Công nghệ sinh học - ngành nghề mũi nhọn của thời đại công nghệ cao
Ngành học gắn liền cuộc sống
Công nghệ sinh học là một ngành học có sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và sinh học nhằm tạo ra các sản phẩm công nghệ được ứng dụng để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Các sản phẩm của ngành công nghệ sinh học được ứng dụng trong đời sống như: sản xuất thuốc, thức ăn; điều chế và sản xuất hóa chất công nghiệp; phát triển giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ di truyền, xét nghiệm trong y khoa; giải quyết các vấn đề môi trường…
Hiểu đầy đủ hơn thì công nghệ sinh học là một lĩnh vực sinh học rộng lớn, liên quan đến việc sử dụng các hệ thống sống và sinh vật để phát triển hoặc tạo ra các sản phẩm. Tùy thuộc vào các công cụ và ứng dụng, nó thường trùng lặp với các lĩnh vực khoa học liên quan.
Vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, công nghệ sinh học đã được mở rộng, bao gồm các ngành khoa học mới và đa dạng, như: genomics, kỹ thuật gen tái tổ hợp, miễn dịch học, phát triển các liệu pháp dược phẩm và xét nghiệm chẩn đoán.
Thế kỷ 21 được gọi là thế kỷ của công nghệ sinh học bởi các nước trên thế giới đua nhau đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn này. Theo các chuyên gia, ngành công nghệ sinh học trên thế giới được dự báo sẽ có mức tăng trưởng khá cao, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng vai trò dẫn đầu quốc tế với mức tăng cao nhất là 9%, tập trung ứng dụng vào 3 lĩnh vực chính giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống con người là nông nghiệp, dược học và y học.
Ngày càng nhiều học sinh tìm hiểu về ngành công nghệ sinh học. Ảnh: Nam Du
Trong nông nghiệp, công nghệ sinh học được nghiên cứu để ứng dụng trong việc ứng dụng công nghệ vi sinh nhằm cải thiện hệ thống tiêu hóa, nâng cao năng suất vật nuôi hay phát triển các giống cây trồng biến đổi gen, tăng sức đề kháng của cây đối với sâu bệnh và cỏ dại,… góp phần mang đến cơ hội tiếp cận nguồn thực phẩm phong phú, bổ dưỡng, thu nhập cao hơn cho người dân cũng như bảo vệ môi trường đất, nước nhờ việc giảm sử dụng thuốc trừ sâu và các chất hóa học.
Trong dược học, việc nghiên cứu, chủ động sản xuất vaccine giúp tăng cường khả năng miễn dịch của con người chống lại các tác nhân gây bệnh nguy hiểm như SARS, cúm gia cầm, virus viêm gan…, hay các chế phẩm sinh học hỗ trợ điều trị bệnh chính là những thành tựu của công nghệ sinh học trong lĩnh vực dược học.
Nổi bật nhất là các loại dược phẩm có nguồn gốc từ dược liệu thiên nhiên trong nước như cao dây thìa canh giúp kiểm soát đái tháo đường, chiết xuất hạt cần tây trong hỗ trợ điều trị bệnh gút, tỏi đen với công dụng giảm cholesterol và mỡ máu…
Không những vậy, công nghệ sinh học còn được ứng dụng trong lĩnh vực y học nhằm hỗ trợ trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý như nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật xét nghiệm hệ gen trong cơ thể con người giúp chẩn đoán sớm và tư vấn về bệnh di truyền trước sinh; kết hợp với nghiên cứu công nghệ tế bào gốc và các ứng dụng trong dược học nhằm hỗ trợ hiệu quả trong điều trị ung thư, giảm chi phí và kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân.
Tại Việt Nam, ngành công nghệ sinh học cũng nằm trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ từ nay cho đến năm 2030, nhằm ứng dụng vào các lĩnh vực như y dược, nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe để chẩn đoán, điều trị các bệnh nguy hiểm, bệnh mới, ứng dụng công nghệ tế bào gốc; sản xuất vaccine, dược phẩm; tạo ra các sản phẩm sinh học phục vụ trong chế biến thực phẩm, chăn nuôi,…; tạo các giống cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản có năng suất, chất lượng và giá trị cao.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đang hoạt hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học đang có nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều tập đoàn, công ty ở các lĩnh vực công nghệ khác trên thế giới cũng đã và đang triển khai các dự án đầu tư có liên quan đến công nghệ sinh học. Do đó, thị trường lao động của ngành này luôn tiềm năng và có tính cạnh tranh cao.
Mở ra sự phát triển bền vững
Hiện trên cả nước có nhiều cơ sở đào tạo ngành công nghệ sinh học. Nếu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, các tổ hợp tuyển sinh ngành công nghệ sinh học thường là: A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, tiếng Anh), A02 (toán, lý, sinh), B00 (toán, hóa, sinh). Mỗi trường sẽ có những thế mạnh và định hướng đào tạo khác nhau.
Tuy nhiên, để chọn được một ngôi trường phù hợp cho tương lai, thí sinh cần chú ý đến những thông tin cơ bản như chương trình đào tạo; chất lượng giảng viên; các cơ hội thực tập - nghề nghiệp tại trường, cơ sở vật chất cũng như mức học phí,... để có thể cân nhắc và lựa chọn.
Thông thường, ngành công nghệ sinh học tại các trường đại học sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, những kiến thức cơ bản về các nguyên lý và quá trình sinh học, về sinh học thực nghiệm, các phương pháp thu thập mẫu, đo đạc và tổng hợp, phân tích các số liệu, sử dụng các phương pháp thí nghiệm hiện đại của công nghệ sinh học.
Ngành học này cũng giúp sinh viên tiếp cận những trang thiết bị máy móc phục vụ nghiên cứu khoa học và kỹ năng thực hành, đồng thời giúp cho sinh viên khả năng tư duy sáng tạo, phương pháp tiếp cận khoa học, hình thành và phát triển tư duy nghiên cứu và làm việc độc lập, có khả năng ứng dụng công nghệ sinh học vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội.
Với trình độ đại học, ngành công nghệ sinh học thường được phân thành các chuyên ngành tùy theo mục đích ứng dụng: công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp, ứng dụng trong thực phẩm, ứng dụng trong môi trường. Ngoài khối lượng kiến thức nền tảng về lĩnh vực sinh học, kỹ thuật và công nghệ, các chuyên ngành này còn được trang bị những kiến thức chuyên sâu về sinh học thực nghiệm, sinh học phân tử, công nghệ lên men vi sinh vật, kỹ thuật nuôi cấy mô thực vật ứng dụng, công nghệ sản xuất sinh dược phẩm…
Sinh viên khi tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học có đủ năng lực làm việc tại các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý, các khu chế xuất, các khu công nghiệp tập trung, các công ty liên doanh, các bệnh viện, các cơ sở sản xuất và kinh doanh liên quan đến sinh học và công nghệ sinh học; giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, THPT hoặc tiếp tục học lên bậc thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước.
Để tự tin nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn này, song song với kiến thức chuyên ngành, việc trang bị thêm những kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm và nâng cao trình độ ngoại ngữ là yêu cầu không thể thiếu đối với sinh viên ngành công nghệ sinh học.
Công nghệ sinh học không chỉ là một lĩnh vực nghiên cứu mà còn là cánh cửa mở ra sự phát triển bền vững của xã hội và bảo vệ môi trường. Sự kết hợp giữa sức sáng tạo với kiến thức khoa học; giữa công nghệ và sinh học sẽ là từ khóa mà mỗi học sinh cần nắm được trước khi đến với ngành công nghệ sinh học.
Các chuyên gia khẳng định: sự phát triển của đời sống và sản xuất công nghiệp sẽ kéo theo sự gia tăng các vấn đề về môi trường, thực phẩm, nông nghiệp... Bởi thế, ngành công nghệ sinh học đã trở thành một trong những ngành nghề mũi nhọn của thời đại công nghệ cao.
Theo Nam Du/ Kinhtedothi
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-