Ôn thi tốt nghiệp THPT theo 2 giai đoạn

Thứ Tư, 02/10/2024 15:05 GMT +7
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023, các trường THPT tại TP.HCM đều tổ chức cuộc họp hội đồng sư phạm, tổ trưởng tổ chuyên môn để triển khai cụ thể kế hoạch hoàn thành chương trình và ôn thi tốt nghiệp cho học sinh (HS) cuối cấp.

Ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho hay ngay sau khi Bộ công bố lịch thi tốt nghiệp THPT, hội đồng sư phạm nhà trường đã họp và thống nhất kế hoạch ôn tập dành cho HS lớp 12 thực hiện theo 2 giai đoạn. Theo đó, sau khi hoàn tất chương trình và kiểm tra học kỳ 2, HS và giáo viên (GV) sẽ bước vào giai đoạn ôn tập đầu tiên từ ngày 4 - 27.5.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế VInh (TP.HCM) giải thử đề thi tham khảo môn toán thi tốt nghiệp THPT 2023. ĐÀO NGỌC THẠCH

Thời gian này, ngoài việc ôn tập, hệ thống kiến thức bám sát với cấu trúc đề tham khảo Bộ công bố vừa qua, nhà trường còn đề nghị GV bổ sung kiến thức, định hướng và kỹ năng cho đợt 2 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Việc làm này hỗ trợ cho những HS chưa tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 hoặc muốn cải thiện số điểm ở đợt 2 nhằm hướng đến mục tiêu xét tuyển vào những trường, những ngành mà mình mong muốn có sử dụng kết quả bài thi này.

Kết thúc giai đoạn 1 của kế hoạch ôn tập cũng là thời điểm năm học kết thúc, HS sẽ bước vào giai đoạn 2 ôn tập theo hình thức tự nguyện từ ngày 1.6. Nhà trường vận động HS vào trường ôn tập cùng GV và bạn bè để hệ thống kiến thức, duy trì nền nếp học tập cho đến khoảng ngày 20.6, trước khi tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nói về kế hoạch ôn tập cho HS chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè, TP.HCM), chia sẻ xuất phát từ thực tế mặt bằng chung năng lực của HS, trong năm học, ngoài việc hoàn thành chương trình nhà trường đều tổ chức theo hình thức vừa học vừa củng cố kiến thức. Đặc biệt, những HS còn yếu thì GV mở lớp phụ đạo để bổ sung lỗ hổng cho các em. Với những HS có năng lực học tập khá, giỏi, ngoài dạy kiến thức cơ bản, trường dành thời gian ôn tập kiến thức nâng cao để các em có thêm cơ hội xét tuyển vào những trường ĐH tốp trên.

"Sau ngày 23.5, khi kết thúc chương trình chính khóa, nhà trường sẽ tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT và kéo dài đến khoảng ngày 23.6. Trong thời gian này, khi đã có kết quả bài kiểm tra học kỳ, nhà trường sẽ xây dựng thời khóa biểu với số tiết cụ thể cho các môn thi bắt buộc và các môn thi thuộc bài thi tự chọn phù hợp với đăng ký của mỗi HS", ông Minh Bình cho biết.

Tương tự, kế hoạch ôn tập dành cho 600 HS lớp 12 của Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh) cũng chia thành 2 giai đoạn. Ông Lê Thanh Xuân, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5, bên cạnh việc hoàn tất chương trình các môn học, nhà trường bố trí tăng tiết các môn thi để hệ thống toàn diện kiến thức cho HS. Cũng trong thời gian này, do cuối tháng 5 là kết thúc năm học nên nhà trường sẽ xin ý kiến phụ huynh để tổ chức lớp ôn tập tự nguyện từ đầu tháng 6 cho đến trước ngày thi.

Ở giai đoạn 2 này, nhà trường sẽ căn cứ 9 môn thi và dựa vào kết quả bài kiểm tra học kỳ 2 của HS để phân chia lớp theo năng lực và bài thi tự chọn. Sở dĩ nhà trường tổ chức theo phương án như trên vì muốn khoảng thời gian còn lại sẽ tập trung vào đúng trọng tâm, đúng nhu cầu cũng như phù hợp trình độ của HS nhằm đạt hiệu quả tốt nhất. "Nếu để lớp tập trung nhiều trình độ khác nhau sẽ khiến HS khá giỏi ôn đi ôn lại kiến thức mình đã chắc, giảm động lực học tập. Chưa kể còn hạn chế và không thúc đẩy được năng lực để các em có thể xét tuyển vào trường tốp cao hơn. Và ngược lại, nếu cho HS trung bình ôn những kiến thức hơi vượt quá khả năng lại làm các em căng thẳng, áp lực nhiều hơn", thầy Xuân phân tích.

Theo Bảo Châu/TNO