Vì sao ngành báo chí, truyền thông ngày càng thu hút thí sinh?

Thứ Hai, 30/09/2024 16:23 GMT +7
Trong mấy năm trở lại đây, nhóm ngành báo chí, truyền thông trở nên 'nóng' vì luôn có lượng hồ sơ cao bậc nhất tại các trường ĐH và điểm chuẩn cũng 'cao chót vót' với mỗi môn phải trên dưới 9 điểm.

Số lượng người học đông nhất tại nhiều trường

Theo thông tin công khai về quy mô đào tạo của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2023-2024, trường có tất cả 27 ngành bậc ĐH với tổng số sinh viên là 8.641 thì trong đó, ngành báo chí có số lượng sinh viên đông nhất với 557 người. Bên cạnh đó, ngành quan hệ công chúng là 349 sinh viên, cũng nằm trong top 6 ngành có lượng sinh viên nhiều nhất. 

Năm 2023, điểm trúng tuyển của nhóm ngành này tại trường từ 23-28,5 tùy tổ hợp môn (ngành báo chí) và từ 26,2 đến 28,78 (ngành quan hệ công chúng). Đây là những ngành có điểm chuẩn cao nhất.

Lĩnh vực báo chí, truyền thông nhận được sự quan tâm lớn của người học. N.N

Tại Học viện Báo chí tuyên truyền, năm học 2023-2024, lĩnh vực báo chí thông tin có quy mô 3.317 sinh viên trên tổng số 8.836 sinh viên. Trong đó, ngành báo chí đang có 1.784 sinh viên theo học, cao nhất trong tổng số 20 ngành. Các ngành quan hệ công chúng, xuất bản, truyền thông đại chúng cũng từ 400 đến gần 600 sinh viên mỗi ngành.

Năm 2023, các ngành báo chí, truyền thông quốc tế của Học viện Báo chí tuyên truyền có điểm chuẩn từ 34,3-37,31 (thang điểm 40); ngành truyền thông đa phương tiện và truyền thông đại chúng từ 26,15 đến 27,18 (thang điểm 30), đều là những ngành nằm trong top điểm chuẩn cao nhất của trường.

Trong khi đó, ngành báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng có điểm chuẩn cao nhất trong số 34 ngành học năm 2023 với 28 điểm (C00), 26,71 (D01) và 26,81(D14), còn truyền thông đa phương tiện đứng thứ 3 với 27,2-27,25 điểm tùy tổ hợp môn.

Tại Trường ĐH Văn Lang, tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng, thông tin trong đợt xét tuyển học bạ mới đây, ngành truyền thông đa phương tiện dẫn đầu về lượng hồ sơ, chiếm gần 20% trong tổng số 60 ngành học. Kế đến là ngành quan hệ công chúng. Ngành truyền thông đa phương tiện của các trường ĐH như Công nghệ TP.HCM, Nguyễn Tất Thành… cũng là một trong những ngành thu hút nhiều hồ sơ bậc nhất.

Ngành học sáng tạo và năng động, có sức ảnh hưởng lớn

Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, Trưởng bộ môn truyền thông, Khoa Báo chí và Truyền thông, cho rằng có một số lý do chính khiến lĩnh vực báo chí, truyền thông ngày càng "hot" với thí sinh.

Người trẻ thích sự sáng tạo, năng động sẽ yêu thích ngành báo chí, truyền thông. HCMUSSH

"Thứ nhất, các ngành báo chí, truyền thông được thí sinh nhận biết như là những ngành học gắn với sự sáng tạo. Điều này thu hút giới trẻ. Thứ hai, đây là những ngành có phổ việc làm tạo thu nhập khá rộng, bao gồm cả các loại công việc bán thời gian, đặc biệt là công việc tự làm trên môi trường kinh tế số. Thứ ba, trên bản đồ tuyển sinh hiện nay, các thí sinh có sở trường ở lĩnh vực phi kỹ thuật mà lại không có thiên hướng về kinh tế, kinh doanh thì không có nhiều lựa chọn ngành nghề 'hot' nên các em rất dễ đổ xô vào ngành báo chí, truyền thông vốn đang được nhận diện như là ngành 'hot'".

Trong khi đó, PGS-TS Vũ Quang Hào, Trưởng khoa Truyền thông sáng tạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhấn mạnh lĩnh vực báo chí, truyền thông, đặc biệt là truyền thông số có ảnh hưởng, tác động đến xã hội ở nhiều phương diện khác nhau. Từ chính trị, kinh tế, môi trường đến y tế, giáo dục, và đặc biệt là môi trường hoạt động kinh doanh. "Cơ hội việc làm của những ngành học này cũng vô cùng rộng mở", PGS-TS Vũ Quang Hào nhận định.

Với ngành truyền thông đa phương tiện đang thu hút và có quy mô đào tạo lớn nhất tại Trường ĐH Văn Lang, tiến sĩ Võ Văn Tuấn lý giải: "Trong thời đại 4.0, mọi thứ đều phải nhanh chóng, ấn tượng bằng nội dung, hình ảnh, âm thanh, video… Vì thế, ngành truyền thông, nhất là truyền thông số, là một phần quan trọng để các doanh nghiệp truyền tải thông điệp đến khách hàng, tạo hình ảnh ấn tượng, tạo thương hiệu…".

Theo Mỹ Quyên/ Thanh niên