Rắc rối pháp lý du học sinh có thể gặp phải ở Australia
Oz Nguyen là thông dịch viên với trên 30 năm kinh nghiệm hỗ trợ phiên/ thông dịch pháp lý cho cộng đồng người Việt ở Australia bao gồm cả du học sinh. Anh chia sẻ kinh nghiệm về những rắc rối pháp lý mà du học sinh Việt ở Australia có thể gặp phải và cách tìm sự trợ giúp.
Luật lệ ở mỗi bang của Australia khác nhau ít nhiều, tùy theo lĩnh vực, người dân phải tuân theo luật của liên bang hoặc luật của bang. Kiến thức về pháp lý sẽ giúp bạn hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, giảm bớt những nguy cơ tiềm ẩn, từ đó hội nhập vào xã hội Australia một cách trơn tru.
Một trong những hoạt động phổ biến của du học sinh là đi làm thêm. Để tránh phiền phức sau này, bạn nên thỏa thuận trước một số điều kiện. Chẳng hạn tiền lương có đóng thuế chưa; có trả lương hưu (superannuation) hay không; lương ngoài giờ và cuối tuần tính như thế nào; có được nghỉ phép, nghỉ bệnh hay không? Những rắc rối hay gặp nơi làm việc là không được trả tiền thử việc, bạo hành tinh thần, điều kiện làm việc không an toàn, quịt lương. Văn phòng hỗ trợ sinh viên quốc tế của trường nơi bạn đang theo học có thể giúp làm trung gian hòa giải. Tuy nhiên nếu sự việc nghiêm trọng, bạn nên thu thập chứng cứ, nhân chứng và báo cáo với Fair Work Ombudsman nhờ họ giải quyết. Fair Work Ombudsman là cơ quan độc lập có vai trò thúc đẩy các mối quan hệ tại nơi làm việc một cách hài hòa, hiệu quả. Fair Work Ombudsman cũng theo dõi, tìm hiểu, điều tra và thực thi việc tuân thủ luật nơi làm việc trên toàn lãnh thổ Australia.
Là du học sinh, bạn phải hiểu rõ điều kiện visa của mình. Đi học đầy đủ là yêu cầu quan trọng. Nếu vắng mặt nhiều, bị cảnh cáo, hãy gặp văn phòng tư vấn sinh viên quốc tế của trường để trình bày lý do, hoàn cảnh. Ví dụ có biến cố xảy ra trong gia đình ngoài ý muốn, bạn bị khủng hoảng tinh thần, cuộc sống bị xáo trộn và những điều này tác động đến việc học. Nếu lý do của bạn không thuyết phục, trường có thể sẽ báo cho Bộ Di trú. Một rắc rối có thể gặp nữa là nếu bạn đi làm thêm nhiều hơn số giờ cho phép, Bộ Di Trú có thể hủy visa. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nên nhờ luật sư đại diện vì họ có chuyên môn, có thể giúp bạn giữ được visa.
Loại rắc rối thứ ba mà hầu như du học sinh nào cũng từng gặp phải là chuyện đi thuê nhà. Đa số du học sinh Việt vì ngại thủ tục giấy tờ hoặc không chứng minh được thu nhập nên thường thuê nhà hay share phòng tư nhân, không thông qua công ty địa ốc. Điều bất lợi trong trường hợp này là chủ nhà hiếm khi tuân thủ yêu cầu của chính phủ, nên khi xảy ra tranh chấp, người thuê sẽ không được pháp luật bảo vệ. Ví dụ, chính phủ quy định chủ nhà phải nộp tiền thế chân cho cơ quan có thẩm quyền, khi bạn trả nhà nếu không có hư hao gì thì cơ quan này sẽ nhanh chóng chuyển lại cho bạn. Tuy nhiên đa số chủ nhà tư nhân giữ tiền thế chân, khi bạn dọn ra, nếu có tranh chấp rất khó đòi lại được tiền. Thuê nhà qua công ty địa ốc cũng có thể bị bắt nạt nếu bạn không nắm rõ luật. Ví dụ nếu chủ nhà muốn tới kiểm tra thì phải báo trước ít nhất 24 tiếng chứ không thể tự tiện ra vào. Nếu muốn lấy lại nhà, chủ nhà phải cho biết trước 60 ngày, trong khi người thuê chỉ cần báo trước 28 ngày nếu muốn dọn ra.
Khi gặp trục trặc trong thuê nhà như hư hỏng hay mâu thuẫn với chủ nhà, người thuê chung, bạn nên tìm tới văn phòng hỗ trợ sinh viên quốc tế của trường nơi bạn đang theo học nhờ giúp đỡ thương lượng trong hòa bình. Nếu sự việc nghiêm trọng họ sẽ giới thiệu nơi cần liên hệ như Tenants Victoria hay Consumer Affairs Victoria. Tenants Victoria là một tổ chức phi chính phủ, có vai trò vừa giúp những người cho thuê nhà tư nhân vừa thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của người thuê nhà trong bang. Còn Consumer Affairs Victoria cung cấp thông tin và lời khuyên cho người tiêu dùng, doanh nghiệp, người thuê nhà, chủ nhà và người quản lý tài sản về quyền, trách nhiệm của họ và những thay đổi về pháp luật có liên quan.
Hầu hết du học sinh đi lại bằng phương tiện công cộng. Bạn có thể tìm hiểu thông tin về các dịch vụ giao thông công cộng, giá vé, quy định, mức phạt nếu phạm luật trên trang web của Public Transport Victoria, cơ quan quản lý các dịch vụ xe lửa, xe điện và xe buýt của tiểu bang.
Vé xe cho một ngày di chuyển bằng phương tiện công cộng ở nội thành Melbourne hiện nay là $9.20 (150.000 đồng), hơi cao, nên đôi khi nhiều bạn đi lậu vé. Nếu bị phát hiện không có vé, gác chân lên ghế hay xả rác bạn sẽ bị phạt $273 (trên 4 triệu đồng). Bạn có thể viết thư xin miễn giảm nếu có lý do chính đáng. Nếu không xin được và cố ý phớt lờ không nộp phạt, bạn có thể bị đưa ra tòa và bị ghi tên vào sổ bìa đen của cơ quan lưu trữ thông tin tín dụng, sau này sẽ rất khó mượn tiền ngân hàng, đi thuê nhà hay thậm chí kết nối điện, nước, internet.
Ngày nay, không ít du học sinh có xe tự lái. Nhiều bạn mua xe nhưng lại không mua bảo hiểm. Khi có tai nạn sẽ rất nhức đầu. Người đụng phải chịu hoàn toàn phí tổn, những lỗi nhỏ cũng có thể tốn hàng nghìn AUD vì chi phí sửa chữa ở Australia rất tốn kém. Phía bị đụng có thể vừa tính thiệt hại tài sản vừa mất thu nhập. Cho nên nếu đã mua xe các bạn nên mua bảo hiểm.
Khi bị đụng xe bạn phải dừng lại ngay, trao đổi thông tin về tên, tuổi, địa chỉ. Không nên lái xe nếu đã uống rượu bia vì bạn sẽ bị mất bằng lái. Khi bị mất bằng lái mà vẫn lén lái xe, bạn có thể bị truy tố ra Tòa và thường bị phạt rất nặng, bảo hiểm cũng sẽ không bồi thường nếu xảy ra tai nạn. Những tội này thuộc về tội hình sự sẽ ảnh hưởng đến việc xin những visa khác sau này.
Theo Thoại Giang - Oz Nguyen/VNE
Tin cùng chuyên mục
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-