Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông: Giảm áp lực bằng nhiều điểm mới
Dự kiến, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 có nhiều điểm mới so với kỳ thi từ năm 2024 trở về trước, như có thêm 2 môn thi mới; thêm nhiều dạng thức trắc nghiệm... Tuy nhiên, phương án tổ chức kỳ thi lại gọn nhẹ, giảm áp lực.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) làm bài khảo sát cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình mới. Ảnh: Minh Khang
Nhiều điều chỉnh, học sinh cần lưu ý ngay
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 là kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của học sinh học chương trình, sách giáo khoa mới biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, dự thảo quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông mới có nhiều điều chỉnh so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2024 trở về trước.
Theo dự thảo, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 sẽ có thêm 2 môn là tin học, công nghệ. Như vậy, kỳ thi có tổng số 11 môn, gồm: Toán, ngữ văn, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Hàn).
Về hình thức thi, chỉ có môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Văn Chương chia sẻ, điểm khác biệt trong các bài thi trắc nghiệm ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 là ngoài dạng thức câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn (4 phương án, chọn 1), đã quen thuộc với học sinh và được áp dụng nhiều năm qua, sẽ có thêm 2 dạng thức câu hỏi trắc nghiệm mới. Trong đó, dạng thứ nhất gồm các câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng/sai (mỗi câu hỏi có 4 ý, học sinh phải trả lời đúng/sai đối với từng ý của câu hỏi); dạng thứ hai là các câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn (gần với dạng câu hỏi tự luận, học sinh điền nội dung trả lời vào phiếu). Thời gian làm bài môn ngữ văn là 120 phút, môn toán 90 phút, các môn còn lại 50 phút/môn.
Điểm mới đáng chú ý tại dự thảo là quy định về việc tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50%. Trong khi theo quy chế hiện hành, tỷ lệ này chỉ là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12. Liên quan đến việc xét công nhận tốt nghiệp, từ năm 2025, học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ cũng sẽ không được quy thành 10 điểm như quy chế hiện nay.
Sẵn sàng cho kỳ thi đầu tiên theo chương trình mới
Theo dự thảo quy chế thi mới, dù bổ sung 2 môn thi và thêm một số điểm mới, nhưng phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương tổ chức gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh. Cụ thể, thời gian tổ chức thi được rút ngắn từ 4 buổi như hiện nay xuống còn 3 buổi thi. Số môn thi giảm từ 6 môn còn 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Bộ cũng xây dựng phương án và hướng dẫn các địa phương sắp xếp điểm thi, phòng thi theo nguyên tắc hỗ trợ tối đa, các thí sinh chỉ dự thi tại một phòng thi trong suốt kỳ thi.
Bày tỏ sự đồng tình những điểm mới của dự thảo, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương nêu ý kiến: Việc tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả ba năm học cấp trung học phổ thông lên 50%, thay cho tỷ lệ 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12, là cần thiết và phù hợp nhằm đánh giá toàn diện và khách quan. Sự điều chỉnh này cũng mang lại sự yên tâm hơn cho học sinh khi được đánh giá cả quá trình học tập, tránh việc chỉ dồn sức vào lớp 12. Còn em Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) cho rằng: “Việc chỉ thi 4 môn, trong đó có 2 môn được tự chọn là một thuận lợi rất lớn. Em sẽ tập trung học thật tốt 2 môn tự chọn để đạt kết quả tốt trong kỳ thi".
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, sau khi tiếp thu ý kiến, Bộ sẽ hoàn thiện dự thảo và dự kiến ban hành quy chế thi mới trong tháng 11-2024. Bộ cũng sẽ xây dựng, công bố đề thi mẫu để học sinh, giáo viên có thêm căn cứ làm cơ sở định hướng tốt hơn cho việc tổ chức dạy, học.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 dự kiến diễn ra vào ngày 26 và 27-6. Năm học 2024-2025, toàn thành phố Hà Nội có hơn 100.000 học sinh lớp 12, là địa phương dẫn đầu về số lượng học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm. Với quyết tâm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đầu tiên theo chương trình mới an toàn, thành công, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ học sinh.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) Vũ Đình Hà cho biết: Tháng 3-2024, học sinh toàn thành phố đã được làm bài khảo sát theo đề chung căn cứ cấu trúc định dạng đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của chương trình mới. Điều này giúp các em phần nào hình dung những thay đổi so với các kỳ thi trước đây. Tuy nhiên, đây là lứa học sinh đầu tiên học và thi theo chương trình mới, tâm lý lo lắng là điều khó tránh. Nhà trường đang khẩn trương xây dựng các đề minh họa, trong đó có đưa các câu hỏi theo dạng thức trắc nghiệm mới để tổ chức cho học sinh tập dượt thường xuyên.
Theo Thống Nhất/ Hà Nội Mới
Tin cùng chuyên mục
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-