Chiến lược đào tạo của nhiều trường ĐH: Phải điều chỉnh vì tuyển sinh ế ẩm
Sinh viên nhập học năm 2024. Ảnh: Diệp An
Lèo tèo tuyển sinh ngành truyền thống
Trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường cho thấy những ngành vốn làm nên thương hiệu của trường hiện rất khó tuyển sinh. Ví dụ năm 2023, ngành Thủy văn chỉ tuyển được 13/40 chỉ tiêu với mức điểm chuẩn là 15/30 điểm (phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT); ngành Khí tượng và Khí hậu học tuyển sinh được 23/40 chỉ tiêu và điểm chuẩn là 15/30 điểm; ngành Kĩ thuật trắc địa - Bản đồ tuyển sinh được 1/10 chỉ tiêu và điểm chuẩn là 15/30 điểm; Quản lí Tài nguyên và Môi trường có 10 chỉ tiêu nhưng không có thí sinh nhập học; Quản lí Đất đai có 2/10 thí sinh nhập học.
Năm 2023, điểm chuẩn các ngành truyền thống của Trường ĐH Mỏ - Địa chất chỉ dao động 15 - 18 điểm như ngành Đá quý, đá mĩ nghệ (15/30 điểm); ngành Địa chất học, ngành Kĩ thuật Địa chất (16/30 điểm). Điểm chuẩn thấp, khó tuyển sinh là thực trạng của những ngành truyền thống này. Năm nay, điểm chuẩn tuyển sinh vào những ngành này chỉ 16/30 điểm.
Trong khi ngành Kĩ thuật điều khiển và Tự động hóa có điểm chuẩn cao nhất 24,5/30 điểm; 5 ngành khác từ 24 điểm trở lên cũng không có ngành nào thuộc nhóm ngành truyền thống của trường: Kĩ thuật cơ khí; Kĩ thuật ôtô; Kĩ thuật cơ điện tử; Kĩ thuật cơ khí động lực; Quản lý phát triển đô thị và Bất động sản.
Các ngành truyền thống của Học viện Nông nghiệp Việt Nam có điểm chuẩn dao động từ 16,5/30 điểm đến 19/30 điểm. Thế nhưng những ngành phi truyền thống, những ngành “hot” mới nổi thì điểm chuẩn ở mức cao từ 22,5 đến 25,25/30 điểm.
Những băn khoăn, thậm chí là e ngại của cử nhân khi tìm kiếm việc làm có thu nhập tốt sau khi ra trường khiến cho những ngành khoa học cơ bản như khoa học tự nhiên và khoa học xã hội rất khó để hấp dẫn sinh viên, chẳng hạn: Triết học, Khoa học giáo dục, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Toán và Thống kê...
Ngành Công nghệ kĩ thuật hạt nhân, Khoa Vật lí, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội nhiều năm nay chỉ đặt ra 40 chỉ tiêu nhưng vẫn không tuyển đủ. Như năm 2022 tuyển còn thiếu 6 em, năm 2023 thì thiếu 10 em. Mức điểm chuẩn của ngành này cũng cao vừa phải, như năm nay dự kiến 20,5-22 điểm.
Cùng chung cảnh ế ẩm không có người học là các ngành Nông - Lâm - Thủy sản. Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng chỉ tuyển được sinh viên bằng 1/3 số chỉ tiêu đề ra. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kết quả tuyển sinh năm 2023 cho thấy nhiều lĩnh vực có tỉ lệ thí sinh nhập học chiếm dưới 1%, thấp nhất là Dịch vụ xã hội (0,41%), Thú y (0,48%).
Các ngành Khoa học cơ bản như: Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Toán và Thống kê có tỷ lệ tuyển sinh ở mức 0,5 - 0,7%. Lĩnh vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản, Môi trường và Bảo vệ môi trường có trên 0,85% số thí sinh đăng kí.
Đáng chú ý, trong ba năm liên tiếp (từ 2020 - 2022), 4 lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực khó tuyển đủ người học nhất.
Chuyển đổi để phát triển
PGS.TS Hoàng Anh Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường khẳng định những trường ĐH đơn ngành truyền thống nếu không có sự chuyển hướng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhu cầu nhân lực của nhiều ngành truyền thống là có nhưng không thể tuyển sinh. Năm 2023, hội đồng trường này đã quyết định điều chỉnh mục tiêu, chiến lược thành cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và các sản phẩm khoa học, công nghệ phục vụ phát triển bền vững, an toàn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội đề xuất Nhà nước cần có chính sách để thu hút sinh viên và đãi ngộ cán bộ làm việc trong các ngành khoa học cơ bản. Từ đó, sinh viên thấy có tương lai, cơ hội để yên tâm lựa chọn học tập.
Tương tự, Trường ĐH Mỏ - Địa chất cũng đã thay đổi tầm nhìn từ năm 2020 để phù hợp với thực tiễn là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức - công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, trở thành đại học đa ngành định hướng nghiên cứu, có uy tín trong nước và quốc tế.
Ngoài việc khó tuyển sinh, nếu không điều chỉnh mục tiêu, các trường ĐH sẽ gặp khó khăn khi kiểm định và đầu tư.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, các ngành khoa học cơ bản chỉ chiếm khoảng trên 2% số lượng thí sinh lựa chọn cho thấy tâm lí của người học muốn học những ngành có cơ hội việc làm cao và đảm bảo cuộc sống.
Theo Nghiêm Huê/ Tiền Phong
Tin cùng chuyên mục
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-