Việt Nam có thể trở thành điểm đến giáo dục mới ở Đông Nam Á?
Sinh viên quốc tế theo học tại một trường ĐH Việt Nam, tháng 10.2023. ẢNH: UEF
Việt Nam đứng thứ 3 về xuất khẩu ròng người học
Báo cáo "Việt Nam - Hướng tới trở thành điểm đến giáo dục quốc tế mới ở Đông Nam Á: Bài học và dẫn chứng" do Bộ GD-ĐT và Hội đồng Anh đồng thực hiện đã giới thiệu một số phát hiện, phân tích ban đầu hôm 26.9. Đây là kết quả sau khi nhóm nghiên cứu xem xét các chính sách, tài liệu liên quan, khảo sát 120 trường ĐH tại Việt Nam, phỏng vấn chuyên sâu với hơn 30 bên liên quan ở Việt Nam và nước ngoài...
Báo cáo cho thấy, Việt Nam hiện đứng thứ 3 về xuất khẩu ròng học sinh, sinh viên, với số lượng người Việt theo học ở các quốc gia khác lớn hơn nhiều so với số lượng người nước ngoài học tại Việt Nam. Tính riêng năm 2021, con số này là 129.000 người và xếp sau Trung Quốc, Ấn Độ. Đây cũng là thực trạng của Singapore, Malaysia vào đầu những năm 2000.
"Tuy nhiên, cả hai quốc gia này đều đã 'lấy lại' được sự cân bằng và hiện là những quốc gia nhập khẩu ròng, thu hút số lượng lớn sinh viên theo học tại chính quốc gia của mình. Hay như các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, quốc gia này đang là một trong những điểm đến du học quốc tế phát triển nhanh nhất thế giới", báo cáo nêu, từ đó đưa ra nhiều khuyến nghị về chính sách.
Cụ thể, để đạt mục tiêu trở thành điểm đến giáo dục quốc tế mới tại Đông Nam Á, Việt Nam nên tạo môi trường thuận lợi để sinh viên quốc tế đến và học tập, đồng thời phải quốc tế hóa giáo dục ở cấp độ vĩ mô. Song song đó, nước ta cũng cần thu hút thêm sinh viên quốc tế, tăng số lượng các chương trình liên kết đào tạo, cơ sở chi nhánh của trường ĐH nước ngoài và tạo môi trường đầu tư giáo dục thuận lợi.
Báo cáo cũng nhấn mạnh một số bài học để trở thành một điểm đến giáo dục quốc tế. Đó là xây dựng một thương hiệu giáo dục quốc gia, cam kết với một chiến lược giáo dục quốc tế, mở rộng các chương trình dạy bằng tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ thông dụng khác, thu thập dữ liệu giáo dục ĐH một cách có hệ thống, phát triển cổng thông tin cho người học và các hỗ trợ cho nhóm này...
So sánh các chính sách về giáo dục quốc tế giữa Việt Nam và một số quốc gia ở thời điểm hiện tại. ẢNH: HỘI ĐỒNG ANH
"Việt Nam mong muốn trở thành điểm đến hấp dẫn cho sinh viên quốc tế, khuyến khích các trường ĐH quốc tế thành lập phân hiệu tại Việt Nam, khuyến khích các trường ĐH trong nước tăng cường hợp tác với các trường ĐH quốc tế có uy tín để phát triển chương trình liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Điều này không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu mà còn góp phần thúc đẩy quá trình quốc tế hóa giáo dục, thu hút sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đến học tập và nghiên cứu, đưa Việt Nam trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao trong khu vực", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc chia sẻ tại sự kiện.
Ra mắt cổng thông tin về liên kết đào tạo
Theo thông tin từ báo cáo, về số lượng sinh viên quốc tế, Việt Nam hiện tiếp nhận 4.300 - 5.000 sinh viên từ các chương trình chính khóa, 1.400 - 3.900 sinh viên từ các chương trình ngắn hạn mỗi năm. Trong đó, sinh viên chính khóa chủ yếu đến từ Lào, Hàn Quốc, Singapore, Campuchia, Trung Quốc, và sinh viên ngắn hạn chủ yếu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Philippines và Pháp.
Đáng chú ý, 43,7% sinh viên chính khóa và 62,7% sinh viên ngắn hạn chủ yếu học tại 5 trường ĐH Việt Nam, cho thấy hiện chỉ có một nhóm nhỏ các trường có khả năng thu hút sinh viên quốc tế. Và tính tới tháng 6.2024, Việt Nam có 369 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang được triển khai, trong đó Anh là quốc gia dẫn đầu với 120 chương trình.
"Liên kết giáo dục quốc tế là một phần không thể thiếu trong việc phát triển các chương trình giáo dục, nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên trong một quốc gia và giữa các quốc gia. Chúng tôi luôn mong muốn tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động liên kết đào tạo, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, mang lại trải nghiệm học tập tốt cho học viên cũng như tăng tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp", bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam, chia sẻ trong phần trình bày báo cáo.
Các chuyên gia trong và ngoài nước tham dự sự kiện hôm 26.9. ẢNH: HỘI ĐỒNG ANH
Tại sự kiện, Bộ GD-ĐT cũng chính thức ra mắt Cổng thông tin về liên kết đào tạo. Đây là dự án với sự hỗ trợ của Hội đồng Anh, sẽ là nơi cung cấp thông tin chính thức, khách quan cho những ai quan tâm tới hoạt động liên kết đào tạo, chương trình hợp tác, chương trình giảng dạy và những quy định liên quan. Cổng thông tin hiện đã mở và có thể truy cập tại địa chỉ https://hed.moet.gov.vn/.
Cùng ngày cũng diễn ra chương trình thảo luận bàn tròn về việc thúc đẩy giáo dục xuyên quốc gia giữa Anh và Việt Nam do Đại sứ quán Anh, Hội đồng Anh và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức. Ông Marcus Winsley, Phó đại sứ, Đại sứ quán Anh ở Việt Nam, nhấn mạnh tại chương trình rằng quan hệ Anh và Việt Nam đang ở mức cao nhất, trong đó giáo dục là trụ cột chính.
Theo Ngọc Long/ Thanh niên
Tin cùng chuyên mục
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-