Nữ sinh hỏi sốc: "Em mê tiền mãnh liệt thì chọn nghề gì?"
Chia sẻ tại một buổi tọa đàm tư vấn tuyển sinh, Ng.H.Đ., nữ sinh vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 vừa qua cho biết, em đăng ký nguyện vọng vào hơn 30 ngành nghề vì không biết bản thân thích gì, muốn gì.
Học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh năm 2024 (Ảnh minh họa: Hoài Nam).
Đ. trải lòng, em có học lực tốt, là học sinh khá giỏi suốt những năm học phổ thông. Tuy nhiên, 12 năm qua, từ ngày đi học Đ. chỉ biết học và học, học làm sao để đạt điểm cao trong các kỳ thi chứ em không hề biết mình thích cái gì, có sở trường, năng lực hay đam mê ở lĩnh vực nào.
"Em chỉ biết học, môn nào em điểm cũng cao, kỳ thi nào điểm cũng tốt nhưng thật sự em không biết mình có thế mạnh hay yêu thích lĩnh vực nào. Vậy nên, khi đăng ký nguyện vọng vào đại học, những ngành nào quen thuộc em chọn hết", Đ. nói.
Khi nói về đam mê lớn nhất của bản thân, Đ. có phần lúng túng, ấp úng. Phải một lúc sau, cô nữ sinh mới tự tin bộc bạch: "Em không thích gì hết, em chỉ mê tiền. Người mê tiền một cách mãnh liệt thì nên chọn nghề gì?".
"Mê tiền thì làm nghề gì?" câu hỏi thẳng như ruột ngựa của Đ. có thể làm nhiều người choáng váng nhưng thật ra đó là băn khoăn của không ít thí sinh trước ngưỡng cửa chọn ngành chọn nghề.
Tại không ít chương trình tuyển sinh đại học giờ đây không thiếu những thắc mắc theo nghề để có thu nhập cao, băn khoăn có cần học nhiều, có cần theo đuổi đam mê hay chỉ cần kiếm được nhiều tiền… đến từ các thí sinh.
Sau những câu hỏi đó cũng phần nào phản ánh một thực tế nhiều bạn trẻ tuổi 18 ngay trước ngưỡng cửa vào đời không hề biết thế mạnh, sở thích, đam mê của bản thân.
Điều này cũng phản ánh qua thực tế nhiều thí sinh chọn đại ngành nghề, chọn theo nghề "hot" hay đơn giản chọn theo lời bố mẹ, bạn bè... chứ không xuất phát từ việc hiểu về năng lực, xu hướng của mình.
"Mê tiền thì chọn nghề gì?", câu hỏi tưởng như gây sốc của cô nữ sinh nhưng theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM - thật ra là một câu hỏi cũ tồn tại lâu nay.
Ông Tuấn cho hay, tương lai cuộc đời của mỗi người tùy thuộc vào nghề nghiệp chúng ta lựa chọn. Tuy nhiên, điều quan trọng không nằm ở nghề gì kiếm được nhiều tiền hay không, có tạo dựng được danh tiếng hay không mà ở chỗ nghề nghiệp đó có phù hợp với bản thân hay không.
Chỉ có những quan điểm về "lành nghề" trong chọn lựa nghề nghiệp thì bất cứ nghề gì và sự xuất sắc trong nghề đó sẽ là yếu tố quyết định đến con đường thành công.
Ông Trần Anh Tuấn (Ảnh: Hoài Nam).
Ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, khi gia nhập thị trường lao động, thành công được quyết định bởi kiến thức, trình độ, những kỹ năng (biết ứng dụng công nghệ, am hiểu một ngoại ngữ) và luôn tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, ý thức, kỹ luật….
Vì thế, chọn nghề là chọn cho mình một tương lai, hay có thể nói đó là sự chọn lựa những điều quan trọng nhất cho một hành trình tương lai.
Chuyên gia nghề nghiệp này nêu quan điểm, trong cuộc sống hiện đại, những học sinh sinh viên có ước mơ, hoài bão, mục tiêu phấn đấu để công việc tốt, thu nhập cao, vị trí xứng đáng… là điều rất bình thường, cần khuyến khích
Nhưng quan trọng hơn phía sau đó là mỗi người phải biết biến ước mơ thành hiện thực thông qua những hành động thực tế và việc làm cụ thể.
Để làm được điều này, cần có quá trình học tập và đạt những kết quả tốt về nghề nghiệp để làm nền tảng vững chắc là điều kiện cơ bản nhất để mở ra tương lai cho mỗi người.
Cùng đó, trong quá trình hành nghề, còn phải thường xuyên trau dồi kiến thức, cập nhật mới về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, tư duy, năng động, kỷ luật... để hoàn thiện và phù hợp hơn cho từng thời điểm.
Ở một góc nhìn khác, theo một số chuyên gia giáo dục, thực tế "chẳng biết mình thích gì" của cô nữ sinh thật ra là tâm trạng của không ít học trò chúng ta ngày nay.
Nhiều học sinh như Đ., từ bé chỉ biết học và học, các em giỏi toàn diện, môn nào điểm cũng 9 cũng 10, bảng điểm đều tăm tắp, sáng loáng nhưng nhìn lại các em không biết mình muốn gì, thích gì, giỏi cái gì.
Nhiều học sinh khó khăn khi chọn ngành chọn nghề vì không hiểu rõ về năng lực, đam mê của bản thân (Ảnh minh họa: Hoài Nam).
Giáo dục ngoài những cuộc đua về điểm số dường như chưa giúp các em hiểu và khơi gợi về những ước mơ, khát khao bên trong của bản thân?
Khi đưa phong trào "Design for Change" (Kiến tạo để thay đổi) - phong trào trẻ em lớn nhất thế giới về Việt Nam - nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương từng chia sẻ, trước câu hỏi các em bận tâm, trăn trở, mong muốn gì về các vấn đề của thế giới, trẻ em nhiều quốc gia trả lời rất tự nhiên, rất hiểu biết, rất quan tâm đến các vấn đề xã hội, đến cộng đồng.
Nhưng trẻ em Việt Nam thì không. Hầu hết các em bày tỏ lo lắng về điểm số, chỉ muốn đạt điểm 10 hoặc lên tiếng về việc đang phải học quá nhiều, các em chỉ thèm có thời gian để chơi điện thoại, iPad.
Theo Hoài Nam/Dantri
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-