Hỗ trợ kinh phí, công nghệ để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên

Thứ Bảy, 05/10/2024 10:58 GMT +7
Những ý tưởng của sinh viên tại cuộc thi ý tưởng khoa học và khởi nghiệp nông nghiệp do Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế tổ chức đã được hỗ trợ kinh phí, công nghệ hoàn thiện và phát triển sản phẩm.

Ngày 18.5, Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế đã tổ chức vòng chung kết Cuộc thi ý tưởng khoa học và khởi nghiệp nông nghiệp năm 2024.

Trải qua vòng thi sơ loại, ban tổ chức đã chọn ra 8 ý tưởng xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết với các chủ đề như: Đa dạng hóa các sản phẩm từ vỏ bưởi hữu cơ; sản xuất cung cấp giống, dịch vụ thiết kế, bảo dưỡng bể tép cảnh; sản xuất phân hữu cơ ở dạng viên từ phân dê và biochar; sản xuất chế phẩm Bacilus subtilis b23 phòng bệnh tiêu chảy trên gà…

Những sản phẩm từ ý tưởng khởi nghiệp của 8 đội thi lọt vào vòng chung kết. LÊ HOÀI NHÂN

Tại vòng chung kết, mỗi nhóm đã có 8 phút trình bày, sau đó ban giám khảo đã đặt câu hỏi, góp ý để sinh hoàn thiện ý tưởng.

Dựa vào các yếu tố như ý tưởng, lý do đề xuất, trình bày sản phẩm, dịch vụ, kế hoạch hoàn thiện sản phẩm và chiến lược phát triển sản phẩm…, ban giám khảo đã trao giải nhất cho nhóm đề tài Sản xuất chế phẩm Bacilus subtilis b23 phòng bệnh tiêu chảy trên gà.

Từ những nhu cầu trong chăn nuôi như cấm sử dụng kháng sinh, an toàn sinh học chăn nuôi không đảm bảo, những bệnh do vi khuẩn gây ra sẽ tăng cao, nhóm sinh viên này cùng với sự hỗ trợ của các giảng viên đã nghĩ ra giải pháp thay thế kháng sinh bằng cách tạo ra sản phẩm được tạo nên từ những chế phẩm sinh học probiotics (các vi sinh vật tốt).

Sản phẩm này sẽ giải quyết được vấn đề phòng bệnh tiêu chảy trên gia cầm và giảm việc sử dụng kháng sinh, từ đó giảm hiện tượng tồn dư kháng sinh trong chăn nuôi. Từ ý tưởng, nhóm sinh viên đã cho ra sản phẩm hoàn thiện là gói chế phẩm 200 gram chứa các vi sinh vật tốt mang tên Bacillus subtilis B23.

Ban tổ chức ký kết hợp đồng triển khai sản xuất dự án thử nghiệm với các nhóm thi đạt kết quả cao. LÊ HOÀI NHÂN

Ban tổ chức cho biết, dịp này 4 nhóm đạt giải cao nhất tại cuộc thi sẽ nhận được nguồn hỗ trợ ươm tạo để hoàn thiện và phát triển sản phẩm của mình với giá trị từ 10-15 triệu đồng/dự án. Qua đó, các sinh viên sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, ý tưởng. 

Đây cũng sẽ là những nhóm nòng cốt tiếp tục tham dự các cuộc thi cấp ĐH Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế và toàn quốc.

Theo Lê Hoài Nhân/ Thanh niên