Nhiều thay đổi về tổ hợp môn tuyển sinh ĐH năm 2025
Bám sát sự thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số trường ĐH đã công bố định hướng tuyển sinh cho năm sau. Đáng chú ý trong đó là điều chỉnh về tổ hợp môn xét tuyển.
Thí sinh trúng tuyển ĐH nộp hồ sơ nhập học. Năm 2025, các trường sẽ mở ra nhiều tổ hợp môn xét tuyển mới.
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Phương thức tuyển sinh nào chủ đạo ?
Một số trường ĐH đã công bố dự kiến phương hướng tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2025. Trong đó, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 do Bộ GD-ĐT tổ chức vẫn là một căn cứ tuyển sinh của các trường này.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết năm 2025 trường định hướng giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm trước. Theo đó, trường xét tuyển theo nhiều phương thức mà chủ đạo từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Việc này nhằm tránh xáo trộn ảnh hưởng đến việc đăng ký xét tuyển của thí sinh (TS) vào trường năm tới.
Riêng phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, tiến sĩ Hạ cho biết trường sẽ điều chỉnh cách thức xét phù hợp với định hướng thay đổi của bài thi từ 2025. Cụ thể, theo định hướng bài thi này, TS được lựa chọn 3 trong số 6 nhóm môn bất kỳ trong phần 3 giải quyết vấn đề của bài thi. "Định hướng của trường khi xét tuyển kết quả bài thi này cũng dự kiến cho phép TS lựa chọn 3 môn thi thế mạnh bất kỳ để đạt điểm cao nhất khi xét tuyển vào trường. Trường dự kiến không giới hạn việc xét tuyển TS chỉ dự thi nhóm môn thi liên quan đến lĩnh vực khoa học xã hội khi xét tuyển phương thức này. TS có thể lựa chọn môn thi mình có thế mạnh nhất để dự thi lấy kết quả xét tuyển vào trường", tiến sĩ Hạ thông tin.
Theo phương hướng tuyển sinh ĐH hệ chính quy từ năm 2025, Trường ĐH Nha Trang xét tuyển theo 2 nhóm phương thức chủ đạo: kết hợp kết quả học tập THPT và kết quả đánh giá năng lực học tập ĐH. Cụ thể, phương thức xét kết quả học tập ở THPT, TS phải học ở THPT một số môn nhất định theo quy định của trường và kết quả học các môn này cần đạt yêu cầu tối thiểu do trường công bố hằng năm. Với đánh giá năng lực học tập ĐH, sẽ tập trung vào khả năng toán học (toán, suy luận logic và xử lý số liệu); ngôn ngữ (bao gồm tiếng Việt và tiếng Anh); khoa học (giải quyết vấn đề). Riêng phần khoa học, TS được lựa chọn phạm vi tương ứng với môn học đã học ở THPT và phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo theo quy định của trường.
Giải thích thêm về định hướng này, PGS-TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết bên cạnh việc xét tuyển dựa vào phương thức kết quả học bạ THPT, trường sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực học tập ĐH. Kết quả đánh giá năng lực học tập ĐH có thể từ điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu đề thi theo kiểu đánh giá năng lực. "Thực tế cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 Bộ GD-ĐT công bố đã có định hướng trên. Do đó, kết quả kỳ thi này vẫn được sử dụng để xét tuyển TS vào trường", PGS-TS Phương thông tin thêm.
Ngay từ tháng 7 năm nay, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng đã ban hành thông báo các phương thức tuyển sinh ĐH chính quy năm 2025. Theo đó, trường đưa ra 6 phương thức xét, trong đó có phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng là một trong những trường công bố sớm nhất phương hướng tuyển sinh ĐH chính quy năm 2025. Theo đó, trường giữ ổn định phương thức xét tuyển nhưng điều chỉnh chỉ tiêu từng phương thức. Trong đó, điểm thi tốt nghiệp THPT được sử dụng trong 2 phương thức: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025; kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của môn toán và 1 môn khác không phải tiếng Anh (thuộc phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh).
Bổ sung các tổ hợp có môn thi mới
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến công bố phương hướng tuyển sinh ĐH năm 2025 vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, định hướng của trường là nghiên cứu, rà soát lại các phương thức cho phù hợp, trong đó phù hợp với từng ngành chứ không áp đặt giống nhau cho tất cả các ngành. Việc này đã có những điều chỉnh trong kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường từ năm 2024 để làm căn cứ. Quan trọng không kém là việc rà soát, điều chỉnh các tổ hợp trong các phương thức có sử dụng tổ hợp để phù hợp với các môn học trong chương trình THPT học sinh đang theo học (môn bắt buộc, môn tự chọn) và các môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo phương án thi mà Bộ GD-ĐT đã ban hành.
36 tổ hợp môn xét tuyển. Nguồn: tuyensinhso.vn
"Ngoài các tổ hợp truyền thống, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ có bổ sung các tổ hợp phù hợp với các bài thi tự chọn mới như: tin học, công nghệ. Tinh thần chung mỗi tổ hợp xét tuyển vẫn gồm 3 môn, trong đó bắt buộc có toán hoặc ngữ văn", thạc sĩ Quốc chia sẻ thêm.
Chia sẻ về định hướng này, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cho biết Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM sẽ cân nhắc việc xây dựng các tổ hợp xét tuyển phù hợp với lựa chọn môn học của học sinh năm học tới. Theo định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm tới, TS chỉ thi 2 môn bắt buộc toán và ngữ văn, 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại. "Trường sẽ cố gắng giữ các tổ hợp môn truyền thống để không xáo trộn nhiều tới lựa chọn môn học của TS từ cách đó 3 năm trước, ví dụ như: C00 (văn, sử, địa); D01 (toán, văn, Anh); D14 (văn, sử, ngoại ngữ). Ba tổ hợp này được sử dụng để xét tuyển nhiều nhất vào các ngành của trường, dự kiến sẽ có trong tổ hợp môn xét tuyển năm 2025", tiến sĩ Hạ nêu ví dụ.
Dựa theo môn học ở THPT, Trường ĐH Nha Trang công bố danh mục 36 tổ hợp môn học tương ứng. Theo đó, tùy ngành học sẽ ứng với nhóm môn học khác nhau từ 2-5 môn học. Tương tự, với hình thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực học tập ĐH, trường cũng công bố phạm vi các lĩnh vực tương ứng cho mỗi ngành học. Trên cơ sở nhóm môn học và phạm vi đánh giá năng lực định hướng này, trường sẽ xây dựng các tổ hợp xét tuyển cụ thể trong phương án tuyển sinh chi tiết.
Trường ĐH Việt Đức cũng dự kiến cho phép TS tự do lựa chọn các môn học trong các nhóm ngành để đăng ký xét tuyển. TS không bị giới hạn trong việc chọn lựa các môn học, mà có thể linh hoạt tùy theo định hướng và sở thích của bản thân. Ví dụ, phương thức xét điểm học tập THPT, trường xét tuyển dựa trên điểm trung bình của 6 môn theo kết quả 3 năm THPT. Trong đó, các ngành kỹ thuật và công nghệ xét 4 môn bắt buộc (toán, lý, ngữ văn, ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn (từ các môn hóa, sinh, tin học, công nghệ, lịch sử và địa lý). Các ngành kinh tế và quản lý xét điểm trung bình 3 môn bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 3 môn tự chọn trong số các môn còn lại.
Theo công bố của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có 4 tổ hợp. Cụ thể gồm A00 (toán, lý, hóa); A01 (toán, lý, Anh); D01 (toán, văn, Anh) và D07 (toán, hóa, Anh) thay vì 9 tổ hợp như năm 2024.
Theo Hà Ánh/ TNO
Tin cùng chuyên mục
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-