập học kỳ 1 năm học 2024-2025 với lãi suất 0%.

Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp với ngân hàng triển khai chương trình cho sinh viên vay ưu đãi lãi suất 0% năm học 2024-2025. Theo đó, sinh viên được vay số tiền tối đa bằng với học phí học kỳ 1 năm học này nhưng không vượt quá 20 triệu đồng.

Điều kiện vay gồm: Sinh viên hệ chính quy văn bằng 1; Cam kết tốt nghiệp trong thời gian quy định của khóa học (không tính thời gian được phép gia hạn); Chưa tham gia vay ở các tổ chức tín dụng khác; Có hoàn cảnh khó khăn.

Thời gian cho vay được tính từ ngày sinh viên được phát món vay đầu tiên cho đến ngày trả hết nợ gốc và lãi (nếu có). Sinh viên phải trả nợ gốc lần đầu tiên ngay sau khi có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày sinh viên kết thúc khóa học (kể cả trường hợp chưa có việc làm ổn định). Thời gian cho vay tối đa 8 năm.

Chương trình cho sinh viên vay ưu đãi học tập lãi suất 0% được Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp với ngân hàng thực hiện. Ngân hàng là đơn vị trực tiếp cho sinh viên vay, quỹ bảo lãnh khoản vay và trả lãi suất cho sinh viên từ nguồn tài trợ của doanh nghiệp. Sau 4 năm triển khai, tổng số sinh viên được xét đồng ý hỗ trợ cho vay 320 người.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) làm thủ tục nhập học. ẢNH: NGỌC LONG

Sinh viên có thể chuyển đổi khoản vay thành học bổng nếu…

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đã triển khai Chương trình bảo lãnh vay và hỗ trợ lãi suất cho sinh viên trong việc đóng học phí năm học 2024-2025 thông qua Ban đại diện cộng đồng cựu sinh viên Phú Thọ-Bách khoa.

Theo đó, Ngân hàng Vietcombank là ngân hàng cho vay với lãi suất 0%. Đối tượng vay là tân sinh viên đang theo học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Số tiền được vay theo học phí quy định của nhà trường và giải ngân theo từng học kỳ. Thời hạn trả tiền là 2 năm tính từ lúc được giải ngân, mỗi học kỳ xét duyệt một lần dựa trên kết quả học tập của sinh viên. Sinh viên có nghĩa vụ thanh toán khoản vay trong vòng 30 ngày nếu có quyết định thôi học dù chưa đến thời hạn. Sinh viên cũng có thể trả khoản vay trước thời hạn.

Điều kiện bảo lãnh vay với tân sinh viên trúng tuyển khóa 2024 gồm: đã hoàn thành xác nhận nhập học tại hệ thống của Bộ GD-ĐT; Điểm trung bình lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên; Hạnh kiểm lớp 10, 11, 12 đạt loại tốt; Có kế hoạch trả khoản vay rõ ràng; Chưa tham gia vay ở các tổ chức tín dụng khác; Ưu tiên sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Đáng chú ý, chương trình còn quy định điều kiện để sinh viên chuyển đổi khoản vay thành học bổng. Theo đó, sinh viên có kết quả học tập từ 8/10 hoặc 3,2/4,0 và rèn luyện từ 90/100 trong thời gian bảo lãnh vay sẽ được xem xét tặng học bổng từ 50-100% khoản vay tùy thuộc theo hoàn cảnh nỗ lực của sinh viên và kinh phí của chương trình.

Có thể mượn tiền đóng học phí

Cũng tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, quỹ hỗ trợ sinh viên Bách khoa còn có chương trình chính quy hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được mượn tiền đóng học phí trong thời gian học tại trường. Các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, chưa vay được vốn ngân hàng chính sách xã hội địa phương có thể mượn số tiền tối đa bằng với học phí học kỳ nhưng không vượt quá 10 triệu đồng/học kỳ (lãi suất 0%).

Theo quy định của chương trình này, sinh viên chỉ được mượn khi đang học tại trường từ học kỳ thứ 2 đến học kỳ thứ 8 và được mượn không quá 4 học kỳ trong suốt thời gian học tại trường. Sinh viên nhận hỗ trợ có trách nhiệm hoàn trả học phí đã mượn trong thời gian học tại trường hoặc tối đa trước 1 năm sau ngày tốt nghiệp.

Theo Hà Ánh/ Thanh niên