Điểm chuẩn đại học tăng mạnh: Mừng ít, lo nhiều!
Thí sinh dự Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học năm 2024 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất
Sẽ không quá lo ngại nếu việc này không kéo theo tình huống tréo ngoe là có nhiều thí sinh đạt 9,0 điểm/môn vẫn trượt. Bức tranh điểm chuẩn trong kỳ tuyển sinh năm nay cho thấy nhiều trăn trở.
Ngày 21/8, các trường đại học đã hoàn thành việc công bố điểm chuẩn năm 2024. Dễ nhận thấy, so với năm 2023, năm nay nhiều ngành có mức điểm chuẩn tăng mạnh. Các ngành có điểm chuẩn cao nhất là sư phạm, báo chí, ngôn ngữ, luật... với mức điểm từ 29,0 trở lên. Tính trung bình, thí sinh phải đạt 9,4-9,5 điểm/môn mới trúng tuyển.
Các ngành có điểm chuẩn cao chủ yếu ở khối C00. Ví dụ, điểm chuẩn của ngành Sư phạm ngữ văn, Sư phạm lịch sử của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có mức điểm chuẩn 29,3 điểm ở tổ hợp C00. Cùng xét tổ hợp C00, ngành Trung Quốc học của Học viện Ngoại giao có điểm chuẩn 29,2; ngành Quan hệ công chúng của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có điểm chuẩn 29,1; ngành Sư phạm địa lý của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngành Truyền thông quốc tế của Học viện ngoại giao cùng có mức điểm chuẩn 29,05...
Điểm chuẩn các ngành xét tuyển tổ hợp C00, trong đó có nhóm ngành sư phạm cao đã được các chuyên gia dự báo ngay khi kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 được công bố. Nguyên nhân do số lượng đăng ký nguyện vọng ngành đào tạo giáo viên năm nay tăng 85%; chỉ tiêu giảm do nhu cầu thực tế đặt hàng của địa phương. Bên cạnh đó, phổ điểm môn ngữ văn năm nay cũng tăng đột biến nên việc các tổ hợp có sử dụng môn ngữ văn để xét tuyển có điểm chuẩn cao là điều có thể dự đoán.
Lý giải vì sao điểm chuẩn trúng tuyển đại học theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của nhiều trường tăng cao, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, các trường có chất lượng đào tạo tốt, nhu cầu nhân lực cao được nhiều thí sinh quan tâm.
Về điểm chuẩn khối C00 cao, có thí sinh đạt 9,5 điểm nhưng không đỗ vào nhiều ngành, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, một số ngành chỉ tiêu không nhiều nhưng cả vùng lớn tập trung nên có thể đẩy điểm chuẩn lên cao. Để xác định về việc tổ chức tuyển sinh giữa các phương thức đã công bằng hay chưa cho mọi thí sinh thì cần phân tích kỹ thêm.
Những điều trăn trở
Dù lý do nào, thì với mức điểm chuẩn cao chót vót, lại có hiện tượng thí sinh đạt tới 9,5 điểm/môn vẫn trượt đại học là điều nhiều người còn trăn trở, mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, có đánh giá toàn diện để điều chỉnh ngay trong quy chế tuyển sinh áp dụng từ năm 2025.
Nhiều thí sinh băn khoăn về việc lựa chọn phương thức xét tuyển đại học năm 2025. Ảnh: Thống Nhất
Bà Nguyễn Thị Minh Thu, phụ huynh học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) chia sẻ: “Con tôi sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học năm 2025. Từ thực tế theo dõi kỳ tuyển sinh vài năm qua, tôi thấy việc trúng tuyển đại học bằng phương thức xét tuyển sớm (sử dụng học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ...) dễ hơn nhiều so với việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tôi dự định sẽ cho con tham gia xét tuyển sớm ngay sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán để chắc suất vào đại học”.
Đặt quyết tâm thi tốt nghiệp thật tốt để sử dụng điểm thi xét tuyển vào đại học, Nguyễn Thu Trang, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) bày tỏ lo lắng: “Nhìn từ kỳ tuyển sinh năm nay thấy mức điểm chuẩn của không ít ngành quá “ảo”; lại thấy rõ sự thiếu công bằng giữa các thí sinh. Cùng đăng ký xét tuyển vào một ngành, nhưng cơ hội trúng tuyển của thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp rất khó khăn, trong khi các bạn xét học bạ lại thuận lợi hơn nhiều. Vì thế, em rất băn khoăn chưa quyết định được nên đăng ký tham gia xét tuyển đại học bằng phương thức nào để bản thân không thiệt thòi, nhưng được trúng tuyển vào trường có chất lượng đào tạo thực sự tốt”.
Theo các chuyên gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét lại việc tổ chức xét tuyển sớm để có phương án phù hợp cho kỳ tuyển sinh năm sau nhằm tránh thiệt thòi cho thí sinh và bảo đảm tính thực chất về chất lượng tuyển sinh. Thực tế, các cơ sở giáo dục đại học luôn muốn tuyển được nhiều thí sinh từ trước kỳ thi tốt nghiệp. Thậm chí có thông tin cho rằng, để yên tâm với nguồn tuyển, có trường đã “cấu” chỉ tiêu ở phương thức sử dụng điểm thi chuyển sang phương thức xét học bạ, cho dù đã công bố công khai trong đề án tuyển sinh về số lượng, tỷ lệ chỉ tiêu của từng phương thức. Vì thế nên mới ngày càng nhiều thí sinh tham gia xét tuyển sớm, điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp lại càng bị đẩy lên cao.
Về việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án tuyển sinh mà các trường đã công bố, nếu phát hiện vi phạm cần nghiêm khắc xử lý. Phía gia đình người học và cộng đồng xã hội cũng có thể góp sức tham gia giám sát, kịp thời phát hiện những vi phạm trong tuyển sinh cũng như trong hoạt động đào tạo của các nhà trường. Theo quy định, các trường được tự chủ trong tuyển sinh nhưng phải bảo đảm cơ hội bình đẳng cho mọi thí sinh tham gia xét tuyển. Nếu vi phạm quy định này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chế tài xử lý nghiêm khắc.
Theo Thống Nhất/ Hà nội mới
Tin cùng chuyên mục
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-