Gia đình không đủ điều kiện kinh tế, có nên vay vốn đi du học?
Được học tập trong những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới là ước mơ của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ khả năng kinh tế để theo đuổi giấc mơ này. Vì vậy, câu hỏi lớn được các bạn đặt ra là trong trường hợp muốn du học nhưng không đủ khả năng tài chính thì có nên vay vốn không?
Tính toán kỹ trước khi vay vốn
"Năm nay em học lớp 11, em rất muốn đi du học ngành Ngôn ngữ Hàn sau khi hoàn thành chương trình lớp 12. Theo em tìm hiểu, tính cả thời gian học tiếng và chuyên ngành có thể lên đến 6 năm, nhưng gia đình không đủ điều kiện kinh tế để chu cấp cho em. Em khá băn khoăn về việc có nên đề nghị với bố mẹ vay vốn ngân hàng để đi du học hay không?" - em Ngô Thùy Dương - học sinh lớp 11 Trường THPT Đông Sơn 1 (Thanh Hóa) băn khoăn.
Dành lời khuyên cho các bạn học sinh, Hà Thị Liên Thanh - du học sinh Đại học Daegu (Hàn Quốc) chia sẻ, trước khi đưa ra quyết định, các bạn cần trao đổi và bàn bạc rõ với gia đình. Bởi vì đi du học là tự lập, bản thân phải nghĩ đến việc tự chi trả chi phí sinh hoạt và học tập trong vài năm.
"Với du học sinh Hàn Quốc, một tháng ít nhất phải tiêu hết 10 triệu (bao gồm tiền nhà, tiền bảo hiểm điện nước ga, tiền xe bus, tiền ăn) - đó là mức chi phí cơ bản và chưa tính tiền học. Nếu bị gánh nặng kinh tế đè ép, rất dễ bỏ trốn rồi đi làm kiếm tiền. Vì vậy, việc vay mượn để đi du học cần cân nhắc kỹ lưỡng" - Liên Thanh nói.
Còn Lê Anh Tú - cựu sinh viên Đại học Ryuutsu Kagaku (Nhật Bản) cho rằng, du học là ước mơ của rất nhiều người và cũng có nhiều cách để đi du học. Trong trường hợp các bạn đã cố gắng hết mình nhưng vẫn không thể giành học bổng thì có thể nhờ bố mẹ vay ngân hàng. Tuy nhiên, cần chú ý đến số tiền vay là bao nhiêu, cách thức vay và lãi suất ra sao?
"Trong trường hợp vay 100% chi phí của khóa học thì phải cân nhắc kỹ lưỡng vì hiện nay lãi suất các ngân hàng cho vay tương đối cao. Ngoài ra, nhiều trường cũng tăng học phí theo năm. Như vậy, ngoài khoản chi trả tiền mượn và lãi suất hàng tháng, gia đình phải chuẩn bị các phương án khác nếu học phí gia tăng.
Tuy nhiên, nếu chỉ vay khoảng 30-50% chi phí của khóa học, sau 6 tháng học tiếng và có năng lực về tiếng, các bạn có thể đi làm thêm để trang trải cuộc sống và dành dụm trả khoản nợ đã vay" - Anh Tú chia sẻ.
Nỗ lực giành học bổng
Chia sẻ với học sinh về vấn đề trên, cô Hoàng Thị Hồng Ngọc - giáo viên khoa Tiếng Hàn - Trường Cao đẳng Bắc Hà cho biết, bố mẹ nào cũng muốn con có cuộc sống tốt đẹp, có môi trường học tập tốt nhất. Vì vậy, nhiều gia đình sẵn sàng chạy vạy cho con đi học.
"Ví dụ Chính phủ Hàn Quốc vẫn tạo điều kiện cho du học sinh sau 6 tháng theo học, có năng lực tiếng Hàn là được đi làm thêm. Giá trị lương khá cao nên các bạn có thể vừa học vừa làm để trang trải cuộc sống và có tiền gửi về cho bố mẹ trả nợ. Theo đó, công việc và giờ làm phải đảm bảo quy định của pháp luật" - cô Ngọc lấy ví dụ.
Ngoài ra, hiện Chính phủ nào cũng có chính sách ưu tiên dành cho du học sinh để khuyến khích, động viên các em. Vì vậy, các em có thể nỗ lực giành học bổng để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình.
"Để giành được học bổng, bên cạnh việc chú trọng vào kết quả học tập và năng lực tiếng, các bạn cần tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Đồng thời, rèn tính trách nhiệm, sự nhiệt huyết và năng động" - cô Ngọc lưu ý.
Dành lời khuyên cho học sinh có ý định "săn" học bổng đi du học, ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Công ty TNHH tư vấn và đào tạo Quốc tế IES cho biết, học bổng du học thường được các tổ chức giáo dục hoặc Chính phủ đưa ra với số lượng có giới hạn. Đặc biệt là những học bổng có giá trị cao, tính cạnh tranh sẽ càng lớn.
Vì vậy, các bạn cần chuẩn bị càng sớm càng tốt, tìm hiểu về các trường đại học và cơ hội học bổng phù hợp. Các bạn cần nỗ lực đạt thành tích tốt trong quá trình học tập, tham gia các hoạt động xã hội và có năng lực hòa nhập tốt.
"Việc săn được một suất học bổng du học sẽ giúp các bạn giảm thiểu được nhiều chi phí trong quá trình du học. Để làm được điều này, các bạn cần có kế hoạch từ sớm, ít nhất 2 năm trước khi định đi du học" - ông An lưu ý.
Quang Trang/laodong.vn
Tin cùng chuyên mục
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-