Thi tốt nghiệp THPT 2023: Cách ôn tập nước rút hiệu quả
Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức vào ngày 28-29/6. Mỗi học sinh sẽ thực hiện 4 bài thi để xét tốt nghiệp và đăng ký tuyển sinh ĐH, cao đẳng gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.
Với bài thi môn Toán, cô Đặng Thị Ngọc Huệ, Trường THPT Đông Anh (Hà Nội), một trong những giáo viên được Sở GD&ĐT lựa chọn dạy ôn tập trên truyền hình cho học sinh, cho biết, các em chia thời gian hợp lý để hệ thống lại lý thuyết, các công thức và các dạng bài tập.
Học sinh ở mức trung bình, đặt mục tiêu đạt từ 5-8 điểm phải làm tốt từ câu 1 đến câu 35 trong đề minh họa và các đề ôn tập. Đầu tiên, học sinh cần phải nắm vững lý thuyết và kiến thức ở mức vận dụng thấp. Sau đó, các em chăm chỉ luyện đề, làm các dạng bài tập. Trên chương trình ôn tập nước rút cho học sinh qua truyền hình hiện nay, với môn Toán, Hà Nội đang chia làm 8 chủ đề gói gọn kiến thức cơ bản. Nếu học sinh bị đuối, hổng kiến thức mà học kỹ các chủ đề này thì có thể đạt mức 7 điểm.
Học sinh cần có phương pháp ôn tập nước rút hiệu quả
Với học sinh khá giỏi, mong muốn đạt mức điểm 8,5-10, thường phải làm tốt từ câu 35 trở lên. Đối tượng học sinh này trong quá trình học thường đã vững kiến thức cơ bản nên thời gian này cần tăng việc luyện đề. Tuy nhiên, khi luyện đề cũng nên lựa chọn các dạng đề chất lượng của giáo viên các trường. Khi làm nhiều đề, học sinh sẽ thấy có những chỗ mình còn thiếu, chưa quen để giải quyết một cách nhanh chóng. “Cuối cùng, điều quan trọng nhất, trước khi bước vào kỳ thi, học sinh vẫn phải nắm chắc kiến thức cơ bản. Đó là cốt lõi của vấn đề giải quyết các bài toán vận dụng cao”, cô Huệ nói.
Kỳ thi năm nay phương thức không thay đổi, Bộ GD&ĐT đã công bố đề minh họa để giáo viên, học sinh các trường THPT bám sát đề minh họa ôn luyện. Tuy nhiên, một số giáo viên vẫn cho rằng, chỉ nên nhìn vào cấu trúc của đề minh họa để biết các dạng đề, trên thực tế, đề thi thật có thể sẽ khó hơn.
Không để mất điểm phần cơ bản
Bài thi Ngữ văn có thời gian làm bài là 120 phút. Theo cấu trúc đề thi Ngữ văn những năm trước sẽ bao gồm 2 phần là đọc hiểu (3 điểm) và phần làm văn (7 điểm).
Theo các giáo viên, phần đọc hiểu, đề thường cho một đoạn trích ngoài sách giáo khoa và yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đa số học sinh sẽ làm được. Tuy nhiên, khi đi chấm thi, vẫn có một số em làm ẩu, vội vàng để mất điểm đáng tiếc. Cách lấy trọn 3 điểm ở phần này là học sinh ôn tập kỹ các phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thể thơ, biện pháp tu từ... Ngoài ra, học sinh cũng cần rèn kỹ năng phân loại các câu hỏi đọc hiểu và trả lời chính xác từng câu. Phần này, học sinh nên dành thời gian từ 15-20 phút để giải quyết.
Theo Bộ GD&ĐT, nội dung đề thi năm nay vẫn nằm trong chương trình THPT, chủ yếu kiến thức lớp 12. Đề thi năm nay sẽ có 75% câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 25% còn lại là câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hà, giáo viên cốt cán bộ môn Ngữ văn Trường THPT Tử Đà (Phú Thọ), cho biết, sau 2 lần kiểm tra khảo sát theo đề của Sở GD&ĐT, ở các lớp đều phân loại học sinh để ôn tập hiệu quả. Theo đó, sẽ xếp lớp nhóm học sinh ở mức trung bình, yếu và nhóm học sinh khá giỏi. Đối với học sinh trung bình, yếu, các em đang ở mức 3-4 điểm được ưu tiên phụ đạo và giáo viên đặt mục tiêu lên 5-6 điểm. Trong đó, các em phải nắm vững kiến thức cơ bản về thể loại, tác giả, tác phẩm và tập viết các đoạn văn ngắn, cách diễn đạt rõ ràng.
Với nhóm học sinh khá giỏi, đăng ký dự thi xét tuyển ĐH, ngoài kiến thức cơ bản, các em cần cập nhật kiến thức, thông tin thời sự, xã hội, có khả năng khái quát, mở rộng vấn đề và thể hiện quan điểm cá nhân riêng cũng như bài viết có liên hệ thực tiễn một cách sáng tạo. Để đạt được điều đó, không có cách nào khác, các em phải luyện viết và đọc thật nhiều. Nhất là phần Nghị luận văn học, chiếm số điểm cao nhất và học sinh phải ưu tiên thời gian làm bài.
Trong giai đoạn nước rút này, cô Hà khuyên học sinh tập làm các đề hoàn chỉnh để vừa ôn tập kiến thức cơ bản vừa rèn khả năng viết. “Điều quan trọng khi ôn thi là phân chia thời gian hợp lý, các em không cần thức quá khuya sẽ ảnh hưởng sức khỏe”, cô Hà nói.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), từng khuyên học sinh, muốn đạt kết quả cao, các em cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập từng môn, tránh bị rối. Đối với từng môn cụ thể, học sinh nên dựng đề cương dạng sơ đồ kiến thức từng chương, từng chủ đề. Cuối cùng, học sinh luyện tập hết các dạng bài tập từ mức độ thấp đến cao.
Theo Hà Linh/ TPO
Tin cùng chuyên mục
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-