Đại học không "nhàn", sinh viên choáng khi ngày nào cũng kiểm tra

Thứ Tư, 09/10/2024 11:14 GMT +7
"Em cảm thấy áp lực khi một môn học kéo dài suốt 5 tiết và ngày nào cũng phải làm bài kiểm tra vào cuối buổi. Có lẽ em vẫn chưa quen với cảm giác này", Minh Nhật, sinh viên tại TPHCM, nói.

Tập làm quen với trải nghiệm mới

Trong những ngày đầu tiếp xúc với giảng đường đại học, Minh Nhật, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG TPHCM) vẫn chưa quen với thói quen tự tìm hiểu, chủ động trong các hoạt động học tập, đăng ký tham dự hoạt động ngoại khóa. Nam sinh viên khá mông lung và thấy lạ lẫm vì cách học khác với cấp ba.

Sinh viên "thất thần" vì học 1 môn 5 tiết, ngày nào cũng làm kiểm tra (Ảnh minh họa: Huyền Trân).

"Em rất bất ngờ vì dù đăng ký vào khối ngành xã hội nhưng vẫn phải học các môn tính toán, cụ thể là môn thống kê. Dù chỉ mới học vài buổi nhưng em thấy rõ khối lượng kiến thức khá nặng, về nhà còn phải nghiên cứu thông tin, làm bài tập thêm", Nhật chia sẻ.

Nam sinh viên tâm sự, việc phải làm bài kiểm tra vào cuối buổi hay học một môn suốt 5 tiết mà chỉ nghỉ giải lao 15 phút cũng khiến mình áp lực.

"15 phút giải lao nếu tranh thủ vẫn có thể ăn uống, tạm nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu hàng quán quá đông, phải xếp hàng dài thì em đành nhịn", Nhật nói.

Theo nam sinh, câu nói "lên đại học nhàn lắm" chỉ đúng khi bản thân sinh viên đã quen với "nhịp" học và sắp xếp thời gian biểu hợp lý. Ngoài giờ học trên lớp, Nhật còn dự định tham gia câu lạc bộ, các buổi tọa đàm và hoạt động ngoại khóa để hòa nhập hơn.

"Áp lực đồng trang lứa" là trăn trở của Anh Thư, tân sinh viên trường Đại học Kinh tế TPHCM, sau một tuần đi học. Nữ sinh viên cho hay, khối lượng bài vở vừa nhiều vừa khó, tốn thời gian nghiên cứu nên rất căng thẳng. Thư cũng cảm thấy đại học "không nhàn như tưởng tượng".

"Vào học vài ngày thì em thấy ngợp và quá sức, mọi thứ khác với những gì em từng nghĩ. Các bạn xung quanh ai cũng giỏi, mỗi ngày em đều phải cố nỗ lực để bắt kịp, không để bản thân bị bỏ lại phía sau", Thư chia sẻ.

Huyền Trang, tân sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐHQG TPHCM) cho hay, đại học "nhàn" hơn bậc THPT về mặt thời gian nhưng nặng hơn về mặt kiến thức.

"Thỉnh thoảng, lịch học trống một số buổi, em tranh thủ học thêm ngoại ngữ, tin học để trau dồi kiến thức, chuẩn bị sớm cho hành trình sau tốt nghiệp đại học", Trang nói.

70% sinh viên gặp khó khăn với môi trường mới

TS Phan Thị Thanh Hương, Phó Trưởng khoa Giáo dục, Trường Đại học Sài Gòn chia sẻ, việc áp lực bài vở, bối rối vì cách học khác với bậc THPT hay thấy hụt hẫng vì ngành học không như tưởng tượng, là tâm lý thường gặp ở các tân sinh viên.

Khoảng 30% sinh viên đã có sự chuẩn bị sẵn tâm thế, tìm hiểu trước phương pháp tiếp thu trước khi học đại học. Tuy nhiên, 70% sinh viên còn lại sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận với môi trường mới.

"Các em nên lắng nghe sinh viên khóa trước chia sẻ về cách học, kinh nghiệm về ngành, chú ý bài giảng và tìm cách ghi chép phù hợp với khả năng. Trong 2 học kỳ đầu của năm nhất, sinh viên nên đọc những tài liệu chính, các học phần giáo dục đại cương và giáo trình của ngành. Khi đã nắm kiến thức cơ bản, sinh viên cần tìm đọc các sách chuyên môn sâu hơn", vị chuyên gia gợi ý.

Theo TS Hương, thường các sinh viên sẽ rơi vào tình trạng hụt hẫng trong học kỳ đầu tiên của năm học. Lúc này, sinh viên nên tìm hiểu kỹ về chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, xác định lại mục tiêu để học tập đúng hướng, không bị rơi vào thế bị động, vô định và chán nản.

"Các em hãy cho mình 1 năm trải nghiệm, thật sự nỗ lực và học với chương trình đào tạo đó. Nếu vẫn không tương thích, sinh viên có thể suy nghĩ đến việc chuyển hướng", TS Hương cho biết thêm.

Đối với những trường hợp mang tâm lý "xả hơi" ở năm nhất, TS Hương lưu ý rằng đại học là quá trình sinh viên tham gia chương trình đào tạo nghề và các học phần đều có sự liên kết, bổ trợ nhau.

"Các học phần ở năm nhất thuộc khối giáo dục đại cương và đại cương ngành, nếu sinh viên không nắm vững sẽ khó xây dựng nền tảng học sâu về kiến thức chuyên môn. Lúc đó, các em rơi vào tình trạng "mất gốc" khó tiếp thu, nảy sinh tâm lý chán nản, muốn bỏ cuộc", TS Hương chia sẻ.

Đại học không "nhàn" như sinh viên tưởng tượng (Ảnh minh họa: NVCC).

Do đó, điều quan trọng là sinh viên phải chủ động rèn luyện khả năng tự học. Sinh viên cũng không nên chỉ tập trung vào điểm số mà bỏ qua các hoạt động ngoại khóa, phong trào hay công tác xã hội.

"Điểm rèn luyện cũng là một trong các tiêu chí mà nhà tuyển dụng quan tâm. Khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, sinh viên sẽ có cơ hội tự đánh giá về điểm mạnh lẫn hạn chế của bản thân. Việc mở rộng mối quan hệ trong hoạt động ngoại khóa cũng giúp các em xây dựng quan hệ trong công việc và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tương lai", TS Hương khẳng định.

Theo Kỷ Hương/ Dân Trí