Khi thí sinh giỏi không chăm chăm chọn trường ĐH lớn
Những thí sinh này trở thành "ngôi sao" trong những buổi lễ khai giảng mới đây của rất nhiều trường ĐH ngoài công lập hay trường CĐ.
Đầu vào ngày càng chất lượng
Tham dự lễ khai giảng mới đây tại các trường ĐH ngoài công lập, khi thành tích của những thủ khoa đầu vào được xướng lên, nhiều người không khỏi bất ngờ và trầm trồ vì "siêu quá".
Tại lễ khai giảng của Trường ĐH Văn Lang sáng 30.10, không chỉ hàng ngàn tân sinh viên mà hàng trăm giảng viên của trường đều cảm thấy vô cùng ấn tượng với những cái tên: Phạm Thiên Dương, thủ khoa đầu vào khóa 28 với 55 điểm thi tốt nghiệp, điểm xét tuyển 27,75, là cựu học sinh THPT chuyên ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội, từng đạt rất nhiều giải thi vẽ; Lê Tuấn Đạt, giải khuyến khích môn tiếng Anh kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, huy chương đồng tiếng Anh Olympic 30.4 miền Nam, IELTS 8.0; Lê Thanh Phương Nghi, giải 3 học sinh giỏi môn lịch sử cấp TP, IELTS 8.0; Nguyễn Gia Linh, giải nhì học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh, IELTS 7.5...
Lễ khai giảng của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dường như cũng "rực rỡ" hơn khi xuất hiện nhiều "ngôi sao" đầu vào. Đó là Trần Thủy Tiên, thủ khoa đầu vào với kết quả thi tốt nghiệp 3 môn tổ hợp đạt 27,75 điểm (văn 9, sử 9,5, địa 9,25), hay Lê Thị Mỹ Tâm, á khoa với 27,45 điểm (văn 9, sử 9,25, tiếng Anh 9,2)…
Sinh viên nhập học tại một trường ĐH ngoài công lập. MỸ QUYÊN
Trong khi đó, Vũ Thị Thùy Linh, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai), quyết định đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn và trở thành thủ khoa đầu vào nhờ các thành tích đáng kể: điểm trúng tuyển tổ hợp D15 là 26,2, giải 3 môn địa lý kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 12, điểm tổng kết 3 năm học THPT lần lượt là 8,6 - 8,9 - 8,5, IELTS 7.5. Còn Trần Thanh Ngân, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Định (TP.HCM), nữ sinh thủ khoa đầu vào lên nhận học bổng toàn phần trong lễ khai giảng của Trường ĐH Văn Hiến thì có điểm trung bình chung là 9,6...
Bùi Chí Hào, quê ở H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, đạt 915 điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và Thái Quang Lộc (Đồng Phú, Bình Phước) có điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn xét tuyển là 26,1 nhưng cả 2 đã quyết định không học ĐH mà chọn học Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng. Cũng có điểm thi cao (25,55), Nguyễn Thị Kim Liên chọn ngành logistics của Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, còn Ngô Trọng Thoại, đạt 29,3 điểm học bạ, chọn Trường CĐ Công thương TP.HCM để theo học.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết: "Tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM trong 3 năm trở lại đây, thí sinh nhập học có mức điểm ngày càng cao. Chẳng hạn, năm 2020 thí sinh điểm từ 21 - 22 chiếm hơn 62% tổng số sinh viên nhập học, năm 2021 là hơn 68% và năm 2022 là hơn 70%. Số thí sinh đạt IELTS 6.0 trở lên trung bình hằng năm chiếm khoảng 15 - 20%, trong đó có rất nhiều em đạt 7.0, 8.0".
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cũng cho hay tỷ lệ sinh viên có điểm tổ hợp đầu vào trong tầm 25 - 27 ở trường là không hiếm. Trong đó có những em rất xuất sắc với thành tích nổi bật, đạt giải ở các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh và các cuộc thi Olympic...
Tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng, thông tin hằng năm trường có hàng trăm thí sinh điểm rất cao ở các phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ.
Doanh nghiệp không còn phân biệt khi tuyển dụng
Còn nhớ khoảng 5 - 7 năm trở về trước, các trường ĐH ngoài công lập rất khó khăn trong tuyển sinh. Nếu đạt mức điểm cao, tâm lý "trường công tốt hơn trường tư" khiến thí sinh và phụ huynh vẫn chọn các trường ĐH công lập làm nguyện vọng đầu tiên, chỉ khi nào không có khả năng trúng tuyển trường công lập mới "chấp nhận" học trường ngoài công lập. Một phần lý do khác là vì trường công học phí thấp hơn. Nhà tuyển dụng thời điểm đó cũng thường ưu tiên cử nhân các trường công lập trước...
Thế nhưng gần đây, nhiều trường ĐH công lập tự chủ có mức học phí "cao ngất ngưởng" không thua kém học phí trường ngoài công lập, thậm chí cao hơn nên thí sinh bắt đầu có sự cân nhắc. Trong khi đó, các trường ngoài công lập bắt đầu đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất cũng như chương trình đào tạo, giảng viên, môi trường học tập thay đổi tích cực, tốt nghiệp có việc làm... khiến cho khoảng cách giữa công - tư ngày càng thu hẹp, tâm lý người học dần thay đổi.
Khoảng cách giữa công - tư ngày càng thu hẹp, tâm lý người học cũng dần thay đổi khi chọn trường. ĐÀO NGỌC THẠCH
Thạc sĩ Cao Quảng Tư nhìn nhận: "Trường công lập hay trường ngoài công lập đều có những ưu thế nhất định. Riêng trường ngoài công lập có những điểm nhấn ấn tượng với thí sinh và phụ huynh như cơ sở vật chất được đầu tư mạnh, có nhiều chính sách thu hút đội ngũ giảng viên chất lượng cao, chế độ chăm sóc và hỗ trợ sinh viên hấp dẫn, tỷ lệ sinh viên từng lớp phù hợp đáp ứng được sự tương tác giữa người học với giảng viên hiệu quả…”.
Theo thạc sĩ Tư, tỷ lệ ra trường có việc làm cao cũng là một yếu tố hấp dẫn người học. “Thế hệ trẻ, đặc biệt là gen Z rất giỏi, năng động, tự tin, đặc biệt là trình độ tiếng Anh tốt và rất “siêu” công nghệ. Các trường ĐH ngoài công lập chỉ cần tạo ra một môi trường học tập tốt có thể khai phá, nuôi dưỡng và phát huy tối đa khả năng của các em, là sẽ thu hút được các em vào học”, thạc sĩ Tư chia sẻ
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên phân tích thêm: “Thực tế hiện nay, ranh giới trường công lập, tư thục không còn phân biệt quá rạch ròi như trước đây. Nhiều trường tư đã có sự đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, gắn kết với doanh nghiệp, trang bị cho sinh viên nhiều kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, ngoại ngữ…”.
Ngoài ra, thạc sĩ Nguyên cho rằng các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế hiện nay cũng không đặt nặng sinh viên tốt nghiệp ở trường công lập hay trường tư thục khi tuyển dụng.
Nhà tuyển dụng quan tâm năng lực và thái độ của ứng viên
Ông Trương Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty Festo VN, cho rằng đã rất lâu rồi khi tuyển dụng, bản thân doanh nghiệp đã không còn không phân biệt trường công lập hay ngoài công lập, ĐH hay CĐ.
"Khi tuyển dụng chúng tôi chỉ quan tâm năng lực và thái độ của ứng viên, không quan tâm học ở đâu. Thí sinh bây giờ chọn trường nào tốt, phù hợp, tốt nghiệp dễ tìm việc. Các trường ngoài công lập vận hành như một doanh nghiệp và trong bối cảnh này bắt buộc phải thay đổi để nâng cao chất lượng nên hiện tại có rất nhiều gia đình chọn ĐH ngoài công lập. Một số trường CĐ cũng rất "hút" thí sinh do các em tốt nghiệp là có việc làm ngay, nhất là nhóm ngành kỹ thuật", ông nhận định.
Ý kiến
“Em quyết định chọn trường ĐH ngoài công lập vì có ngành em yêu thích là thiết kế kỹ thuật số. Em thấy các trường ngoài công lập hiện nay có môi trường học tập, cơ sở vật chất rất tốt và doanh nghiệp cũng không còn phân biệt nên người học tụi em cũng không phân biệt khi chọn trường nữa”.
Phạm Thiên Dương (thủ khoa đầu vào Trường ĐH Văn Lang)
“Dù học ĐH công lập hay ngoài công lập thì muốn thành công cũng cần phải có thái độ học tập tốt, luôn luôn nỗ lực. Chọn cho mình một môi trường ĐH phù hợp và bản thân luôn cố gắng, với em đó là điều quan trọng nhất”.
Trần Thanh Ngân (thủ khoa đầu vào Trường ĐH Văn Hiến)
“Có điều kiện để học ĐH từ đầu cũng tốt nhưng đó không phải là con đường duy nhất. Nhà em có 3 chị em đang đi học, ba mẹ lại làm nông nên em chọn học CĐ để học phí rẻ hơn, lại nhanh tốt nghiệp đi làm. Nếu muốn, sau này em vẫn có thể học liên thông lên ĐH”.
Nguyễn Thị Kim Liên (thủ khoa đầu vào Trường CĐ Kinh tế đối ngoại)
Theo Mỹ Quyên/TNO
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-