Người trẻ nhảy việc ngay năm đầu đi làm: Thay đổi để nhanh lớn?
Hiện nay, người trẻ có xu thế chuyển việc để tìm kiếm môi trường làm việc theo ý muốn. Ảnh: NVCC
Thậm chí trong vòng một năm, họ có thể chuyển nhiều công ty khác nhau. Chính “sở thích dịch chuyển” này đã khiến nhiều doanh nghiệp e ngại tuyển dụng người chưa có kinh nghiệm, mới ra trường.
Cần có cái nhìn bao dung
Chị Phùng Thị Nhâm (31 tuổi, làm việc tại Công ty cổ phần tập đoàn Waogroup) học ngành báo chí. Ngay sau khi ra trường, chị Nhâm ứng tuyển vào vị trí làm truyền thông cho một công ty nước ngoài.
Sau một năm làm việc được tiếp xúc với nhiều dự án liên quan đến kinh doanh và xuất nhập khẩu, chị Nhâm quyết định lấn sân mảng kinh doanh để thử sức và trải nghiệm.
“Công ty làm việc lúc đó, tôi không thể xin vào phòng kinh doanh bởi nó trái với ngành học, cộng thêm kinh nghiệm thực tế của tôi so với những người làm mảng kinh doanh rất thấp. Do đó, tôi quyết định thay đổi môi trường làm việc. Để có vị trí phù hợp như bây giờ, tôi đã phải chuyển đến hai công ty khác”, chị Nhâm chia sẻ.
Theo chị Nhâm, nhiều công ty ngại tuyển dụng người trẻ vì thấy xu thế nhảy việc quá nhiều. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận một thực tế là nhà tuyển dụng trả lương dựa trên năng lực. Người mới ra trường thì họ chấp nhận mức lương chưa có kinh nghiệm. Sau một thời gian làm việc, nhà tuyển dụng nếu không thay đổi chế độ đãi ngộ thì người lao động rời đi cũng là điều khó tránh khỏi.
“Một phương án mà nhà tuyển dụng chưa thực sự quan tâm lắm là người trẻ khi ổn định công việc họ sẽ phải xây dựng gia đình. Lúc này, thời gian của họ không chỉ còn là tập trung hoàn toàn cho công việc. Do đó, nhiều người sẽ phải đổi môi trường làm việc để phù hợp với cuộc sống mới”, chị Nhâm nói.
Tương tự, ông Giang Chí Thuận, nguyên Trưởng phòng Truyền thông - Thương hiệu, Tập đoàn Thiên Long (TPHCM) cho rằng: Nên có cái nhìn bao dung hơn đối với những người trẻ chuyển việc. Họ cần tìm một công việc thật sự phù hợp với năng lực bản thân trong từng thời điểm của cuộc đời. Vì vậy, họ sẽ tự điều chỉnh công việc theo nhu cầu.
Bên cạnh đó, nhiều công ty, doanh nghiệp rất e ngại tuyển dụng người chưa có kinh nghiệm, người mới tốt nghiệp ra trường. Bởi, nhiều người xem đó là việc trải nghiệm không phù hợp sẽ chuyển việc. Trong khi đó, các nhà tuyển dụng mất thời gian đào tạo.
Theo ông Giang Chí Thuận, thị trường lao động rất cạnh tranh nên các công ty tuyển dụng lo ngại nhân viên chuyển việc là điều tất yếu. Vì vậy để hạn chế tình trạng này, nhà tuyển dụng nên xây dựng chính sách chiêu mộ và giữ chân người tài.
Nhân sự giỏi luôn bị thu hút bởi những chính sách phát triển. Do đó khi nơi làm việc có những chính sách đãi ngộ tốt, môi trường làm việc phát triển được đam mê chắc chắn họ sẽ gắn bó lâu dài.
Ảnh minh họa ITN.
Đúng ở góc độ giáo dục
Từ những kinh nghiệm thực tế của mình, TS Đoàn Yên Thế - Trưởng khoa Cơ khí, Trường Đại học Thủy lợi nhận thấy, những trở ngại mà sinh viên mới ra trường tìm việc chính là tìm môi trường làm việc phù hợp. Nhiều bạn trẻ thiếu kỹ năng mềm để thích ứng với môi trường làm việc mới, không được định hướng hoặc không xác định được vị trí việc làm trước khi tốt nghiệp, không biết các doanh nghiệp cần gì ở mình. Trong suy nghĩ của nhiều sinh viên là tốt nghiệp ra trường rồi tính sau. Đây là lý do mà sau khi ra trường sinh viên rất bị động.
“Nhiều sinh viên năng lực rất tốt, nhưng môi trường làm việc không phù hợp hoặc mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống khiến họ không lựa chọn ở lại”, TS Đoàn Yên Thế nói.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhìn nhận một thực tế hiện nay là nhiều doanh nghiệp nhỏ, họ giảm chi phí tối đa. Vì vậy để có nhân sự làm việc, họ thường tuyển người mới ra trường, mức lương phải trả sẽ thấp hơn so với người có kinh nghiệm. Điều này dẫn đến hệ quả là khi những người mới có tay nghề, kinh nghiệm họ sẽ tìm kiếm cơ hội việc làm mới, có đãi ngộ tốt hơn, là điều tất yếu.
Từ thực tế đó, TS Đoàn Yên Thế đưa ra một số lưu ý mà doanh nghiệp cũng như người lao động cần quan tâm.
Doanh nghiệp cần xác định rõ định hướng phát triển, có tầm nhìn, chiến lược trong từng giai đoạn để xây dựng nguồn nhân lực phù hợp với mỗi giai đoạn.
Doanh nghiệp cần lưu ý, người lao động đã có kinh nghiệm cần đưa ra những chế độ đãi ngộ phù hợp. Chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc quyết định rất lớn đến việc giữ nhân lực.
Đối với người trẻ mới ra trường, cần xác định phải tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân. Vì vậy, người trẻ có môi trường để ứng dụng những kiến thức đã học trong trường vào thực tế. Lúc bắt đầu, người mới đi làm chưa nên đặt nặng vấn đề lương.
Để có đãi ngộ tốt, người mới đi làm cũng cần phải có thời gian cống hiến, chính vì vậy cần phải hòa nhập nhanh.
“Tôi luôn nhấn mạnh với sinh viên là khi có vị trí việc làm cần phải xác định hướng đi của từng giai đoạn sau khi tốt nghiệp, ví dụ: 3 năm, 5 năm, 10 năm để tránh lãng phí thời gian. Mỗi công ty sẽ có đòi hỏi khác nhau, do đó, sinh viên cần phải xây dựng kế hoạch, mục tiêu rõ ràng”, TS Đoàn Yên Thế nhấn mạnh.
Anphabe – một đơn vị trong lĩnh vực tuyển dụng, việc làm đã thực hiện một cuộc khảo sát với gần 14.000 sinh viên trên toàn quốc. Kết quả cho thấy có tới 62% các bạn trẻ nhảy việc ngay trong năm đầu tiên đi làm. Bên cạnh đó, nhiều gen Z còn nhảy việc nhiều lần trong cùng một năm.
Theo Đức Văn/ GD&TĐ
Tin cùng chuyên mục
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-