Cuộc đua tuyển sinh theo xu hướng liên ngành

Thứ Tư, 21/02/2024 15:32 GMT +7
Mùa tuyển sinh 2024 chứng kiến xu hướng các trường đại học có thế mạnh kinh tế mở thêm ngành thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật.

Mùa tuyển sinh 2024 chứng kiến xu hướng các trường đại học có thế mạnh kinh tế mở thêm ngành thuộc lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật.

Sinh viên Đại học Kinh tế TP HCM trải nghiệm công nghệ thực tế ảo trong chương trình đào tạo. Ảnh: UEH

Các trường lý giải động thái này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong kỷ nguyên số.

Chạy đua mở ngành công nghệ

Mới đây, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) thông báo phương thức tuyển sinh bậc đại học hệ chính quy năm 2024 với 7.900 chỉ tiêu. Nhà trường mở mới 2 chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin: Công nghệ nghệ thuật (ArtTech), Điều khiển thông minh và tự động hóa.

Trước đó, UEH liên tiếp mở các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật như: Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Robot và Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Công nghệ logistics.

Đến nay, UEH có 56 chương trình đào tạo đại học thuộc 11 lĩnh vực, trải dài từ kinh doanh, kinh tế, quản lý, nhân văn đến công nghệ, thiết kế ứng dụng. Thông tin UEH mở 2 chương trình mới thuộc lĩnh vực công nghệ được nhiều thí sinh, phụ huynh chú ý bởi từ trước đến nay, trường này vốn có thế mạnh trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý.

Tương tự, Trường Đại học Ngoại thương cũng vừa công bố dự kiến mở ngành Khoa học máy tính - chương trình đào tạo Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu trong Kinh tế và Kinh doanh, tuyển sinh bắt đầu từ năm nay. Trong phương án tuyển sinh dự kiến, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM mở 6 ngành mới, trong đó có ngành Khoa học dữ liệu. Còn Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, vốn có thế mạnh lĩnh vực kinh doanh, xã hội cũng “lấn sân” sang lĩnh vực công nghệ với việc dự kiến tuyển sinh ngành Kỹ thuật phần mềm.

Ngoài ra, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) - một trong những trường đứng đầu trong lĩnh vực kinh tế - cũng dự kiến mở ngành Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin và Quan hệ lao động.

Hiện, NEU đào tạo 35 ngành trình độ đại học với 10 lĩnh vực: Kinh doanh và quản lý; Khoa học xã hội và hành vi; Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân; Môi trường và bảo vệ môi trường; Máy tính và công nghệ thông tin; Nhân văn; Báo chí và thông tin; Pháp luật; Quản lý công nghiệp; Nông, lâm nghiệp và thủy sản. Theo TS Lê Anh Đức - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, nếu phát triển thành công 5 ngành đào tạo trong lĩnh vực toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, nhà trường sẽ có thêm một lĩnh vực đào tạo nữa là toán và thống kê.

Nếu như các trường có thế mạnh ở khối kinh tế đẩy mạnh ngành thuộc khối công nghệ, ở chiều ngược lại, cơ sở vốn có thế mạnh lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật lại tuyển sinh một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Chẳng hạn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM lần đầu tuyển sinh ngành Tâm lý học giáo dục, trong tổng số 45 ngành đào tạo.

Theo PGS.TS Lê Hiếu Giang - Quyền Hiệu trưởng nhà trường, Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập và các trường chuyên biệt. Trong đó, sẽ có thêm một vị trí chuyên viên tư vấn tâm lý học đường. Do đó, ngành đào tạo này của trường phù hợp với những vị trí việc làm tư vấn tâm lý trong các trường học, đồng thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần của xã hội.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, tháng 1/2024. Ảnh: HCMUTE

Theo kịp xu hướng liên ngành

Lý giải cho việc mở 2 chương trình công nghệ trong mùa tuyển sinh năm 2024, đại diện Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, mục tiêu chính hướng tới thị trường nguồn nhân lực với những yêu cầu mới của kỷ nguyên số. TS Dong Su Yi - Phó Trưởng khoa Thiết kế - Truyền thông UEH cho biết, Công nghệ nghệ thuật (ArtTech) là sự giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ, kết hợp giữa tri thức của các nghệ sĩ và kỹ sư để tạo ra những tác phẩm sáng tạo.

Theo đó, các phương tiện truyền thống như hội họa, điêu khắc, âm nhạc truyền thống được kết hợp với công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và các công nghệ tiên tiến khác để tạo ra những trải nghiệm độc đáo và tinh tế. Theo đó, nghệ thuật và công nghệ được kết hợp sẽ mở rộng giới hạn của nghệ thuật truyền thống, tạo ra sáng tạo đột phá.

Với chương trình Điều khiển thông minh và tự động hóa (thuộc ngành Trí tuệ nhân tạo), PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh - Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác UEH nêu thực tế, Việt Nam là thị trường tiềm năng hàng đầu của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn.

“Ngành công nghiệp này không chỉ cần các kỹ sư chuyên về kỹ thuật, nghiên cứu và phát triển linh kiện, mà còn đòi hỏi ở họ khả năng vận hành lập trình hệ thống sản xuất tự động và thông minh, thấu hiểu nhà máy, dây chuyền, quy trình sản xuất và ứng dụng một cách sáng tạo để gia tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả một cách thông minh”, PGS Thịnh nói.

Do đó, nhà trường phát triển chuyên ngành học giao thoa giữa kỹ thuật, khoa học máy tính và công nghệ tự động hóa ứng dụng. Chương trình sẽ giúp sinh viên hiểu kỹ thuật, công nghệ và vận hành, quản trị sản xuất, từ đó, tạo ra các giải pháp ứng dụng công nghệ để làm cho một hệ thống trở nên tự động mà không cần sự can thiệp của con người.

Tại hội thảo lấy ý kiến về mở ngành Khoa học máy tính - chương trình đào tạo Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu trong Kinh tế và Kinh doanh hồi cuối tháng 1/2024, PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết, nhà trường đã chuẩn bị cho việc mở ngành này từ 3 năm trước.

Sau khi triển khai khảo sát và mở các chương trình vệ tinh thăm dò thị trường, trường nhận thấy nhu cầu từ phía người sử dụng lao động và người lao động rất lớn. Ngoài ra, theo PGS Hương, xu hướng của các trường hàng đầu thế giới hiện có sự liên ngành giữa kinh tế, kinh doanh và công nghệ rất mạnh mẽ. Trên thực tế, các trường đang phát triển mạnh các ngành khoa học công nghệ trong kinh tế, kinh doanh.

Phát triển thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường kinh tế mở rộng ra nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật. Khi lấy ý kiến về nhu cầu nguồn nhân lực các ngành đào tạo mới của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), TS Lê Anh Đức - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo nhà trường cho biết, NEU có tầm nhìn trở thành đại học theo định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực.

Với tầm nhìn, sứ mệnh này, trường xác định chiến lược đào tạo là phát triển mạnh các ngành thuộc lĩnh vực máy tính, công nghệ thông tin và tập trung vào định hướng chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh.

Theo Mạnh Tùng/ GD&TĐ