Nghề giáo có nhiều niềm vui không?

Thứ Hai, 30/09/2024 15:08 GMT +7
Ai cũng cần những người thầy trong đời. Người thầy đứng trên bục giảng nhìn xuống những gương mặt chăm chú của học trò để biết kiến thức của mình đang được gieo xuống mảnh đất màu mỡ mỗi ngày. Ở đó những mầm xanh hối hả vươn lên!

Một buổi học đầy ắp niềm vui ở lớp của con gái tôi

Tôi từng là một giáo viên dạy Văn, dẫu chưa có biên chế nhưng ít nhiều tôi đã có học trò, đã từng được gọi bằng hai chữ “cô giáo” thân thương.

Ngày còn bé, chắc hẳn giấc mơ lớn lên trở thành thầy giáo cô giáo không còn xa lạ gì với những đứa trẻ. Tại sao trẻ con lại ước mơ trở thành thấy cô giáo đến thế ư! Bởi vì trong thế giới của chúng thì thầy cô giáo thật “oách” thật đáng ngưỡng mộ, thật cao quý nữa.

Tôi cũng nuôi ước mơ của mình trở thành sự thật cùng rất nhiều bạn bè đồng trang lứa. Bây giờ, khi nghỉ dạy đã nhiều năm, mỗi lần đưa con đến trường khai giảng hay đón con ở trường ngày Hiến chương nhà giáo, tôi vẫn nhớ nghề, vẫn xúc động. Bạn bè tôi sau nhiều năm gắn bó với nghề, vài người cũng chọn cách nghỉ việc để dành thời gian nhiều hơn cho gia đình hoặc làm một công việc khác có thu nhập tốt hơn.

Bạn bè trong lớp đại học Sư phạm chúng tôi vẫn giữ liên lạc, sẻ chia vui buồn nghề giáo. Bạn tôi nói, sau gần 20 năm đi dạy, nhiều khi thấy chua chát vô cùng - nhất là khi đứng trước những đợt tấn công của cộng đồng mạng về  vấn đề liên quan đến giáo dục. Đương nhiên, cộng đồng mạng lên án cũng có lý, nhưng chạnh lòng biết bao nhiêu khi bị vơ đũa cả nắm. Nhiều lần muốn bỏ nghề vì áp lực đến từ học trò không ngoan, từ phụ huynh vô lối. Bạn tôi cười buồn: "Các bạn đi làm chỉ có 2-3 ông sếp, còn tụi tôi có đến 50 "sếp phụ huynh" cũng đồng nghĩa là có 50 camera chạy bằng cơm trong lớp mình chủ nhiệm. Đôi khi chỉ ước người ta đừng gắn hai chữ cao quý lên nghề giáo để vịn vào đó mà nói những lời không hay. Hãy nhìn đứa trẻ của mình đã học được những gì, có tiến bộ không, hãy đồng hành cùng con mình cùng nhà trường chứ đừng phó thác những đứa trẻ cho nhà trường hoặc giáo viên. Bạn có 2 đứa trẻ nhưng mỗi giáo viên có đến hàng trăm học trò mỗi khóa.

Vậy nghề giáo có nhiều niềm vui không? Có chứ! Niềm vui tiếp nối con chữ, kiến thức của thầy cô, niềm vui khi tranh luận sáng tỏ một vấn đề, hãnh diện khi thấy học trò thành đạt, có những học trò mình còn dõi theo mãi về sau. Là sự tin tưởng gần như tuyệt đối của học trò với thầy cô, ngay cả khi niềm tin đó sau này học trò mới nhận ra. Mỗi khi khó khăn, mỗi lần nản lòng lại nghĩ đến các đồng nghiệp đang cắm bản ở vùng cao, vùng sâu vùng xa. Nơi ấy mùa đông mưa rét, bão lụt, thầy cô phải trèo đèo lội suối vận động học trò đến trường. Nơi ấy trường lớp tạm bợ, nền đất lầy lội sau những cơn mưa.

Cô giáo cũ của tôi năm nào cũng gom quần áo ấm, balo cho học trò vùng cao. Tôi ngồi xếp những bộ quần áo đồng phục, ủi phẳng phiu rồi chở ra bến xe gửi đi, lòng lâng lâng khi nghĩ đến những cô cậu học trò vùng cao được xúng xính trong quần áo mới, đeo balo mới. Thi thoảng tôi được xem những phóng sự thầy cô giáo vùng cao rơi nước mắt khi thấy học trò ăn cơm với muối trắng lạnh ngắt đựng trong túi nilon, hay cô giáo chèo đò chở học sinh đến lớp, nước mắt tôi lại lăn dài. Niềm vui lớn nhất đối với nghề cầm phấn đến từ tình yêu với học trò, lớn lao hơn là mong ước thế hệ tương lai hiểu biết hơn, văn minh hơn. Mắng học trò, phạt học trò, nhưng thương học trò lắm chứ. Làm thầy cô giáo, đâu chỉ gieo chữ nghĩa trên những cánh đồng mơ ước mà còn uốn nắn, định hướng nhân cách cho các em. Phải kiềm chế, phải kiên nhẫn đến nhường nào.

Ảnh minh họa

Thầy giáo cũ của tôi năm nay tuổi đã cao, hàng ngày ông vẫn chuyên tâm đọc sách, nghiên cứu. Đứa cháu nội của ông ngây thơ hỏi: “Ông nội, ông già thế còn đọc sách làm gì?”. Thầy tôi mỉm cười: “Muốn hiểu biết, con hãy đọc sách nhé”. Thầy tôi coi sách là bạn, là thầy. Ai cũng cần những người thầy trong đời. Người thầy đứng trên bục giảng nhìn xuống những gương mặt chăm chú của học trò để biết kiến thức của mình đang được gieo xuống mảnh đất màu mỡ mỗi ngày. Ở đó những mầm xanh hối hả vươn lên!

Theo Hoàng Hiền/ PNO