Lo ngại sẽ không còn người học liên thông!

Thứ Sáu, 27/09/2024 11:18 GMT +7
Bộ GD-ĐT lần đầu tiên công bố dự thảo Nghị định quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhiều điểm mới của dự thảo liên quan trực tiếp đến người học, đang gây tranh cãi.

Trong đó, đáng chú ý là quy định thời gian tối đa được xét công nhận chuyển đổi khi học liên thông.

Dự thảo Nghị định liên thông quy định về thời gian được xét công nhận kết quả học tập gây lo ngại sẽ khó thu hút người học. MỸ QUYÊN

Kết quả chỉ được xét công nhận tối đa trong 5 năm

Theo dự thảo, người học sau khi tốt nghiệp và được cấp văn bằng, chứng chỉ xác nhận 1 bậc trình độ trong khung trình độ quốc gia VN có thể học tiếp các chương trình đào tạo ở cùng bậc trình độ hoặc các bậc thấp hơn. Đồng thời, người học có thể học tiếp hoặc liên thông từ cấp học hoặc trình độ đào tạo cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Điểm mới đáng chú ý của dự thảo liên quan đến thời gian xét công nhận kết quả học tập đã tích lũy trong liên thông. Cụ thể, người học có tối đa 5 năm để được xét công nhận kết quả học tập trong liên thông với các chương trình giáo dục được cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân; thời gian 2 năm với các chứng chỉ (trừ các chứng chỉ đã xác định thời hạn có giá trị sử dụng). Với các môn học, học phần, mô đun trong chương trình giáo dục được xác nhận bởi cơ sở giáo dục, người học có thời gian 3 năm để được công nhận kết quả khi học liên thông. Như vậy, với điểm mới này có thể hiểu, quá thời gian trên người học không được xét công nhận kết quả học tập đã tích lũy trong liên thông mà phải học lại từ đầu.

Không tổ chức lớp học liên thông riêng

Nguyên tắc công nhận kết quả học tập đã tích lũy trong liên thông cũng là nội dung đáng chú ý của dự thảo. Cụ thể, khối lượng học tập tối đa được công nhận chuyển đổi trong liên thông tùy theo bậc trình độ sẽ không vượt quá 25 - 50%.

Ngoài ra, điểm rất mới của dự thảo liên quan đến việc tuyển sinh liên thông. Theo ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), ĐH hiện nay chỉ có 3 hình thức đào tạo gồm: chính quy, vừa làm vừa học và từ xa. Trong luật không có hình thức đào tạo liên thông, chỉ tiêu liên thông nằm trong chỉ tiêu chung của cấp học, trình độ và lĩnh vực đào tạo, hình thức giáo dục tương ứng. Việc tổ chức đăng ký dự tuyển, tổ chức xét tuyển liên thông được thực hiện theo tiêu chí, điều kiện chung và bình đẳng như các đối tượng dự tuyển khác. Người học liên thông được đăng ký học tập theo kế hoạch chung, không tổ chức lớp học liên thông riêng.

Ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT). HÀ ÁNH

Đào tạo liên thông bị… "khai tử" ?

Trước dự thảo Nghị định được công bố, đại diện các trường ĐH có đào tạo liên thông có nhiều ý kiến góp ý.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng những quy định trong dự thảo Nghị định sẽ là "cú đấm thép" trong đào tạo liên thông nếu dự thảo đi vào thực tế. Điểm tích cực dễ nhận thấy nhất là sẽ nâng cao chất lượng đào tạo liên thông.

Nhưng ông Nhân dự đoán nếu dự thảo Nghị định này được ban hành, trong 5 năm tới quy mô đào tạo liên thông sẽ giảm xuống dưới 10.000, tức bằng 1/10 so với hiện nay và chỉ còn khối sư phạm và sức khỏe có thể đào tạo liên thông.

Ông Nhân nói tiếp: "Hiện, số lượng người học liên thông ít bởi việc vào ĐH dễ dàng hơn. Những người xác định học trung cấp, cao đẳng là muốn sớm đi làm và đa phần có việc làm tốt nên các em không có nhu cầu học lên ĐH. Ngoại trừ những trường hợp được cân nhắc bổ nhiệm vị trí quản lý thì buộc phải học liên thông để có điều kiện về bằng cấp nhằm bổ nhiệm".

Từ thực tế trường mình, ông Nhân cho biết hiện nay nhu cầu học liên thông rất ít, nhất là khối ngành công nghệ kỹ thuật. Nếu như dự thảo, các lớp liên thông được bố trí chung với sinh viên chính quy tập trung thì gần như sẽ không còn người học liên thông. Vì các lớp sinh viên chính quy tập trung tổ chức đào tạo ngày trong tuần, không dạy buổi tối hay cuối tuần. Trong khi đa số người học liên thông vừa học vừa làm để duy trì công việc. Giữa việc học và đi làm, chắc chắn họ phải chọn đi làm. Trong khi đó, cũng theo dự thảo không còn chỉ tiêu liên thông riêng, thì những trường ĐH tuyển sinh chính quy tốt sẽ khó có khả năng cắt bớt chỉ tiêu chính quy để dành tuyển liên thông. Từ đó, ông Nhân lo ngại việc đào tạo liên thông có thể bị "khai tử".

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng những quy định trong dự thảo Nghị định sẽ là "cú đấm thép" trong đào tạo liên thông. HÀ ÁNH

Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, đồng ý quy định không xác định chỉ tiêu liên thông riêng nhưng băn khoăn về quy định không tổ chức tuyển sinh liên thông riêng. Ông Hiển nói: "Đào tạo liên thông là từ trung cấp, cao đẳng lên ĐH hoặc giữa trường ĐH này và ĐH khác. Đối tượng là những người đã có bằng cấp, đang đi làm và các trường đang có phương thức tuyển sinh riêng phù hợp với người học. Nếu không được tuyển sinh riêng thì kế hoạch, phương thức tuyển sinh ra sao cũng nên để các trường chủ động".

Cũng theo ông Hiển, dự thảo quy định không được tổ chức lớp học liên thông riêng. Việc đào tạo liên thông thực hiện cùng một chương trình, tiêu chuẩn như đào tạo chính quy là đúng nhưng tùy theo điều kiện, nếu cơ sở đào tạo thấy cần tổ chức lớp học riêng cho đối tượng liên thông thì nên tạo điều kiện cho các cơ sở được thực hiện. 

Đề nghị bỏ việc quy định thời gian xét công nhận kết quả học tập

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo không chính quy Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đặt vấn đề: "Lâu nay, người tốt nghiệp ĐH 10 - 20 năm sau vẫn học thạc sĩ. Vậy cơ sở nào dự thảo đưa ra giới hạn văn bằng, chứng chỉ được xét công nhận trong thời hạn 2 - 5 năm khi học liên thông? Do đó, tôi đề nghị bỏ việc quy định thời gian xét công nhận kết quả học tập. Thay vào đó, nên để trường quyết định xem xét có công nhận bảng điểm môn nào và có nhận em đó học liên thông không. Vai trò của Bộ có thể xây dựng khung kiểm tra việc đào tạo của trường chất lượng hay không".

Đồng tình, bà Trương Thị Hoài Linh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tân Trào (Tuyên Quang), chia sẻ và đề nghị: "Dự thảo Nghị định đã giải quyết được một số khó khăn trong thực tế khi triển khai quy định đào tạo liên thông hiện hành. Tuy nhiên việc quy định thời gian xét công nhận kết quả học tập đã tích lũy sẽ gây khó khăn đối với người học liên thông ở những vùng miền núi. Các năm trước, người học tham gia tuyển sinh liên thông thuộc thế hệ 7X, 8X. Với dự thảo Nghị định này, họ sẽ phải học lại toàn bộ chương trình đào tạo, điều này sẽ gây khó cho họ. Do đó, tôi mong ban soạn thảo xem xét lại nội dung trên để tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội học tập nâng cao trình độ".

Cũng bày tỏ một số băn khoăn tương tự về dự thảo. Tiến sĩ Đỗ Hồng Đức, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Tây Bắc, cho rằng 5 năm là khoảng thời gian quá ngắn, trong thời gian đó người học không có điều kiện học liên thông thì phải học lại từ đầu. Các chứng chỉ chỉ có giá trị công nhận kết quả trong thời gian 2 năm cũng vậy. Ông Đức nêu ví dụ, sinh viên bậc CĐ học chứng chỉ giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất từ năm thứ nhất, sau khi học xong bậc CĐ thì đã qua năm thứ 3. Khi đó, việc xét miễn trừ các chứng chỉ này khi liên thông không được chấp nhận, sẽ khó khăn và tốn kém cho người học.

Về tỷ lệ % chương trình chuyển đổi, ông Đức lo ngại quy định mới khiến sinh viên có thể phải học liên thông dài hơn quy định hiện nay. Đại diện Trường ĐH Tây Bắc nêu ví dụ trường hợp một sinh viên học giáo dục mầm non bậc CĐ sau đó liên thông lên ĐH cùng ngành tại trường, với mức chuyển đổi không vượt quá 25% của dự thảo, sinh viên này cần thêm 3 năm nữa mới hoàn thành việc học liên thông ĐH.

Trước nhiều ý kiến liên quan đến quy định thời gian công nhận kết quả học tập liên thông, ông Phạm Như Nghệ cho hay sẽ nghiên cứu để có những điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế.

Theo Hà Ánh/Thanh niên