“Cùng bạn quyết định tương lai” Tiền Giang: Ngành học mới cơ hội việc làm ra sao?
Cần nhiều nhân lực
Những năm gần đây, bên cạnh những ngành đào tạo truyền thống, nhiều trường ĐH, CĐ còn mở thêm ngành mới phù hợp với nhu cầu xã hội. Điển hình như Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM, hiện nhà trường có ngành đào tạo đặc biệt là ngành thu mua. Thông tin rõ hơn về ngành này, TS. Lê Ngoc Trung - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM chia sẻ, chúng ta thường nghe những người trong kinh doanh hay chúc nhau “mua mau bán đắt”, muốn bán được hàng nhanh, nhiều lợi nhuận chúng ta phải mua được hàng tốt. Đó cũng là nhiệm vụ quan trọng của ngành thu mua. Vì vậy hầu như các công ty, doanh nghiệp lớn đều thành lập bộ phận thu mua, từ đó dẫn đến nhu cầu nhân lực của ngành thu mua trong thời gian qua cao. Theo dự báo, từ nay đến năm 2026-2027 xã hội cần khoảng 300.000 nhân lực ngành thu mua. Đây là tín hiệu tốt cho sinh viên học ngành này. “Tính đến hiện nay, chỉ có trường chúng tôi đào tạo ngành thu mua. Khi học ngành này, sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức, kỹ năng. Chúng tôi hứa hẹn sẽ là địa chỉ đáng tin cậy để cung cấp nguồn nhân lực cho Việt Nam”, TS. Trung chia sẻ.
Tương tự, giải đáp thắc mắc: “Ngành kỹ nghệ gỗ và nội thất có phù hợp với nữ không? Cơ hội việc làm của ngành này ra sao?”. TS. Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho hay, ngành kỹ nghệ gỗ và nội thất vật liệu đầu vào là gỗ. Hiện nay gỗ xuất khẩu đứng thứ nhất Đông Nam Á và thứ năm trên thế giới do đó nhu cầu nhân lực của ngành này rất lớn. Ngành kỹ nghệ gỗ và nội thất nam hay nữ đều học được. “Hiện hồ sơ nộp vào ngành này ít nên khả năng trúng tuyển cao. Muốn học ngành này, các em nên tranh thủ xét tuyển vào trường để được hưởng những chính sách học bổng”, TS. Thưởng lưu ý.
Đảm bảo việc làm
Trả lời câu hỏi cho học sinh về ngành marketing và truyền thông đa phương tiện, ThS. Nguyễn Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) cho biết, hai ngành có điểm giống nhau nhưng cũng khác nhau. Giống là hai ngành đều hướng đến mục đích là đưa sản phẩm của công ty, doanh nghiệp đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, điểm khác nhau là marketing đào tạo về nghiên cứu thị trường, chiến lược gia, chiến lược kinh doanh, chăm sóc khách hàng. Trong khi đó ngành truyền thông đa phương tiện liên quan đến việc sáng tạo nội dung, mỹ thuật, truyền thông, quảng cáo. Xã hội ngày nay, nhóm ngành truyền thông chiếm phần lớn trong thị trường. Các công ty, doanh nghiệp đều muốn đưa sản phẩm đến công chúng thông qua truyền thông. “Học sinh xác định bản thân muốn làm việc trong lĩnh vực nào. Từ đó, các em có sự lựa chọn phù hợp, tránh trường hợp chuyển ngành”, ThS. Thạch chia sẻ.
Em đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm ngành tài chính ngân hàng vào Trường ĐH Công thương TP.HCM. Vậy lợi thế của em khi học ngành này ở trường là gì?” - học sinh Kim Anh (Cái Bè, Tiền Giang) hỏi. TS. Nguyễn Văn Khả - Phó Giám đốc Tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM giải đáp: với phương châm “không để sinh viên bị bỏ lại phía sau” do đó ngoài chính sách của nhà nước, hằng năm nhà trường dành khoảng 43 tỷ đồng hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Những trường hợp đặc biệt, chúng tôi sẽ hỗ trợ “trọn gói” nếu các em đáp ứng một số điều kiện trong học tập. Lợi thế của sinh viên khi học tại trường là cam kết việc làm cho các em. “Trong thời buổi hiện nay mặc dù kinh tế khó khăn nhưng nguồn nhân lực về tài chính ngân hàng đang thiếu, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó trường cũng đang liên kết với một số ngan hàng uy tín nhằm đảm bảo việc làm cho các em nên hãy an tâm lựa chọn ngành học này”, TS. Khả cam kết.
Thông tin về ngành công nghệ ô tô, ThS. Nguyễn Quốc Huy - Phó Ban tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết, ngành này nhiều thí sinh quan tâm vì hiện ngành ô tô đang phát triển ở Việt Nam. Đây là ngành đào tạo gắn liền với thực tiễn. Ngay năm học đầu tiên các em được đến doanh nghiệp thực tập, tìm hiểu về ngành nghề. Bên cạnh đó, trường có xưởng ô tô đầu tư trong giảng dạy để sinh viên tích lũy kinh nghiệm. Năm học cuối, các em sẽ được thực tập tại doanh nghiệp. Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức những hoạt động, talkshow cho sinh viên nhóm ngành công nghệ tham gia. Điều này giúp sinh viên tích lũy được kỹ năng, kinh nghiệm để ra trường có việc làm như mong muốn”, ThS. Huy chia sẻ.
Nói về vấn đề ưu tiên tuyển sinh, TS. Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên PGĐ ĐHQG TP.HCM cho hay, việc ưu tiên tuyển sinh tác động nhiều đến học sinh, đặc biệt là học sinh tỉnh Tiền Giang thuộc khu vực nông thôn (khu vực 2), thậm chí có nhiều huyện, xã thuộc khu vực 1. Có 2 điểm chú ý trong ưu tiên tuyển sinh: Thứ nhất, ưu tiên khu vực. Theo quy định, thí sinh chỉ được hưởng ưu tiên khu vực trong 2 năm liên tiếp, tính từ năm tốt nghiệp. Đối với thí sinh tốt nghiệp từ 2022 về trước năm nay tiếp tục xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ sẽ không được ưu tiên nữa. Các em tốt nghiệp trong năm 2023 và năm 2024 này mới được tính điểm ưu tiên khu vực. Thứ hai, thí sinh có tổng điểm 3 môn xét tuyển từ 22,5 điểm trở lên, điểm ưu tiên tuyển sinh sẽ giảm dần, tránh trường hợp thí sinh có điểm xét tuyển quá cao.
Linh Đan
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-