Vì sao thí sinh đánh cược vào thi đánh giá năng lực thay vì tốt nghiệp THPT?
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 2 hôm 2.6 tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM (Q.5, TP.HCM). NHẬT THỊNH
Nguyễn Đặng Phương Thùy, học Trường Trung học thực hành (TP.HCM), chia sẻ tại buổi thi đánh giá năng lực diễn ra hôm 2.6 rằng so với kỳ thi tốt nghiệp THPT, em dồn nhiều thời gian, công sức để thi đánh giá năng lực hơn. Điều này đến từ 2 nguyên nhân chính. Một là, so với số thí sinh thi tốt nghiệp THPT lên đến hơn 1 triệu người, số người dự thi đánh giá năng lực thấp hơn, chỉ bằng khoảng 1/10, ở mức hơn 100.000 lượt dự thi.
Vì thế, tỷ lệ cạnh tranh sẽ thấp hơn nhiều, Thùy nhận xét. Nhằm tận dụng cơ hội này, nữ sinh đã bắt đầu đăng ký thi đánh giá năng lực từ năm lớp 11 để trải nghiệm đề và không khí phòng thi, sau đó bắt đầu ôn luyện ở trung tâm từ cuối tháng 5.2023. "Thi nhiều kỳ thi giúp em 'rộng cửa' hơn với nguyện vọng ĐH", Thùy nhận định.
"Thứ 2, do em đặt nguyện vọng vào ngành báo chí của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, một đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM nên trường cũng dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực", Thùy chia sẻ. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều thí sinh dự thi đánh giá năng lực cũng ứng tuyển vào các đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM như Bách khoa, Khoa học tự nhiên, Công nghệ thông tin...
Lý do nào khác khiến học sinh cuối cấp có xu hướng ngày càng chuộng thi đánh giá năng lực hơn thi tốt nghiệp THPT? Trần Hạnh Vy, học Trường Trung học thực hành, nêu góc nhìn: "Lớp em cũng có nhiều bạn 'đánh cược' vào thi đánh giá năng lực thay vì thi tốt nghiệp THPT. Một trong những lý do chính là kỳ thi này đỡ áp lực hơn hẳn so với thi tốt nghiệp THPT".
Thí sinh theo dõi địa điểm phòng thi trước giờ làm thủ tục dự thi. NHẬT THỊNH
Trong khi đó, Nguyễn Minh Tiến, học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (TP.HCM), chia sẻ em đang đeo trên vai chiếc cặp chứa đầy tài liệu ôn tập trong thời gian qua. Tiến kể, theo quan sát, em thấy có 2 xu hướng đáng chú ý. "Một là các bạn ôn song song thi đánh giá năng lực với tốt nghiệp THPT. Hai là dồn hết thời gian, công sức vào thi đánh giá năng lực. Ở mỗi xu hướng, các bạn đều lường trước được những cơ hội, rủi ro", nam sinh chia sẻ.
Đặng Kim Trúc, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), thì cho biết em xem trọng kỳ thi đánh giá năng lực hơn bởi mong muốn xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Theo quy chế, trường này dành tối đa 90% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí, gồm: tiêu chí về học lực (kết quả thi đánh giá năng lực, thi tốt nghiệp THPT, học bạ), năng lực khác, hoạt động xã hội.
Năm nay, trọng số của tiêu chí về học lực là 90%. Trong đó, điểm thi đánh giá năng lực là 70%, trong khi điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm 20% và 10% còn lại là điểm học bạ. "Như vậy, để có mức điểm cạnh tranh vào ngành khoa học máy tính của trường, em cần đạt trên 900, cao hơn 50 điểm so với kết quả thi đợt 1 vừa rồi của em", Trúc cho hay.
Đỡ áp lực, chiếm trọng số cao trong phương thức xét tuyển... là những nguyên nhân khiến thí sinh ngày càng ưu ái kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. NHẬT THỊNH
Năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM ghi nhận có 132.865 lượt thí sinh dự thi trong cả 2 đợt, cao nhất từ trước đến nay. Con số này chưa bao gồm 3.139 thí sinh vắng mặt vì nhiều lý do, trong số đó có nguyên nhân quên mang theo các giấy tờ tùy thân như CCCD. Chưa kể, theo dữ liệu đăng ký dự thi, có 29.023 thí sinh đã tham gia đợt 1 và dự thi tiếp đợt 2 để cải thiện điểm số.
Số liệu trên cũng giúp đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM trở thành kỳ thi thu hút đông thí sinh nhất cả nước, chỉ đứng sau kỳ thi bắt buộc là tốt nghiệp THPT và vượt qua kỳ thi cùng tên do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức và những kỳ thi khác do các trường ĐH tổ chức như đánh giá chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đánh giá năng lực của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, TestAs của Trường ĐH Việt-Đức...
Theo thông tin do Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM) công bố, năm nay dự kiến có 105 trường ĐH, CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển một phần chỉ tiêu. Thí sinh làm bài thi trên giấy theo hình thức trắc nghiệm, gồm 120 câu hỏi trong 150 phút. Độ khó câu hỏi được chia theo 3 cấp độ: cấp độ 1 chiếm 30%, cấp độ 2 chiếm 40% và cấp độ 3 chiếm 30%.
Trước đó, ĐH Quốc gia TP.HCM công bố kết quả 93.828 bài thi đánh giá năng lực đợt 1, điểm trung bình của thí sinh là 643,4 và 80 thí sinh đạt trên 1.000 điểm. Thí sinh có điểm thi cao nhất kỳ thi là 1.076 và thí sinh có điểm thi thấp nhất là 203.
Theo Ngọc Long/ Thanh niên
Tin cùng chuyên mục
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-