“Cùng bạn quyết định tương lai” tỉnh Đồng Nai: Thí sinh cần nắm kỹ thông tin xét tuyển ĐH, CĐ

Thứ Hai, 30/09/2024 10:06 GMT +7
Đây là lưu ý của các chuyên gia trong chương trình tư vấn, xét tuyển ĐH-CĐ 2024 “Cùng bạn quyết định tương lai” diễn ra tại tỉnh Đồng Nai mới đây. Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Đài phát thanh và Truyền hình Đồng Nai, Trang thông tin tuyensinhhuongnghiep.vn thực hiện với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.

Nhiều cơ hội vào ĐH-CĐ

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 đã khép lại. Đây là giai đoạn các trường ĐH công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm cũng như các phương thức xét tuyển dựa vào kết của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Để các em học sinh nắm rõ thông tin, các chuyên gia đã lưu ý một số vấn đề quan trọng.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM - thông tin, Bộ GD-ĐT đánh giá kỳ thi diễn ra an toàn, đề thi vừa sức, thí sinh có thể sử dụng kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ. Theo dự kiến, kỳ thi còn khâu cuối và kết quả sẽ công bố vào ngày 17-7 tới và với tình hình của kỳ thi tốt nghiệp THPT đặc biệt năm nay - kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh để tỉ lệ thí sinh được giữ ổn định như những năm trước để từ 2025 trở đi kỳ thi này được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Năm 2023, tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp THPT của tỉnh Đồng Nai khá cao, trên 97%, do đó chúng tôi dự đoán năm nay tỉ lệ học sinh cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng không dưới 90%”, TS. Nghĩa nhận định.

Theo TS. Lê Ngoc Trung - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, đối với các trường CĐ nói chung và Trường CĐ Kinh tế đối ngoại nói riêng khi thí sinh đăng ký xét tuyển không phải đăng ký trên website chung của Bộ GD-ĐT mà đăng ký trực tiếp với trường. Do vậy, thí sinh có thể đăng ký cùng lúc vào nhiều trường CĐ và một trường ĐH. Việc lựa chọn trường cũng như các ngành nghề phù hợp là do các em tự quyết định.

“Trường chúng tôi có lịch sử đào tạo trên 50 năm, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm hằng năm trên 90%. Khi đăng ký xét tuyển vào trường, thí sinh có thể dùng 2 phương thức: Học bạ và dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Năm 2024, nhà trường tuyển sinh 16 ngành với khoảng 4.000 chỉ tiêu, thời gian nhận hồ sơ đến hết 31-7. Hầu hết các ngành đều đang cần nguồn nhân lực cao như: Xuất nhập khẩu; quản lý điện tử; tài chính; kế toán… trong đó có 3 ngành được nhiều sinh viên quan tâm đó là ngành kế toán số; công nghệ tài chính và thu mua”, TS. Trung cho biết.

ThS. Phạm Doãn Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cho hay, năm 2024 nhà trường tuyển sinh 36 ngành với 4 phương thức: Dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT; dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM; xét tuyển học bạ theo tổ hợp môn; xét học bạ 3 học kỳ. Riêng phương thức xét tuyển sớm nhà trường nhận hồ sơ đến 9-7.

“Dù có nhiều phương thức nhưng khi thí sinh trúng tuyển đều học như nhau, không có sự phân biệt. Quan trọng là các em tìm hiểu trường, ngành nghề để sau này tăng giá trị hành nghề”, ThS. Nguyên chia sẻ.

TS. Bùi Hồng Đăng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công thương TP.HCM nhấn mạnh, Đồng Nai là tỉnh có đông sinh viên đang học ở trường. Năm nay nhà trường tuyển sinh theo đề án tuyển sinh 2023 và tuyển sinh 34 ngành với 7.000 chỉ tiêu, trong đó phương thức xét tuyển sớm chiếm khoảng 40% chỉ tiêu. Đây là cơ hội để sinh viên lựa chọn ngành học của trường.

Yêu cầu cao đối với nhóm ngành sức khỏe

Thầy Trần Minh Huy - Phòng Truyền thông Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, nhóm ngành sức khỏe là ngành mũi nhọn của trường. Hiện tại nhà trường đào tạo các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe như: Y khoa, dược học, điều dưỡng, kỷ thuật xét nghiệm, quản lý bệnh viện, kỹ thuật phục hồi chức năng.

“Năm 2024 trường mở thêm hai ngành: Ngành Răng hàm mặt và Y học cổ truyền. Đối với thí sinh xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ cần chọn đúng tổ hợp môn và đúng ngành nghề mà mình đăng ký. Đặc biệt, thí sinh xét tuyển học bạ phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT. Cụ thể ngành Y khoa, Dược học điểm trung bình năm lớp 12 phải loại giỏi, các ngành còn lại chỉ cần đạt loại khá” - thầy Huy cho biết.

Thông tin cụ thể về điểm chuẩn của phương thức dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM đối với ngành sức khỏe, ThS. Nguyễn Tuệ Đăng - Phó ban tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM lưu ý, năm nay điểm chuẩn của ngành Dược là 900 điểm. Các ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học hay Công nghệ thông tin, Truyền thông đa phương tiện là 750 điểm. Ngoài ra, những ngành như Công nghệ kỹ thuật ô tô, Marketing, logistics và quản lỹ chuỗi cung ứng, Thiết kế đồ họa là 700 điểm, các ngành còn lại là 650 điểm.

Nhấn mạnh về ngành Dược, ThS. Tuệ Đăng chia sẻ: “Đây là ngành nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực như quá trình trao đổi giữa thuốc với cơ thể; nghiên cứu cách vận dụng thuốc trong quá trình chữa bệnh; sản xuất, nghiên cứu lưu thông các loại thuốc… Để học được ngành này, sinh viên phải học tốt hai môn học nền tảng là Hóa, Sinh. Khi học tốt hai môn này các em sẽ học tốt nhiều môn học liên quan đến ngành Dược”.

Linh Đan