Những điều không phải ai cũng biết về nghề kế toán

Thứ Hai, 30/09/2024 14:23 GMT +7
Hình ảnh một người kế toán viên xuất hiện với cặp kính dày cộp, mắt dán vào các bảng tính liên tục, ngồi lặng lẽ làm việc suốt ngày, từ năm này sang khác, luôn tồn tại trong trí tưởng tượng của nhiều người. Trên thực tế, chân dung một kế toán viên sẽ như thế nào, những điều không phải ai cũng biết về nghề kế toán.

Đối chọi bất cứ ai

Kế toán viên có thể trở thành người đối chọi với bất cứ ai trong công ty. Điều này nghe có vẻ căng thẳng, nhưng trong thực tế, vai trò của kế toán rất quan trọng. Quyết định chi hay xuất kho bất cứ khoản tiền hay sản phẩm nào cần được đảm bảo theo nguyên tắc kế toán để tránh những hậu quả không lường. Kế toán viên sẵn sàng chống lại lệnh sếp hoặc bất cứ ai trong công ty, nếu yêu cầu chi, xuất không đúng quy trình, quy định. Điều này có thể khiến kế toán viên không được lòng nhiều đồng nghiệp trong công ty, kể cả cấp trên. Tuy nhiên, cấp bậc càng cao, trách nhiệm càng lớn. Nếu sự cố xảy ra, kế toán viên có thể sẽ phải trả giá với những quyết định cả tin của mình.

Kỹ năng giao tiếp nhất định

Nhiều người cho rằng kế toán viên khô khan, chỉ làm việc với các con số và không giao tiếp với ai. Tuy nhiên, điều đó không chính xác. Mọi ngành nghề trong xã hội đều cần giao tiếp để kết nối, duy sự sự vận động và phát triển của xã hội, nên nghề kế toán cũng không nằm ngoài quy luật này. Dĩ nhiên, yêu cầu về kỹ năng giao tiếp của một kế toán viên không thể đặt lên bàn cân và so sánh ngang bằng với yêu cầu kỹ năng giao tiếp của một nhà ngoại giao, chuyên gia đàm phán, nhân viên kinh doanh, hay một người dẫn chương trình,…

Một kế toán viên cần có năng lực giao tiếp bằng văn bản, giao tiếp bằng lời nói nhất định. Giao tiếp bằng văn bản là cách thiết lập, nhập dữ liệu, trình bày báo cáo bằng văn bản rõ ràng, dễ hiểu,…Giao tiếp bằng lời nói là việc phân tích số liệu, báo cáo, diễn giải tình hình tài chính của công ty và đưa ra đề xuất đầu tư hiệu quả hoặc giải thích rõ ràng những vấn đề phức tạp liên quan đến thuế, pháp lý với cấp trên. Hoặc có kỹ năng gọi điện thoại, khéo léo hối thúc công nợ với khách hàng mà khách không than phiền và sẵn sàng hợp tác. Tất cả những điều đó chứng tỏ kế toán không chỉ làm việc với các con số. Kỹ năng giao tiếp hỗ trợ người kế toán rất nhiều trong công việc.

Áp lực có tính chu kỳ  

Tùy vào vai trò và công ty, những kế toán viên khác nhau sẽ kể những cảm nhận khác nhau của họ về nghề kế toán. Tuy nhiên, áp lực có tính chu kỳ là đặc trưng của nghề kế toán. Cuối tháng, cuối quý, cuối năm là những giai đoạn áp lực, bận rộn nhất của họ. Tổng hợp sổ sách, giấy tờ, hóa đơn, để báo cáo tài chính, báo cáo thuế, thậm chí tăng ca, mang việc về nhà làm để kịp tiến độ công việc. Áp lực này cứ thế lặp đi lặp lại.

Gánh cả những việc không tên

Đối với sinh viên mới ra trường hoặc người chưa có nhiều kinh nghiệm về nghiệp vụ kế toán, họ thường có xu hướng lựa chọn ứng tuyển vào các công ty có quy mô vừa và nhỏ. Các công ty này thường yêu cầu kế toán viên kiêm nhiệm nhiều việc. Ví dụ, một kế toán viên có thể phụ trách việc của nhiều vị trí kế toán khác như kế toán quản trị, kế toán lương, kế toán thuế, kế toán công nợ, kế toán bán hàng, kế toán kho,…. Và những việc không tên như “chạy vặt” giúp sếp, vệ sinh showroom, phụ kho đóng hàng, thu thập dữ liệu, mua hàng, bán hàng, nghe điện thoại….cũng có thể do kế toán đảm nhận.

Không chỉ ngồi một chỗ

Nghiệp vụ kế toán có liên hệ chặt chẽ với các cơ quan như thuế, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, kho bạc,…Nên bên cạnh việc liên tục cập nhật các quy định, thông tư các lĩnh vực này, kế toán viên thường đi đến các cơ quan cần thiết để thực hiện công việc, nhiệm vụ liên quan. Thay vì chỉ ngồi một chỗ làm việc như nhiều người vẫn nghĩ.

Linh hoạt xử lý tình huống

Có những lúc, kế toán công nợ rơi vào hoàn cảnh “tiến không được, lùi không xong”, nhất là thời điểm đối tác đòi nợ mà sếp vẫn chưa duyệt khoản chi. Kế toán không dám kinh động sếp nhiều lần nhưng cũng ái ngại từ chối đối tác quá nhiều đợt. Nghỉ thai sản hay bận công tác là pha xử lý không hiếm gặp giữa lúc cần “án binh bất động” của kế toán viên. Hoặc kế toán lương sẽ bị đồng nghiệp hỏi thăm nhiều lần nếu ngày đó lương đến muộn. Lý do thì muôn hình vạn trạng nhưng tựu trung không xuất phát từ kế toán, như ngân hàng gặp sự cố hệ thống, sếp đi công tác về trễ,…

Linh hoạt ứng biến trước các tình huống có thể xảy ra nhằm đảm bảo lợi ích công ty là trách nhiệm của kế toán. Những ứng xử tuy nhỏ nhưng khéo léo, thông minh đôi khi lại là một ứng cứu, giúp công ty vượt qua một khó khăn nhất định và có thêm thời gian giải quyết vấn đề.

Việt Sử