Thi tốt nghiệp THPT: Cũ và mới trong đề văn cuối cùng chương trình GDPT 2006

Thứ Năm, 10/10/2024 15:23 GMT +7
Dù không mới, không có yếu tố bất ngờ nhưng đề ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng của Chương trình GDPT 2006 không khiến mọi người có suy nghĩ 'cho xong' mà vẫn có điểm hay, thú vị.

Đây là nhận xét của hầu hết giáo viên về đề thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Thí sinh trong phòng thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 diễn ra sáng qua. ĐÀO NGỌC THẠCH

Sự liên kết rất tinh tế

Thạc sĩ Võ Minh Nghĩa, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho hay nội dung phần đọc hiểu giàu chất văn, giàu giá trị giáo dục và đặc biệt là rất hay khi chạm được vào những triết lý của cuộc sống. Học sinh (HS) được dịp trăn trở và suy tư về sự tiếp nối giữa các thế hệ. Đề đọc hiểu có sự đồng bộ hóa với chủ đề của đoạn văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Theo thầy Nghĩa, điểm sáng và hay nhất của đề thi năm nay nằm ở chỗ HS sau khi làm đọc hiểu xong, với tư duy giữ gìn văn hóa của dòng chảy ngàn năm thì đến phần viết đoạn nghị luận xã hội lại là một sự bổ khuyết, tương hỗ cho chủ đề đó là tôn trọng cá tính của bản thân. "Nghĩa là chúng ta là sự kế thừa nhưng cũng phải là chính mình là sự khẳng định nhân vị của mình trong dòng chảy của lịch sử. Đây là sự liên kết rất tinh tế trong ý tứ của người ra đề", thầy Nghĩa phân tích.

Ở phần làm văn, vấn đề đặt ra việc tôn trọng cá tính trong câu nghị luận xã hội thú vị, vừa sức với thí sinh, phù hợp tâm lý lứa tuổi mới lớn đang muốn khẳng định mình. Vấn đề cũng có tính giáo dục cao, khá gần gũi, dễ hiểu.

Giáo viên Trương Đức, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), đã chỉ ra 5 điểm thú vị của đề thi "tưởng chừng đã cũ" trong bối cảnh của kỳ thi cuối cùng mà nội dung và kiến thức được biên soạn theo chương trình GDPT 2006. Theo thầy Đức, chủ đề của đề thi có sự thống nhất, nếu HS khá sẽ phát hiện ra và lấy đó làm điểm kết nối. Các phần trong đề thi luôn có tính bổ trợ.

Thầy Đức giải thích: "Phần đọc hiểu khẳng định tính kết nối và kế thừa để tạo nên giá trị bền vững. Mỗi cá nhân không thể tách rời với cộng đồng. Đến câu nghị luận xã hội lại đi một hướng khác, khẳng định cái tôi riêng biệt cần được tôn trọng. Điều này tưởng như mâu thuẫn với phần đọc hiểu nhưng lại là tư duy biện chứng. Câu hỏi này rất hay với tổng thể nội dung. Đặc biệt câu nghị luận văn học đã khơi dậy trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với đất nước qua bình diện văn hóa và địa lý. Phạm vi văn bản khá hay, vừa phù hợp với nội dung toàn bài thi vừa nêu được giá trị của yếu tố văn chương và giá trị của chất liệu văn học dân gian".

Thí sinh rạng rỡ sau khi thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. TUẤN MINH

Đảm bảo đúng yêu cầu của chương trình cũ

Nhận định về cách ra đề môn ngữ văn năm nay, cô Trịnh Thị Thu Tuyết, nguyên giáo viên ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho rằng: Nhìn chung, đề thi đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp THPT; cũng phù hợp với yêu cầu cho một kỳ thi cuối cùng của chương trình giáo dục ra đời cách đây gần 2 thập niên.

"Hai phần đọc hiểu và làm văn trong đề đều theo mô hình cơ bản từ kỳ thi năm 2017 đến nay với cấu trúc, kiểu dạng và mức độ nhận thức trong các câu hỏi không có những bất ngờ vốn luôn bao hàm sự mới mẻ với thí sinh, không làm khó nhưng cũng không đem tới nhiều sự hứng thú, yếu tố vốn không nên thiếu khi nói tới với văn chương. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản. Sự phân loại được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo", cô Tuyết nhận định.

Theo Bích Thanh - Tuyết Mai/ Thanh niên