Liên kết, đặt hàng để tăng nguồn cung nhân lực chất lượng cao

Thứ Ba, 08/10/2024 11:35 GMT +7
Không chỉ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà cả doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hiện cũng khó tìm được nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày càng hiện đại. Liên kết, đặt hàng cơ sở giáo dục - đào tạo được xem là phương án hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này.

Các chuyên gia dự báo trong khoảng 4-5 năm tới, các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau, trên 80% doanh nghiệp (DN) sẽ gia tăng làm việc từ xa và chuyển sang số hóa quy trình làm việc; trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc sẽ biến đổi do tác động của công nghệ thông tin, tự động hóa… Với trên 50% dân số ở độ tuổi lao động, nước ta được đánh giá là đang trong giai đoạn dân số vàng. Tuy nhiên, DN ngành công nghiệp vẫn luôn gặp khó khi tìm nhân lực có trình độ kỹ thuật, tay nghề.

Sinh viên Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội làm quen với rô bốt - Ảnh: N.T.

Khó tìm nhân lực có trình độ kỹ thuật, tay nghề

Tại Hà Nội, khi nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần TOMECO An Khang (thuộc Công ty cổ phần Cơ điện TOMECO) đầu tư dây chuyền sản xuất mới gồm các máy miết tạo hình kim loại tấm sử dụng công nghệ CNC cùng một số máy gia công chính xác CNC và công nghệ hàn rô bốt..., DN này không thể tìm ra lao động đứng máy. Do đó, họ phải tuyển các kỹ sư dù việc đào tạo kỹ sư không nhằm trực tiếp vận hành những máy móc đó.

Công ty TNHH Dụng cụ An Mi (Hà Nội) chuyên sản xuất dụng cụ chính xác cao và chi tiết cơ khí phục vụ cho các DN sản xuất ô tô, xe máy, hàng không, vũ trụ và khuôn mẫu - liên tục phải tuyển dụng các vị trí, mỗi đợt từ 30-50 nhân sự, trong suốt 2 năm. Song chỉ có khoảng 30 - 40% đạt yêu cầu, đa số là phải đào tạo lại. Hiện DN này vẫn đang thiếu nhân viên kỹ thuật gia công cắt gọt, quản trị nhân sự, điện tử và tự động hóa.

Đại diện Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) cho biết, do sự phát triển của khoa học công nghệ, tự động hóa… nên nhu cầu nhân lực có tay nghề của các DN ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện… đang gia tăng. Thế nhưng, số lượng lao động có tay nghề cao trong các ngành này hiện rất hạn chế. Bên cạnh đó, các DN này thường tham gia vào việc thay đổi, cải tiến quy trình sản xuất và công nghệ nên việc tìm kiếm, duy trì nguồn nhân lực có khả năng học hỏi, thích nghi kịp với thay đổi càng khó khăn.

Ông Phùng Anh Tuấn - Phó giám đốc Công ty cổ phần Manutronic Việt Nam (Hà Nội) - nhấn mạnh: Theo xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều DN, tập đoàn trên thế giới. DN Việt mong muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì phải có được nguồn lực nhất định để tiếp nhận khoa học kỹ thuật, tiếp nhận và chuyển giao những công nghệ mà các tập đoàn chuyển dịch sang Việt Nam. Do đó, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố sống còn không chỉ với Manutronic mà với tất cả DN muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các chuyên gia cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao của các ngành công nghiệp sản xuất là sự liên kết giữa DN và đơn vị đào tạo - đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, là sự chênh lệch giữa khoa học công nghệ DN đang sử dụng với cập nhật chương trình đào tạo ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện… tại các trường. “Nhân sự làm việc trong ngành này ngoài kiến thức chuyên môn còn cần am hiểu về hệ thống, quy trình, tiêu chuẩn cao như ISO 9001, ISO 14001, ISO 45001… hay cách thức vận hành máy móc, thiết bị hiện đại. Nguồn nhân sự này hiện rất khó tìm được từ các trường đại học” - ông Lê Quý Thành - Giám đốc Công ty cổ phần TOMECO An Khang - nhận định.

Liên kết đào tạo là chìa khóa

Ở khối các trường cao đẳng nghề, việc liên kết đào tạo với DN đã bước đầu được chú trọng. Cuối năm 2022, Trường cao đẳng CTIM (TPHCM) đã phối hợp với Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TPHCM ký kết hợp tác cùng 17 công ty phát triển hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM về liên kết đào tạo, đào tạo nghề cho người lao động, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp và tiếp nhận sinh viên thực tập theo nhu cầu DN.

Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội… cũng đã bước đầu cho thấy hiệu quả khi liên kết với DN trong đào tạo lao động. Ngoài việc tặng các thiết bị, máy móc phục vụ giảng dạy cho Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, Công ty Honda Việt Nam còn hợp tác với trường để nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm việc làm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên. Theo đó, các lớp chất lượng cao sẽ được mở, trường đào tạo theo đặt hàng của Honda Việt Nam. DN sẽ tổ chức chương trình thực tập sinh và tuyển dụng sinh viên xuất sắc kết hợp giải quyết việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên các nghề kỹ thuật. Ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội - cho biết, việc DN tham gia đào tạo với nhà trường sẽ tạo ra những trung tâm đào tạo, hợp tác giữa 2 bên; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nhiều DN lớn như AGRIMECO, PMC-VNPT… đã đặt hàng đào tạo kỹ sư thực hành tại trường.

Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội đang đào tạo nguồn nhân lực theo 3 cấp độ: theo lối cũ, liên kết với DN để cùng đào tạo và đào tạo theo đặt hàng của DN. Trong khoảng 10 năm liên kết đào tạo, trường đã hợp tác với trên 150 DN. Việc liên kết, cập nhật tiêu chuẩn lao động từ DN còn giúp trường định hướng chương trình, xác định các thiết bị, máy móc cần đầu tư để phù hợp với công nghệ và yêu cầu sản xuất thực tế. Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay, trường đang đào tạo theo đặt hàng từ Tập đoàn Hanwha - DN duy nhất trong lĩnh vực động cơ hàng không ở Hàn Quốc, Công ty TOYOTA Việt Nam, THACO Trường Hải…

Ông Nguyễn Vân - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội - đánh giá hợp tác đào tạo giữa nhà trường và DN là hướng đi ngắn nhất, hiệu quả nhất trong đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện… Hướng đi này không chỉ giảm chi phí đào tạo mới và đào tạo lại nhân lực cho các DN mà còn giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với kiến thức thực tế, từ đó mở ra nhiều cơ hội việc làm khi ra trường. 

Nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo

Thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) đã triển khai các chương trình hỗ trợ DN đào tạo nâng cao nguồn nhân lực. Như chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn, giúp các DN giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm. 

Trung tâm cũng đang phối hợp với các tập đoàn đa quốc gia (Samsung, TOYOTA, Tập đoàn Tài chính quốc tế - IFC), tổ chức quốc tế (Trung tâm Tư vấn và giải pháp công nghệ Việt - Hàn - VITASK, Viện Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc - KITECH), trường đại học, cao đẳng trên cả nước để tổ chức các chương trình đào tạo. Các chương trình đào tạo một mặt giúp đội ngũ kỹ thuật viên, kỹ sư đến từ DN nhận thức được vai trò của nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; một mặt giúp đội ngũ giảng viên đến từ trường đại học, cao đẳng trau dồi thêm kiến thức chuyên môn cần thiết để phục vụ giảng dạy.

Cần có chiến lược quốc gia

Nhiều công ty hoạt động bên ngoài các thành phố lớn cũng đang phải đối mặt với vấn đề thiếu nhân viên lành nghề trong ngành công nghiệp. Nhu cầu đã vượt xa nguồn cung khi lĩnh vực sản xuất của Việt Nam ngày càng phát triển theo hướng công nghệ cao. Đó là một rủi ro có thể cản trở sự tăng trưởng trong lĩnh vực này của nền kinh tế.  

Công ty của tôi ban đầu đã khắc phục điều này bằng cách trả phí để thu hút nhân viên có tay nghề chuyển đến tỉnh Long An hoặc đi làm hằng ngày và thực hiện các chương trình thực tập, đào tạo của riêng chúng tôi. Tất nhiên, đây là một chi phí lớn hơn đối với công ty và sẽ khiến một số nhà đầu tư nản lòng trong tương lai. 

Do đó, cần xây dựng một kế hoạch dài hạn quốc gia nhằm xác định những nội dung đào tạo cần thiết cho các trường cao đẳng và đại học kỹ thuật, xác định những kỹ năng cần thiết trong 10 năm tới để đưa Việt Nam tiến lên chuỗi giá trị trong sản xuất.

Steve Powell - nhà sáng lập Công ty Airspeed Việt Nam (hoạt động sản xuất linh kiện điện tử)

Q.Minh (ghi)

Theo Ngọc Minh Tâm/ PNO